Chuyên gia: Còn quá sớm để khẳng định Triều Tiên sở hữu ICBM

Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng Mỹ dường như đã đưa ra kết luận quá vội vàng về về việc Bình Nhưỡng sở hữu năng lực tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Chuyên gia: Còn quá sớm để khẳng định Triều Tiên sở hữu ICBM ảnh 1Hình ảnh một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. (Nguồn: EPA)

Theo Yonhap, ngày 6/7, ông Moon Chung-in, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng Mỹ dường như đã đưa ra kết luận quá vội vàng về về việc Bình Nhưỡng sở hữu năng lực tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Quan chức này cho rằng sẽ cần thêm thời gian để Bình Nhưỡng hoàn thiện toàn bộ kỹ thuật quan trọng.

Ông Moon Chung-in, Giáo sư tại Đại học Yonsei, cũng cho rằng vẫn còn thời gian cho cộng đồng quốc tế giải quyết “thế bí” trong chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng thông qua các biện pháp hòa bình.


[Quan chức và chuyên gia Mỹ: Triều Tiên đã phóng thành công ICBM]

Phát biểu tại một hội thảo được tổ chức ở trung tâm thủ đô Seoul, ông Moon nêu rõ: “Quan điểm cá nhân của tôi là Bộ Ngoại giao Mỹ và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đều kết luận quá vội vàng (về năng lực tên lửa của Triều Tiên). Họ gọi đó là một ICBM và cho rằng Triều Tiên sở hữu năng lực ICBM nhưng Mỹ dường như đánh giá quá cao năng lực của nước này."

Quan chức này nhấn mạnh: “Không tồn tại dữ liệu về việc liệu tên lửa có thể chịu được sức nóng khi quay trở lại bầu khí quyển hay không, hay liệu có khả năng kiểm soát sự giảm tốc và một đầu đạn hạt nhân thực sự có thể được gắn trên tên lửa hay không."

Giáo sư Moon nhận định: “Để đảm bảo sự ổn định của các tên lửa, họ cần thử nghiệm khoảng 15 lần. Tuy nhiên cho đến nay chưa có nhiều vụ thử đến vậy. Từ góc độ công nghệ, khó có thể khẳng định Bình Nhưỡng đã sở hữu năng lực ICBM, có nghĩa là chúng ta vẫn còn thời gian."

Ông Moon cho biết ông đã có cuộc thảo luận với Giáo sư Theodore Postol thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) thông qua email. Trong cuộc thảo luận, ông Moon hỏi liệu tên lửa Triều Tiên phóng thử hôm 4/7 vừa qua là “tiền thân” hay “nguyên mẫu” mà từ đó nước này có thể sản xuất hàng loạt. Giáo sư Postol trả lời đây là “tiền thân”, có nghĩa nước này đang trong giai đoạn khởi đầu của quá trình phát triển ICBM.

Ông Moon cho biết thêm: “Vụ phóng thử tên lửa Hwasong-14 mới đây nhất không phải là sự tận thế. Tôi nghĩ chúng ta có thể tạo ra bước ngoặt, và xác định một giải pháp thay thế thông qua sự hợp tác toàn cầu, bao gồm tham vấn với các nước như Mỹ, Trung Quốc và Nga”. Ông Moon cũng cho rằng không cần thiết phải vạch ra bất kỳ “giới hạn đỏ” nào khi đối phó với các hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, bởi điều này có thể hạn chế các biện pháp đối phó.

Một chuyên gia khác là cựu Đại sứ Hàn Quốc tại ​Liên hợp quốc Oh Joon cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại với Triều Tiên trong việc giải quyết chương trình hạt nhân của nước này, đồng thời cho rằng cần theo đuổi các cuộc thảo luận và thương lượng kể cả trong thời kỳ chiến tranh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục