Chuyên gia: Chứng khoán châu Âu có thể đạt mức cao kỷ lục trong 2022

Các chuyên gia dự đoán chỉ số blue chip DAX của Đức và CAC 40 của Pháp sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại vào giữa năm 2022, tăng lần lượt khoảng 8% và 6% so với mức đóng cửa hôm 29/11 vừa qua.
Chuyên gia: Chứng khoán châu Âu có thể đạt mức cao kỷ lục trong 2022 ảnh 1Bảng điện tử hiển thị chỉ số chứng khoán CAC của Pháp tại trụ sở sàn giao dịch chứng khoán Euronext ở La Defence, gần Paris. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo một cuộc thăm dò mà hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) vừa thực hiện dựa trên ý kiến của 23 nhà quản lý quỹ, chiến lược gia và nhà môi giới, sự không chắc chắn về đại dịch COVID-19 có thể sẽ không làm ảnh hưởng đến triển vọng chứng khoán châu Âu đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022.

Cuộc thăm dò trên, được tiến hành trong hai tuần, dự đoán chỉ số blue chip DAX của Đức và CAC 40 của Pháp sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại vào giữa năm 2022, tăng lần lượt khoảng 8% và 6% so với mức đóng cửa hôm 29/11 vừa qua.

Chỉ số STOXX 600 của châu Âu được dự báo sẽ tăng 7% và đạt 500 điểm vào tháng 7/2022, cao hơn 10 điểm so với mức đỉnh đạt được vào ngày 17/11.

Mặc dù chứng khoán châu Âu giảm 3,7% vào phiên cuối tuần trước (26/11), khi lo ngại về tác động của biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 đã gây ra đợt bán tháo trên diện rộng, nhưng thị trường chứng khoán khu vực này vẫn tăng khoảng 17% kể từ đầu năm nay.

[Cổ phiếu công nghệ dẫn dắt đà tăng của chứng khoán châu Âu]

Theo dữ liệu mới nhất của Refinitiv, mùa công bố lợi nhuận doanh nghiệp quý 3/2021 tại châu Âu đã chứng kiến mức lợi nhuận tăng 58,8% so với cùng kỳ năm 2020, sau khi lần lượt tăng 96,4% và 152,6% trong hai quý trước đó.

Giám đốc chiến lược toàn cầu của Credit Suisse Philipp Lisibach kỳ vọng rằng lợi nhuận doanh nghiệp tăng cao sẽ là động lực chính cho chứng khoán toàn cầu và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Ông dự kiến lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu sẽ tăng ở mức một con số vào năm 2022, so với mức tăng hai con số vào năm 2021.

Tuy nhiên, diễn biến của đại dịch ở châu Âu lại phức tạp và những thông báo về các lệnh hạn chế mới ở Áo và các nơi khác đã làm “lung lay” tinh thần lạc quan này.

Chỉ số lòng tin về kinh tế Eurozone đã sụt giảm trong tháng 11/2021, giữa bối cảnh người tiêu dùng lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ tư của đại dịch COVID-19, trong khi chỉ số lòng tin doanh nghiệp của Đức-nền kinh tế lớn nhất châu Âu- cũng hạ trong tháng thứ năm liên tiếp vào tháng 11, do tình trạng tắc nghẽn nguồn cung ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất.

Tomas Hildebrandt, giám đốc danh mục đầu tư cao cấp tại Ngân hàng Evli ở Helsinki, cho biết: “Những “cơn gió ngược” ở châu Âu đang đột ngột gia tăng với giá năng lượng tăng cao, số ca mắc COVID-19 cũng gia tăng và sự chậm trễ trong quá trình giao vận hàng hóa. Điều này tạo ra sự không chắc chắn trong ngắn hạn, nhưng tình hình sẽ giảm bớt trong năm tới.”

Hầu hết các nhà phân tích vẫn có cái nhìn tích cực về triển vọng của thị trường trong năm tới, song cũng có một số dự đoán về một năm không mấy thuận lợi đối với thị trường chứng khoán châu Âu.

Stephane Ekolo, một chiến lược gia tại công ty môi giới Tradition, nhận định rằng chỉ số STOXX 600 sẽ mất khoảng 30 điểm, xuống còn 430 điểm vào cuối năm 2022, do tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Ông Ekolo nói: “Tôi tin rằng doanh thu của các công ty có thể sẽ xấu đi trong sáu tháng tới, do sự gián đoạn chuỗi cung ứng tiếp tục kéo dài, tương lai của việc mở cửa trở lại nền kinh tế như trước đại dịch mờ dần, nguy cơ tiềm ẩn của các lệnh hạn chế và giá cả tăng cao.”

Trong số những rủi ro được đưa ra bởi những người tham gia cuộc thăm dò của Reuters chính là lạm phát tăng đột biến sẽ buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải đẩy nhanh việc rút lại các chương trình nới lỏng tiền tệ./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục