Ngày 14/7, Giám đốc Chương trình Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ), ông Greg Poling, đã có cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).
Trong bài phỏng vấn, ông Greg Poling khẳng định yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong cái gọi là "đường 9 đoạn" là trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong "đường 9 đoạn".
Tuy nhiên, Trung Quốc đã tuyên bố không công nhận và không chấp nhận phán quyết của PCA. Về điều này, Greg Poling cho biết ông không ngạc nhiên, bởi "Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục làm như vậy."
"Trong vài năm qua, chúng ta đã thấy rõ quan điểm của Trung Quốc là phản kháng tại vụ kiện của Philippines. Lập trường này sẽ không thay đổi trước và sau phán quyết. Vấn đề ở đây là liệu Philippines và những nước đồng quan điểm như Việt Nam, Mỹ, Indonesia, Mỹ, Nhật Bản hay Australia có thể tiếp tục duy trì sức ép quốc tế lên Trung Quốc như thời gian qua hay không, cũng như thuyết phục Bắc Kinh làm rõ các yêu sách chủ quyền và tôn trọng phán quyết của tòa," ông nói.
"Tiến trình này sẽ mất nhiều thời gian, bao lâu thì chúng ta chưa biết, có thể là 5 năm, nhưng chắc chắn là nó sẽ không thể diễn ra trong “một sớm, một chiều.”
Poling cho rằng trước mắt, căng thẳng sẽ gia tăng tại Biển Đông. "Song, về lâu dài, nếu Trung Quốc không tìm cách thay đổi hiện trạng và tạo nên sự đã rồi, thì tôi đánh giá đây là dấu hiệu tích cực. Nó giúp tạo ra ranh giới cho giải pháp thương lượng trong tương lai," ông nói.
Khi đề nghị dự đoán về chính sách và hành động của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông thời gian tới, Poling cho rằng Trung Quốc có nhiều lựa chọn chính sách.
"Kịch bản tích cực nhất là Bắc Kinh sẽ chỉ tiếp tục gây khó dễ cho Philippines và phớt lờ phán quyết của PCA. Theo tôi, Trung Quốc có lẽ sẽ không có những động thái quyết liệt trước thềm các hội nghị quan trọng sắp tới như Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Hội nghị Bộ trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và nhất là Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) sắp diễn ra ở Trung Quốc," ông nhận định.
"Tuy nhiên, trước ảnh hưởng sâu rộng của phán quyết, rất có thể nước này cảm thấy cần phải phản ứng. Tôi cho rằng việc Trung Quốc thiết lập trái phép Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông là không thể tránh khỏi, vấn đề ở chỗ Trung Quốc sẽ dùng cơ hội này để đẩy nhanh ADIZ./.