Chuyên gia: "Cơn bão" sắp đổ bộ vào châu Âu đầu năm 2019

Nhà kinh tế, tác giả Victor Hill cho rằng "một Brexit không có trật tự sẽ là tia lửa khiến hộp diêm Eurozone bùng cháy trong nửa đầu năm 2019".
Chuyên gia: "Cơn bão" sắp đổ bộ vào châu Âu đầu năm 2019 ảnh 1(Nguồn: AP/TASS)

Mới đây, mạng tin forbes.com đăng bài viết của ông John Mauldin - người chuyên viết về các vấn đề tài chính, đồng thời là một tác giả được ưa chuộng của New York Times - bình luận về bài báo có tựa đề khiến nhiều người hoang mang "Tin tức từ châu Âu - Suy thoái kinh tế sắp xảy ra" của nhà kinh tế Victor Hill.

Ông Mauldin nói rằng ông biết rõ nền kinh tế châu Âu đang bị suy yếu, song ông không cho rằng suy thoái kinh tế sắp xảy ra tại châu Âu. Tuy nhiên, bài báo của nhà kinh tế Victor Hill khiến sự lo ngại của ông có đôi chút tăng lên.

Tác giả bài viết, ông Hill, đã gắn kết các sự kiện theo cách mà nhiều người chưa từng nghĩ đến. Ông bắt đầu bài viết như sau:

Trên khắp châu Âu, và đặc biệt là tại khu vực đồng euro gồm 18 thành viên, những tin tức về kinh tế không mấy khả quan.

Hiện ai cũng biết rõ rằng cuộc khủng hoảng tín dụng tại các thị trường đang nổi đã diễn ra trong suốt năm qua, cùng với tình trạng giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, đã gây ra những hậu quả tiêu cực tại châu Âu.

Tuy nhiên, bất chấp Brexit (việc Anh muốn rút khỏi Liên minh châu Âu), nền kinh tế Anh hiện nay vẫn đang vận hành khá suôn sẻ.

Một số các sự kiện quan trọng sau sẽ trùng hợp cùng xảy ra tại châu Âu trong thời gian tới.

"Cai nghiện" tiền

Sự kiện đầu tiên là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sắp kết thúc việc nới lỏng định lượng "Chương trình mua tài sản". ECB đang thu mua trái phiếu, cổ phần, và bất kể thứ gì không được ấn định bán buôn.

Do đó, giá cả tài sản bị đẩy tăng lên. Mario Draghi và đội ngũ của ông đã "mượn" kế hoạch của Cục dự trữ liên bang và khiến mọi việc trở nên điên rồ hơn.

Kể từ năm 2017, họ đã giảm bớt các hoạt động thu mua. Tốc độ thu mua tài sản sẽ về không trong đầu năm 2019.

Điều đó có nghĩa rằng khu vực đồng euro sẽ sớm mất đi "liều thuốc" tiền tệ - thức mà khu vực này đang ngày càng bị phụ thuộc vào.

[Thủ tướng Anh tìm cách thuyết phục các nghị sỹ lần cuối trước giờ G]

Tuy nhiên, 18 quốc gia của khu vực này sẽ không phải là những người duy nhất bị ảnh hưởng. Toàn bộ Liên minh châu Âu (EU) sẽ cần một nhân tố mới để thúc đẩy tăng trưởng cả châu Âu.

Brexit cứng rất có khả năng xảy ra

Sự kiện quan trọng thứ hai mà ông Hill nêu ra là Brexit. Hiện nay, triển vọng của vấn đề này có vẻ không sáng sủa, ít nhất nếu không có những thay đổi mà phía EU tuyên bố rằng họ sẽ không chấp nhận.

Điều này có thể không đúng. Như chúng ta đã biết, các quan chức châu Âu là những bậc thầy về việc hứa hẹn rằng không thể thay đổi được họ, song cuối cùng lại bị "bẻ cong" khi buộc phải làm vậy.

Cho dù vậy, không thể biết rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Anh đã đưa thông báo chính thức rằng nước này sẽ rời khỏi EU vào ngày 29/3/2019 cho dù khi đó có đạt được thỏa thuận hay không.

Một "Brexit cứng" sẽ gây ra hỗn loạn khi các doanh nghiệp nỗ lực tiếp tục hoạt động trong khi thiếu vắng các quy định của luật pháp.

Những quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) có thể sẽ được áp dụng trong một số vấn đề, song khối lượng trao đổi thương mại lớn giữa Anh và EU chắc chắn sẽ giảm xuống.

Liệu họ có thể đi ngược lại thông báo đã đưa ra hay không? Gian lận một chút về thời hạn đã nêu ra hay không? EU có thể làm bất cứ điều gì mà họ muốn.

Mặt khác, việc Anh tiếp tục ở lại EU sẽ khiến hàng triệu người bỏ phiếu ủng hộ Brexit tức giận và có thể khiến chính phủ của bà May bị hạ bệ. Thật khó có thể tưởng tượng rằng Jeremy Corbin, một "nhà xã hội dân chủ", sẽ trở thành thủ tướng.

Nền kinh tế của cả Anh và EU chắc chắn sẽ gặp cú sốc, trừ khi điều kỳ diệu xảy ra khi hai bên đạt được thỏa thuận về Brexit trong vòng 3 tháng tới - điều dường như sẽ không xảy ra. Tỷ lệ thế chấp tăng cao đang khiến chi tiêu của người tiêu dùng giảm xuống.

Cuộc chiến văn hóa

Sự kiện quan trọng thứ ba theo ông Hill là cuộc khủng hoảng ngày càng lớn tại Italy.

Hiện nay, các ngân hàng tại Italy đang gặp rắc rối với việc tái cung cấp vốn cho các trái phiếu của họ. Điều này buộc Italy phải cắt giảm các khoản cho vay dành cho khu vực tư nhân bị đánh giá là yếu kém.

Italy bị cho rằng đang trong quá trình suy thoái kinh tế, tuy nhiên tình hình chắc chắn sẽ còn trở nên tồi tệ hơn. Đây là một vấn đề lớn đối với các chủ nợ của Italy, trong đó chủ yếu là Đức.

Tuy nhiên, ông Hill nói rằng cuộc khủng hoảng của Italy không chỉ còn giới hạn ở lĩnh vực kinh tế. Tại Italy hiện nay đang xuất hiện một cuộc chiến văn hóa - các phong trào dân túy chống nhập cư đang tìm cách chống lại "giới chóp bu" mà họ cho là đang gây tổn hại tới các lợi ích của Italy.

Như từng xảy ra tại nhiều nơi khác, những người thất nghiệp và cả những người lao động đều đang mất niềm tin vào chính phủ. Gần đây nhất là các cuộc biểu tình bạo lực chống lại thuế khí đốt ở Pháp.

Nếu xem xét kỹ hơn, có thể thấy rằng phong trào biểu tình này không chỉ nhằm vào vấn đề thuế nguyên liệu tăng cao.

Gần như nửa nước Pháp tỏ ra tức giận với giới lãnh đạo chóp bu - những người chủ yếu sống ở thành phố, trong khi gánh nặng tăng thuế lại đánh vào tầng lớp trung lưu vùng nông thôn vốn đã chịu nhiều gánh nặng khác.

Chính phủ Pháp hiện đang chi tiêu tới 46,2% GDP, và Pháp hiện là quốc gia đánh thuế nhiều nhất trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Thậm chí việc tăng thuế dù ở mức nhỏ nhất cũng gây ảnh hưởng tới tầng lớp người lao động. Và khi tăng thuế đối với những mặt hàng như nguyên liệu diesel - thứ rất quan trọng đối với các khu vực nông thôn - thì điều này đặc biệt khó khăn.

Sắp đạt tới giới hạn chịu đựng

Tại châu Âu và trên khắp thế giới, chúng ta có thể nhận thấy làn sóng chống lại các nhóm "chóp bu" (nhóm những người "được bảo vệ"). Họ không quan tâm tới các vấn đề của nhóm những người "không được bảo vệ" - nhóm người đang yêu cầu cần được chú ý.

Làn sóng này đang lan khắp châu Âu. Tại Đức, Chủ tịch Quốc hội Wolfgang Schauble đang ủng hộ một ứng cử viên lên thay bà Merkel lãnh đạo Đảng liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU).

Ông công khai tìm cách tranh thủ các cử tri từng từ bỏ đảng của họ và chuyển sang ủng hộ đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AFD) - một đảng dân túy chủ trương chống nhập cư. Đây là một "cú thúc" cho phe bảo thủ của nước Đức và là cách tiếp cận mang tính dân túy hơn cho các đảng lớn của nước này.

Sợi chỉ chung xuyên suốt các sự kiện kể trên là ý tưởng về một châu Âu thống nhất. Ý tưởng này là một lực đẩy góp phần hình thành EU.

Cho tới tận cách đây vài năm, ý tưởng này vẫn rất được ưa chuộng trong giới lãnh đạo chính trị, tuy nhiên sự ủng hộ dành cho nó đã dần suy yếu khi bối cảnh kinh tế thay đổi. Ý tưởng này chưa bao giờ khả thi, song nỗ lực này rất có ý nghĩa đối với một châu lục đã bị thiệt hại sau nhiều thế kỷ chiến tranh lặp đi lặp lại.

Ông Mauldin cho rằng vấn đề là EU không thể đạt được mục tiêu của mình trừ khi liên minh này trở nên mạnh hơn và phần đông người dân ủng hộ việc EU đứng ở vị trí trung tâm.

Tuy nhiên, không rõ EU sẽ giải quyết vấn đề này ra sao. Brexit, nếu xảy ra, có thể sẽ trở thành trường hợp thử nghiệm cho việc giải tán toàn bộ EU.

Ông Mauldin cho rằng rất khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra. Còn tác giả Victor Hill cho rằng "một Brexit không có trật tự sẽ là tia lửa khiến hộp diêm Eurozone bùng cháy trong nửa đầu năm 2019"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục