Người dân ở châu Á đang khao khát trở nên thành công hơn, do đó châu lục này có nền kinh tế năng động nhất thế giới.
Trên đây là nhận định mà nhà sử học và nhà quản lý người Đức Rainer Zitelmann đưa ra trên mạng Corriere.net (Italy) ngày 14/7.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ông Zitelmann vừa tiến hành một loạt cuộc thăm dò tại nhiều nước, tìm hiểu cách người dân nhìn nhận về sự giàu có và người giàu có.
[Lạm phát không ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế châu Á]
Ông Zitelmann phỏng vấn một số nhóm đại diện của 6 quốc gia tại châu Âu và Mỹ về mức độ quan trọng của việc giàu có hoặc để trở nên giàu đối với họ.
Tỷ lệ những người trả lời "rất quan trọng" hoặc "khá quan trọng" trung bình là 28%.
Tỷ lệ thấp nhất là tại Anh với 19% và cao nhất là tại Italy với 36% trong khi tại Mỹ là 30%, Thụy Điển 32%, Tây Ban Nha 31%, Pháp 26%, Đức 22%.
Ở tất cả những nước phương Tây này, đa số tin rằng việc trở nên giàu có không quan trọng. Trong khi đó, kết quả các cuộc khảo sát tương tự ở châu Á cho thấy 43% người Nhật Bản tin rằng làm giàu là quan trọng, tỷ lệ này ở Trung Quốc là 50%, Hàn Quốc là 63%, Việt Nam là 76%.
Từ đó, nhà sử học này nhận xét: “Người dân ở châu Á đang khao khát thành công hơn và điều đó phần nào giải thích mức độ năng động kinh tế nổi trội nhất ở châu lục này.”
Bên cạnh đó, ông Zitelmann cũng đưa ra một tập hợp các đặc điểm tính cách được gắn với người giàu, bao gồm 6 điểm tích cực và 6 điểm tiêu cực để lựa chọn.
Kết quả cho thấy người Việt Nam nhìn thấy ở người giàu nhiều điểm tích cực hơn nhiều so với tiêu cực.
Chuyên gia này đã tổng hợp tất cả dữ liệu và cho ra “Chỉ số Tình cảm Giàu có” dùng để đo lường thái độ với người giàu và sự giàu có.
Người Pháp có thái độ gay gắt nhất, với chỉ số 1,2; tiếp theo là người Tây Ban Nha và người Đức với tỷ lệ 1,1; sau đó đến người Italy và Trung Quốc là 0,9; người Thụy Điển và người Mỹ ở mức 0,6; Anh và Hàn Quốc là 0,5; người Việt Nam và người Nhật Bản là 0,4./.