Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 6/1, hãng tin RIA Novosti trích dẫn ý kiến của một số nhà khoa học trong nước cho rằng trong năm 2021, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Nga có thể phát triển theo hai kịch bản.
Nếu virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 ở Nga không đột biến, dịch bệnh sẽ giảm bớt sau khi phần lớn dân số có được khả năng miễn dịch.
Trong trường hợp virus SARS-CoV-2 đột biến, sẽ cần một loại vắcxin mới để ngừa COVID-19. Phó Giáo sư Sergei Voznesensky của Trường đại học hữu nghị các dân tộc giải thích rằng kịch bản đầu tiên chỉ có thể xảy ra nếu không có đột biến đáng kể nào của virus SAR-CoV-2.
Với kịch bản lạc quan này, COVID-19 có thể bị đánh bại sau khi tiến hành tiêm chủng hàng loạt trên cả nước, đồng thời một bộ phận dân số đã có kháng thể sau khi bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và tự khỏi.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cũng cho rằng về lý thuyết, kịch bản xấu hơn có thể xảy ra khi có các đột biến đáng kể của virus SAR-CoV-2.
Theo ông, trong kịch bản này, virus sẽ tự biến đổi và lây lan theo cách giống như bệnh cúm và có thể cần phải phát triển một loại vắcxin mới và tiến hành tiêm chủng lại.
Chuyên gia Voznesensky cho rằng cả hai kịch bản đều có khả năng xảy ra và không tin chắc kịch bản nào sẽ chiếm ưu thế.
Về phần mình, Giáo sư, Tiến sỹ Elena Malinnikova cảnh báo khả năng sẽ có biến thể mới của virus SARS-CoV-2 ở Nga trong năm 2021. Tiến sỹ cho rằng dù ở bất kỳ kịch bản nào cũng cần giảm tỷ lệ mắc COVID-19 và người dân Nga cần hết sức cẩn thận vào mùa Xuân tới.
[Nga, Đức thảo luận khả năng hợp tác sản xuất vắcxin ngừa COVID-19]
Các chuyên gia Nga cho rằng phải mở rộng sản xuất vắcxin hơn nữa để có thể tiêm chủng hàng loạt nhằm giúp ngăn chặn COVID-19.
Trước đó, ngày 5/1, Giám đốc Trung tâm Gamaleya Alexander Gintsburg cho biết hơn 1 triệu người tại Nga đã được tiêm vắcxin Sputnik V ngừa COVID-19.
Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ Trung ương Alexander Gorelov cho rằng đa số người dân tại Nga chưa có khả năng miễn dịch với virus SAR-CoV-2, bởi vậy tình hình dịch bệnh có thể vẫn còn biến động.
Cùng ngày, Ban chỉ đạo chống COVID-19 của Nga cho biết đã ghi nhận xu hướng giảm hệ số lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này. Hệ số lây nhiễm cơ bản (R0) là chỉ số dự đoán số người trung bình bị lây nhiễm virus từ một người mắc bệnh.
Theo đó, hệ số R0 đã giảm từ mức 0,91 xuống mức 0,89, tương đương với chỉ số đầu năm 2020. Đáng chú ý, thủ đô Moskva ghi nhận chỉ số R0 ở ngưỡng 0,76 trong hai ngày liên tiếp, mức thấp nhất trên cả nước.
Hệ số lây nhiễm được sử dụng để theo dõi tình trạng lây nhiễm COVID-19 tại Nga và là cơ sở để xác định mức độ sẵn sàng của các địa phương trong việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn.
Theo khuyến nghị hiện nay, việc mở cửa giao thông hàng không với một nước có thể được xem xét nếu hệ số lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước đó không vượt quá giá trị 1 trong vòng một tuần.
Tính đến ngày 6/1, Nga có tổng cộng 3.308.601 ca mắc COVID-19, trong đó có 59.951 ca tử vong và 2.685.723 người hồi phục.
Cùng ngày, Bộ Y tế Oman đã thông báo về trường hợp nhiễm biến thể của SARS-CoV-2 đầu tiên tại nước này.
Bệnh nhân là một công dân nước ngoài cư trú dài hạn tại Oman vừa từ Anh trở về.
Theo thông báo của Bộ Y tế Oman, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 114 ca nhiễm, nâng tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 ở nước này lên gần 130.000 ca, trong đó có 1.504 ca tử vong.
Tại Philippines, người phát ngôn tổng thống Philippines cùng ngày cho biết từ ngày 8/1, nước này sẽ cấm nhập cảnh đối với du khách nước ngoài từ 6 nước gồm Bồ Đào Nha, Ấn Độ, Phần Lan, Na Uy, Jordan và Brazil sau khi các nước này phát hiện các ca nhiễm biến thể của SARS-CoV-2.
Theo đó, những du khách nước ngoài từng tới 6 nước kể trên trong vòng 14 ngày trước khi tới Philippines sẽ không được nhập cảnh vào quốc gia Đông Nam Á này trong thời gian từ ngày 8-15/1.
Công dân Philippines thuộc diện này vẫn được về nước, song phải cách ly 14 ngày ngay cả khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Chính phủ Philippines đầu tiên áp đặt lệnh cấm đối với mọi chuyến bay từ Anh bắt đầu từ ngày 24/12. Lệnh cấm sau đó được mở rộng ra với 20 nước và vùng lãnh thổ.
Bộ Y tế Philippines khẳng định cho nước này chưa phát hiện bất cứ ca lây nhiễm mới nào liên quan đến biến thể của SARS-CoV-2. Philippines đến nay có 480.737 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 9.347 ca tử vong./.