Đại hội Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) khóa IX (giai đoạn 2022-2026) ngày một cận kề. Đây sẽ là một trong những bước ngoặt tiếp theo cho bóng đá Việt Nam với những vị trí lãnh đạo chủ chốt và kế hoạch phát triển mới.
Trước khi bước vào giai đoạn tiếp theo, VFF đã tổng kết nhiệm kỳ cũ với nhiều thành tích đáng nể. Thành công của các đội tuyển, trong đó có những dấu ấn mang tính lịch sử, tạo động lực và là đòn bẩy để bóng đá Việt Nam có cơ hội phát triển và nâng tầm vị thế.
Không chỉ thành công về chuyên môn, VFF cho biết đã đạt được những dấu ấn đậm nét ở những khía cạnh khác nhau trong công tác tiếp thị tài trợ và truyền thông.
Đặc biệt, cơ quan chủ quản bóng đá Việt Nam ngày một mở rộng hợp tác, nâng tầm hình ảnh với nhiều đối tác và quốc tế. Cụ thể, Quyền chủ tịch VFF, ông Trần Quốc Tuấn đã được các tổ chức thành viên tín nhiệm để tiếp tục giữ vai trò Ủy viên Thường vụ Liên đoàn bóng đá châu Á và được bổ nhiệm làm Trưởng ban thi đấu Liên đoàn bóng đá châu Á.
Bởi vậy, VFF tự tin gọi giai đoạn 2018-2022 (nhiệm kỳ VIII) là quãng thời gian thành công nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.
Tuy nhiên, thành công càng lớn kéo theo những đòi hỏi cao ở giai đoạn mới. Trước khi thực hiện mới mang tính đột phá cho bóng đá Việt Nam, Ban chấp hành VFF khóa IX (giai đoạn 2022-2026) có lẽ cần đảm bảo duy trì những thành công đã đạt được trong nhiệm kỳ gần nhất.
Theo chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương, bóng đá Việt Nam đạt được nhiều thành công và được nâng tầm, kéo theo những mục tiêu cũng lớn hơn trước mắt. Đây chính là thách thức to lớn nhất.
Ông cho rằng bóng đá Việt Nam đã phát triển tương đối toàn diện, nhưng cần làm tốt hơn nữa và tiếp tục tập trung phát triển bóng đá phong trào, công tác đào tạo trẻ. Cụ thể, nếu các câu lạc bộ tại V-League, Hạng Nhất Quốc gia có thể làm tốt công tác đào tạo trẻ, sẽ có thể tạ ra “sản phẩm” chất lượng cho nền bóng đá.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho hay: “Xoay quanh mô hình bóng đá chuyên nghiệp, số lượng câu lạc bộ đáp ứng đủ tiêu chí còn khiêm tốn. Chúng ta cần những đội bóng mạnh để V-League và giải Hạng Nhất phát triển. Theo cá nhân tôi, bóng đá Việt Nam nên có giáo trình thống nhất, đơn cử như quy trình tuyển chọn cầu thủ ở mốc bao nhiêu tuổi, đào tạo, nuôi dưỡng bao nhiêu năm và hệ thống thi đấu thế nào sao cho phù hợp… Ngoài ra, chúng ta cần cố gắng có thêm sân vận động tầm cỡ để tổ chức các trận đấu quốc tế, bên cạnh sân Mỹ Đình.”
“Đây sẽ là một trong nhiều kỳ vọng dành cho Ban chấp hành VFF khóa mới. Tôi rất mong trong thời gian tới, bóng đá Việt Nam sẽ phát triển đồng bộ, bền vững hơn,” chuyên gia nói thêm.
Trong khi đó, khép lại nhiệm kỳ cũ, bóng đá Việt Nam cũng đã chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo. Điều này đỏi hỏi Ban chấp hành khóa mới đứng trước nhiệm vụ quan trọng, là tìm kiếm tân huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia với những tiêu chí rất cao nhằm duy trì thành công hiện tại.
Theo Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh, đây chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến thành công của nhiệm kỳ mới./.