Chuyên gia: Cấp thiết đưa dự án hầm Hải Vân 2 vào khai thác

Lưu lượng phương tiện tăng nhanh vượt qua thời gian dự báo điểm mãn tải hầm Hải Vân 1 sau năm 2025, vì thế đặt ra nhu cầu cấp bách cần hoàn thành ống hầm Hải Vân 2 sớm.
Cầu Hải Vân 2, cây cầu dài nhất trên tuyến đã thi công được 23/25 nhịp. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Ông Phan Văn Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Tập đoàn Đèo Cả (chủ đầu tư hầm Hải Vân 2), vừa cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại Đà Nẵng, dự án hầm Hải Vân 2 dự kiến đưa vào khai tháng từ tháng 9/2020 đã phải lùi lại thời gian.

Dự kiến cuối quý 4 năm nay mới có thể đưa dự án này vào khai thác.

“Tuy nhiên, dự án đang gặp nhiều khó khăn về phương án tài chính như chưa được bố trí 1.180 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án và điều chỉnh cơ chế thu phí tại trạm La Sơn-Túy Loan như hợp đồng BOT đã ký dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn và nguồn thu, qua đó dẫn đến phương án tài chính không được bảo đảm. Từ khó khăn này sẽ dẫn đến nhiều hạng mục của hầm Hải Vân 2 có thể bị chậm hoàn thành cũng như không đủ kinh phí duy tuy bảo trì và vận hành hầm Hải Vân đang khai thác,” ông Phan Văn Thắng cho hay.

Về những vướng mắc này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ vừa ký công văn số 9666/BGTVT-ĐTCT gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chủ trì cuộc họp Thường vụ Chính phủ để thống nhất giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc cho dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả; trong đó có hầm Hải Vân 2.

Cụ thể, văn bản số 9666/BGTVT nêu, từ năm 2018 Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo tại Thông báo số 61/TB-VPCP ngày 10/02/2018 và văn bản số 2605/VPCP-CN ngày 22/3/2018 về việc xử lý khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến đến phương án tài chính của dự án.

[Đưa dự án mở rộng hầm Hải Vân 2 vào khai thác trong tháng 9]

Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước… tổng hợp báo cáo và đề xuất các giải pháp tháo gỡ các vướng mắc này tới Thủ tướng Chính phủ.

“Năm 2019, căn cứ các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ trì tổng hợp và kiến nghị Thủ tướng về giải pháp tháo gỡ khó khăn. Thực hiệnThông báo số 02/TB-VPCP ngày 3/1/2020 và ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 831/VPCP-CN ngày 5/2/2020 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Nhà đầu tư thực hiện rà soát tổng thể phương án tài chính, những cam kết trong hợp đồng dự án và phân tích đầu đầy đủ về cơ sở pháp lý cần thiết các giải pháp đề xuất Bộ Giao thông Vận tải; trong đó Bộ Giao thông Vận tải đã lấy ý kiến của Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Viettinbank và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6341/BGTVT-ĐTCT,” văn bản Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Trải lớp nhựa để chuẩn bị đổ bêtông vỏ hầm. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Tuy nhiên, đến nay các khó khăn, vướng mắc của dự án vẫn chưa được giải quyết, mặc dù chủ đầu tư (Công ty cổ phần Đầu tư Tập đoàn Đèo Cả) đã nhiều lần báo cáo các cơ quan chức năng sớm giải quyết các khó khăn trên để hầm Hải Vân 2 sớm hoàn thành các hạng mục và đưa vào khai thác theo tiến độ đề ra.

Trở lại câu chuyện sự cần thiết phải đưa dự án Hầm Hải Vân 2 vào khai thác sớm, Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho rằng: “Do dự báo lưu lượng xe qua hầm thấp nên giai đoạn 1, hầm Hải Vân được thiết kế cho phép lưu thông hai chiều trong một ống hầm. Do sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước, nên lưu lượng phương tiện tăng nhanh vượt qua thời gian dự báo điểm mãn tải hầm Hải Vân 1 sau năm 2025, vì thế đặt ra nhu cầu cấp bách cần hoàn thành ống hầm thứ hai sớm.”

Theo đánh giá của đại diện lãnh đạo Vụ Hợp tác công tư - PPP (Bộ Giao thông Vận tải), việc triển khai giai đoạn 2 của dự án hầm Hải Vân sẽ góp phần đảm bảo năng lực vận hành, khai thác hầm Hải Vân trong thời gian tới, đặc biệt trước đà tăng trưởng lưu lượng phương tiện 10-15%/năm, ngăn ngừa tình trạng quá tải ở ống hầm Hải Vân 1 hiện nay, đồng thời đồng bộ quy mô 4 làn xe trên toàn tuyến Quốc lộ 1.

Là đơn vị vận hành trực tiếp hầm Hải Vân, ông Lê Châu Thắng, Giám đốc Xí nghiệp quản lý vận hành hầm Hải Vân (đơn vị quản lý vận hành hầm Hải Vân) cho biết, đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông trong hầm rất thương tâm, trong đó có nhiều vụ tai nạn do các xe lấn làn đấu đầu. Gần nhất vào lúc 0 giờ 30 phút ngày hôm nay (15/10), tại đường dẫn số 3 vào hầm Hải Vân đã xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe khách và xe đầu kéo container làm 2 người tử vong tại chỗ và khoảng 20 người bị thương phải nhập viện cấp cứu. Theo nhận định ban đầu là do xe khách vượt xe cùng chiều, lấn sang làn đường ngược chiều gây tai nạn.

“Khi phát hiện sự cố đơn vị quản lý vận hành hầm Hải Vân đã triển khai ngay bộ phận cứu hộ, cứu nạn tiếp cận hiện trường, cho xe cứu thương chở người bị thương đi bệnh viện. Đồng thời, đảm bảo giao thông khu vực xảy ra tai nạn và báo cáo lực lượng cảnh sát giao thông để phối hợp xử lý,” ông Lê Châu Thắng cho hay.

Ông Lê Châu Thắng cũng cho biết thêm, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn giao thông và tránh ùn tắc lưu thông do vụ tai nạn, Ban Quản lý dự án hầm Hải Vân đã cho mở tạm thời thông xe một chiều trên tuyến đường dẫn mới của hầm Hải Vân 2 (dự án chưa đưa vào vận hành khai thác) để cho xe của các lực lượng chức năng thành phố Đà Nẵng tiếp cận hiện trường tai nạn và giải phóng lượng xe ùn tắc tại hai đầu hầm và trong hầm Hải Vân 1.

Đến 5 giờ 48 phút cùng ngày, sau khi đã kéo các xe tai nạn, giải phóng hiện trường, cho thông xe qua hầm trở lại theo tuyến đường hầm Hải Vân 1 và đóng tuyến đường dẫn hầm Hải Vân 2.

“Chứng kiến sự cố đáng tiếc như thế này bất cứ ai cũng không khỏi day dứt trước nỗi đau của mỗi gia đình khi có người thân chết và bị tàn tật mới thấy được tầm quan trọng và tính cấp thiết đối với việc đầu tư xây dựng ống hầm 2 của đèo Hải Vân và sớm đưa dự án này vào khai thác nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả đầu tư,” ông Lê Châu Thắng cho hay.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo hợp đồng ký kết giữa Công ty cổ phần Đầu tư Tập đoàn Đèo Cả và Bộ Giao thông Vận tải, dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả có 4 công trình hầm xuyên núi trên Quốc lộ 1 gồm Hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân với tổng mức đầu tư khoảng 21.613 tỷ đồng.

Dự án được triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP); trong đó, phần vốn nhà nước tham gia vào dự án là 5.048 tỷ đồng, chiếm 23,35% tổng vốn đầu tư. Còn lại 16.564 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư.

Theo phương án tài chính của dự án hầm đường bộ Đèo Cả, dự án được phép sử dụng 7 trạm thu phí để hoàn vốn, gồm An Dân, Đèo Cả, Ninh Lộc, Cù Mông, Nam Hải Vân, La Sơn-Túy Loan và trạm Bắc Hải Vân.

Hiện nay, các hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Riêng dự án thành phần mở rộng hầm Hải Vân 2 dự kiến đưa vào khai thác trong quý 4/2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục