Các "đại gia" dầu khí có thể mất khoảng 30% các khoản đầu tư trong thập niên tới nếu không thay đổi kế hoạch đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang "tái cơ cấu" sang năng lượng bền vững để hạn chế sự nóng lên toàn cầu không vượt quá mức 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Theo một phân tích về ngân sách đầu tư của 69 công ty dầu mỏ và khí đốt, các dự án có trị giá lên tới 2.300 tỷ USD của các công ty này nhiều khả năng sẽ không mang lại lợi nhuận trong bối cảnh thế giới chuyển dần sang sử dụng năng lượng tái tạo và giá nhiên liệu hóa thạch chững lại.
[Nhiều mối nghi ngại về triển vọng của ngành dầu khí thế giới]
Báo cáo mang tên "Sự khác biệt 2 độ C: Nguy cơ chuyển giao đối với dầu khí trong một thế giới carbon thấp" cho biết tác động của sự chuyển đổi này sẽ có mức ảnh hưởng khác nhau đối với các hãng. Ví dụ, các nhà nghiên cứu kết luận có tới 50% chi phí vốn đề xuất của ExxonMobil cho giai đoạn phát triển tới năm 2025 là dành cho cho các dự án có thể sẽ gây thất vọng cho các cổ đông.
Các hãng như Shell, Chevron, Total và Eni được cho là có khoảng 30-40% đầu tư tương lai thuộc diện nguy cơ, đây cũng là con số trung bình đối với các công ty được đánh giá. Chỉ có 14 công ty được tin là sẽ "bắt kịp" với kịch bản 2 độ C.
Ông Nathan Fabian, Giám đốc phụ trách chính sách và nghiên cứu của PRI (một mạng lưới các nhà đầu tư được Liên hợp quốc hỗ trợ), cho biết báo cáo mới mang ý nghĩa quyết định đối với tương lai của mối quan hệ doanh nghiệp-nhà đầu tư tại các tập đoàn dầu khí.
Giới đầu tư giờ sẽ có các dữ liệu cụ thể về tác động của biến đổi khí hậu đối với ngành dầu khí để nhìn lại và tác động tới đường hướng phát triển của các doanh nghiệp trong ngành.
Các công ty năng lượng lớn đang chịu sức ép từ các nhà đầu tư về việc giải thích tác động của ấm lên toàn cầu và sự chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp đối với hoạt động kinh doanh của ngành dầu khí.
Tháng trước, 60% cổ đông của ExxonMobil đã bỏ phiếu yêu cầu công ty ra báo cáo hàng năm về ảnh hưởng của đổi mới công nghệ và "chính sách 2 độ C" đối với kế hoạch kinh doanh và đầu tư.
Tuần trước, đa số các cổ đông của công ty Occidental Petroleum cũng kêu gọi hành động tương tự.
Báo cáo là sự hợp tác giữa PRI với Carbon Tracker, một ngân hàng tư vấn tài chính đánh giá tác động của biến đổi khí hậu trên thị trường vốn và đầu tư.
Báo cáo của Carbon Tracker về rủi ro đầu tư trong ngành nhiên liệu hóa thạch xem xét hoạt động sản xuất dầu khí đến năm 2035 và đầu tư vốn cho hoạt động này tới năm 2025.
Nếu theo đúng các dự án đề xuất, vào năm 2035, các công ty dầu khí sẽ thải ra 380 tỷ tấn CO2 - 60% từ dầu mỏ và 40% từ khí đốt.
Các công ty sẽ phải loại bỏ ít nhất 60 tỷ tấn trong tổng số đó để thế giới có được một cơ hội 50-50 đạt được mục tiêu 2 độ C vốn là nền tảng của Hiệp định Paris được 196 quốc gia ký vào năm 2015./.