Chuyên gia: Giảm thiểu phát thải phải đi từ công nghệ, giảm tiêu hao nguyên liệu

Để giảm thiểu phát thải phải đi từ công nghệ, giảm tiêu hao nguyên liệu, cùng đó là giảm chi phí năng lượng và sử dụng nhiên liệu thay thế, ví dụ như điện sạch, nhiên liệu không phải là hóa thạch...

Để giảm thiểu phát thải phải đi từ công nghệ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Để giảm thiểu phát thải phải đi từ công nghệ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Việc phát triển thị trường carbon là một trong những công cụ hết sức quan trọng để đóng góp vào tiến trình giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia. Việc phát triển và vận hành thị trường carbon sẽ là một cơ hội để huy động nguồn vốn của xã hội tham gia vào hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Tuy vậy, để thực hiện cam kết về giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị COP26 cần phải sự vào cuộc đồng bộ từ cơ quan chức năng trong việc xây dựng cơ chế chính sách đến sự vào của cộng đồng doanh nghiệp trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, giảm tiêu hao nguyên liệu...

Đây cũng là nội dung chính của Tọa đàm: “Giải pháp thúc đẩy tham gia thị trường carbon của doanh nghiệp ngành Công Thương,” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 4/9.

Chi phí nhiên liệu của nhiều doanh nghiệp còn cao

Xi măng là một ngành công nghiệp nặng sản xuất ra một trong những sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu cho xây dựng và cũng là một ngành có lượng phát thải khí nhà kính lớn.

Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, trong 5 năm gần đây, mỗi năm ngành xi măng phát thải trung bình khoảng từ 62-70 triệu tấn CO2 và trong sản xuất xi măng, hiệp hội tính toán phần sản xuất clinke là phát thải nhiều nhất, chiếm đến hơn 90% tổng lượng carbon phát thải ra trên một tấn xi măng.

Hiện Việt Nam có hơn 60 nhà máy sản xuất xi măng trong toàn quốc có sản xuất clinke, tất cả các nhà máy sản xuất xi măng này đều nằm trong danh sách các doanh nghiệp phải có hạn mức phát thải carbon do Chính phủ quy định sau này.

Tiến sỹ Lương Đức Long cho hay tất cả các doanh nghiệp đến thời điểm này đã nhận thức được vấn đề trên và cũng đã có sự chuẩn bị khác nhau để đón nhận những quy định mới của Chính phủ cũng như các giải pháp để có thể giảm thiểu được lượng phát thải carbon trong quá trình sản xuất của mình.

Đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam thông tin thêm, hiện phát thải carbon trên một tấn xi măng khoảng từ trên 800kg còn đối với clinke tùy nhà máy là trên dưới 900kg CO2 mỗi tấn.

“Quyết định 1266 của Thủ tướng Chính phủ có đặt ra mục tiêu đến năm 2030 lượng phát thải trên một tấn xi măng giảm xuống còn 650kg CO2 và đến năm 2050 thì phát thải trên một tấn xi măng sẽ còn không lớn hơn là 550kg CO2,” tiến sỹ Lương Đức Long nói. Ông cho biết muốn giảm được phát thải, phải tìm xem nguồn gốc phát thải từ đâu ra, trong đó với ngành xi măng chủ yếu nguồn phát thải lớn nhất là từ nguyên liệu.

167A6512.JPG
Dây chuyền sản xuất hàng xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Từ đánh giá trên, ông Lương Đức Long cho rằng pháp để giảm thiểu phát thải thì phải đi từ công nghệ cũng như phải giảm tiêu hao nguyên liệu, cùng đó là giảm chi phí năng lượng và sử dụng nhiên liệu thay thế, ví dụ như điện sạch, những loại nhiên liệu không phải là nhiên liệu hóa thạch...

Đẩy mạnh giải pháp tài chính và công nghệ

Theo các chuyên gia, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam thực tế đã được khởi động và khởi đầu từ những năm 2018 khi những dự án tín chỉ carbon tự nguyện đầu tiên của Việt Nam đã được đăng ký ở các tổ chức thẩm định hàng đầu thế giới như theo Tiêu chuẩn Verified Carbon Standard (VCS) hay Tiêu chuẩn Gold Standard (GS).

Tuy nhiên, ở thời điểm ban đầu các dự án này tập trung chủ yếu từ những dự án về năng lượng tái tạo, thủy điện và một số các dự án cộng đồng và với số lượng tín chỉ cũng không quá nhiều so với các nước trên thế giới.

Ông Nguyễn Võ Trường An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) cho rằng với một điểm khởi đầu thị trường từ những năm 2018 và đến khoảng từ hai năm trở lại đây thì tín chỉ carbon, thị trường carbon và những chủ đề có liên quan mới bắt đầu nóng lên trong xã hội và trong cộng đồng thì các doanh nghiệp mới bắt đầu tìm hiểu và tập trung vào trong thời gian gần đây.

Song theo đại diện CCTPA kể cả về thị trường hạn ngạch, thị trường bắt buộc và cả thị trường tự nguyện, doanh nghiệp hiện tại đang thiếu rất nhiều yếu tố và thực sự là một thử thách không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc chơi toàn cầu, cuộc chơi quốc tế, tuy vậy, điều này lại không được quyền từ chối và không tham gia vào thị trường này.

HINH HRC.jpg
Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để giảm phát thải. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Do vậy, để ứng dụng công nghệ chuyển đổi Xanh và giảm phát thải, ông Nguyễn Võ Trường An cho rằng nguồn lực tài chính rất quan trọng bởi suất đầu tư cực kỳ lớn và lớn hơn những công nghệ truyền thống rất nhiều. Tiếp đến, khi đã có giải pháp tài chính thì việc đầu tư máy móc, thiết bị và công nghệ rất đơn giản.

“Chúng ta có cơ hội bởi Việt Nam vẫn là một thị trường tín chỉ carbon mới và non trẻ trên bản đồ các thị trường tín chỉ carbon trên thế giới và với dư địa hiện tại về tự nhiên, về diện tích rừng, mật độ che phủ rừng cũng như các ngành nông nghiệp hiện tại, dư địa áp dụng công nghệ giảm phát thải còn rất lớn, bởi hầu như chưa làm gì,” ông Nguyễn Võ Trường An nói.

Đối với lĩnh vực này, Việt Nam đã có Luật bảo vệ môi trường, Nghị định 06/2022, các Thông tư của Bộ Công Thương, của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về việc kiểm tra khí nhà kính thì đó cũng là căn cứ rất tốt để thực hiện quá trình chuyển đổi Xanh.

Ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) thông tin, trước đây, thị trường carbon hay giảm phát thải khí nhà kính là những vấn đề mang tính chất tự nguyện, không tác động nhiều đến nhận thức của doanh nghiệp, nhưng bây giờ là những vấn đề mang tính bắt buộc, do vậy rất quan trọng.

Đồng tình với đại diện CCTPA về tài chính và công nghệ, ông Tâm nhấn mạnh, công nghệ giảm phát thải mang tính chất đáng kể, hiệu quả thì đòi hỏi những công nghệ mang tính đột phá chứ không phải những công nghệ truyền thống. Tuy nhiên, có những giải pháp đi đôi với những công nghệ truyền thống như sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, các thay đổi mô hình quản lý để làm sao nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng để giảm tiêu hao năng lượng, đặc biệt là các nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch là nguồn phát thải lớn nhất....

Đại diện Bộ Công Thương cũng lưu ý thêm về khung khổ pháp lý, theo đó việc tạo ra các cơ chế chính sách nhằm quy định chặt chẽ về giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy thị trường tự nguyện cũng như bắt buộc gọi là thị trường tuân thủ sẽ đem lại hiệu quả rất cao cho toàn xã hội trong công cuộc về giảm phát thải khí nhà kính, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là những mục tiêu rất tham vọng trong dài hạn của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục