Chuyên gia: Có thể tầm soát nguy cơ và điều trị khỏi bệnh đột quỵ

Theo các chuyên gia, tỷ lệ tầm soát đột quỵ tránh nguy cơ tử vong hiện đạt xấp xỉ 70%, tỷ lệ can thiệp thành công cho bệnh nhân bị đột quỵ đạt 50%.

Chăm sóc hồi sức cho bệnh nhân đột quỵ. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
Chăm sóc hồi sức cho bệnh nhân đột quỵ. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Tại hội thảo “Cập nhật những tiến bộ trong quy trình điều trị cấp cứu đột quỵ” do Hội Đột quỵ Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long phối hợp tổ chức ngày 23/11 tại Cần Thơ, các chuyên gia khẳng định bệnh đột quỵ hoàn toàn có thể tầm soát và điều trị khỏi.

Quan niệm "đột quỵ đồng nghĩa với tử vong" đã không còn đúng nữa. Tỷ lệ tầm soát đột quỵ tránh nguy cơ tử vong hiện đạt xấp xỉ 70%, tỷ lệ can thiệp thành công cho bệnh nhân bị đột quỵ đạt 50%.

Đạt được kết quả này là nỗ lực của các đơn vị y tế trong việc nâng cấp máy móc thiết bị hiện đại và trình độ tay nghề của bác sỹ nhằm đạt được các tiêu chuẩn khắt khe của Hội Đột quỵ Thế giới (WSO).

Tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 3 đơn vị đạt tiêu chuẩn này là Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Đột quỵ-Tim mạch Cần Thơ (SIS), Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long.

Theo Phó giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á có tần suất đột quỵ cao nhất trên bản đồ đột quỵ thế giới, trung bình khoảng 200.000 ca đột quỵ/năm.

Tuổi bệnh nhân ngày càng trẻ hóa, mức độ tổn thương nặng. Tuy nhiên, mọi người không nên quá lo lắng vì đột quỵ luôn xuất phát từ các nguy cơ, được cảnh báo bởi các tín hiệu. Chỉ cần tránh các nhóm nguy cơ và phát hiện sớm các dấu hiệu sẽ giảm thiểu đột quỵ cũng như tránh được tử vong.

Các nhóm nguy cơ lớn là: nhóm các bệnh nhân có nền bệnh không lây nhiễm (như: huyết áp, tiểu đường, béo phì, rối loạn chuyển hóa lipid…).

Đối với nhóm nguy cơ cao này, những người xung quanh cần được trang bị kiến thức để nhận diện các dấu hiệu đột quỵ sớm và hỗ trợ bệnh nhân sơ cứu, chuyển đến cơ sở y tế có điều trị đột quỵ trong khung "thời gian vàng." Các bác sỹ đưa ra những dấu hiệu cảnh báo như: lơ mơ, méo miệng, nói ngọng, tê liệt nửa người…

Ngoài ra, ở nhóm các bạn trẻ, đột quỵ liên quan đến thói quen xấu, lối sống không lành mạnh như: sử dụng các thuốc gây nghiện, hút thuốc lá, uống rượu, thức khuya, ít vận động… Cần xây dựng lối sống lành mạnh, khoa học, trong đó chú trọng đến thực đơn ăn uống, chế độ vận động hợp lý tùy theo độ tuổi và sức khỏe mỗi cá nhân. Điều này giúp giảm đến mức thấp nhất nguy cơ bị đột quỵ.

Phó giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Huy Thắng cho biết thêm tại các đơn vị đã được Hội Đột quỵ Thế giới cấp Chứng nhận Tiêu chuẩn Chất lượng trong điều trị đột quỵ, bệnh nhân sẽ được điều trị theo đúng quy trình Code Stroke (Quy trình cấp cứu người bệnh đột quỵ cấp chuẩn toàn thế giới).

Quy trình sẽ được kích hoạt thông qua hệ thống phát thanh toàn viện và ngay lập tức đội Code Stroke sẽ có mặt tại hiện trường trong thời gian dưới 3 phút.

Đội Code Stroke có 5 thành viên, là các bác sỹ được đào tạo theo các chuyên khoa sâu chuyên biệt nhằm đảm bảo công tác cấp cứu và điều trị cho người bệnh đột quỵ nhanh chóng, chính xác và hiệu quả nhất, đảm bảo "giờ vàng" trong cấp cứu đột quỵ.

Bác sỹ Nguyễn Huy Thắng khuyến cáo người dân cần nâng cao hiểu biết về bệnh đột quỵ cũng như tuân thủ nguyên tắc tầm soát bệnh nói chung, tầm soát đột quỵ nói riêng 6 tháng/lần.

Các đơn vị y tế cần có sự liên thông các cấp trong xây dựng mạng lưới cảnh báo, vận chuyển bệnh nhân một cách nhanh chóng và hiệu quả, đồng thời có quy trình phục hồi chức năng cho các bệnh nhân sau đột quỵ, nâng cao khả năng tái hòa nhập cuộc sống, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Ban Tổ chức đã trao Chứng nhận Tiêu chuẩn Chất lượng Vàng trong điều trị đột quỵ của Hội Đột quỵ Thế giới cho Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục