Chuyên gia: Cần luật hóa Nghị quyết 42 để xử lý 'căn bệnh' nợ xấu

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, dẫn đến mất khả năng trả nợ ngân hàng và chuyên gia lo ngại nợ xấu sẽ tăng cao.
Chuyên gia: Cần luật hóa Nghị quyết 42 để xử lý 'căn bệnh' nợ xấu ảnh 1Các đại biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Vietnam+)

Lũy kế từ 15/8/2017 đến 30/4/2021, hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý gần 350.000 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được Quốc hội ban hành ngày 21/6/2017 (Nghị quyết 42). Trung bình một tháng, các ngân hàng xử lý khoảng 8.000 tỷ đồng nợ xấu, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012-2017 (giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực).

Thế nhưng, đây vẫn là một nỗi lo lớn bởi dịch COVID-19 bùng phát lần 4 tiềm ẩn nguy cơ khiến nợ xấu dâng cao trở lại, bởi nhiều doanh nghiệp gián đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ.

Đây cũng là nội dung được đưa ra bàn thảo tại tọa đàm “Nợ xấu trong đại dịch COVID-19 - Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và báo Tiền phong phối hợp tổ chức ngày 23/6, tại Hà Nội. 

"Bóng ma" nợ xấu có nguy cơ quay trở lại

Chia sẻ tại tòa đàm, ông Hoàng Văn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang-Khánh Hòa, cho biết trước dịch COVID-19, có hơn 17 triệu lượt khách đến Nha Trang nhưng khi dịch đến, không có bóng dáng du khách nước ngoài nào. Do ảnh hưởng dịch, 95% khách sạn đóng cửa, chưa đầy 5% hoạt động nhưng là đăng ký làm cơ sở cách ly. Với tình hình hiện tại, doanh nhân và ông chủ có khả năng trở thành con nợ, doanh nghiệp bên bờ phá sản.

"Chúng tôi mong muốn ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp tiếp cận khoản vay không có lãi đồng thời đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho các doanh nghiệp thực hiện Thông tư 01 là khoanh nợ và giảm nợ, giảm lãi suất," ông Vinh khẩn thiết.

[Ngấm đòn COVID-19: Tiềm ẩn nguy cơ từ ‘bóng ma’ nợ xấu]

Cũng cùng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên chia sẻ, trong bối cảnh giãn cách, hạn chế di chuyển do dịch, lượng xe khách đến nay hoạt động chỉ khoảng 20%-30%, trên mỗi một chuyến xe chỉ được chở lượng khách không quá 50% số ghế ngồi. Đặc biệt, khi đợt dịch bệnh thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4/2021, lượng hành khách đi xe lại càng giảm nhiều hơn.

"Chúng tôi mong muốn Chính phủ tìm giải pháp hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp. Nợ xấu là một phần, khoanh nợ cũng cần được chú trọng. Nếu không sản xuất, nợ vẫn còn đó và chuyển thành nợ xấu, doanh nghiệp không thể vay mới. Trước mắt cần giải quyết khoanh nợ để doanh nghiệp tồn tại và phát triển," Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiến nghị.

Ông Liên cũng cho biết thêm, nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trước những khó khăn do dịch COVID-19, trong đó có doanh nghiệp vận tải, từ tháng 3/2020, Chính phủ đã có những gói giải pháp hỗ trợ đồng bộ, gần đây nhất là Nghị định 52 với tổng gói hỗ trợ trị giá 115.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trước những tác động ngày càng lớn do làn sóng COVID-19 thứ tư gây ra hiện nay, với đại đa số doanh nghiệp vận tải, những giải pháp hỗ trợ đó là chưa đủ.

"Nhiều doanh nghiệp trong ngành kiến nghị những giải pháp hỗ trợ khẩn cấp, thiết thực hơn, chủ yếu là giảm phí, thuế đất, giảm lãi suất cho vay, giảm thuế giá trị gia tăng về 0%," ông Liên nhấn mạnh.

Các ý kiến đều lo ngại hiện nay đại dịch COVID-19 đã tạo ra thử thách lớn, gây đứt gãy sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong những lĩnh vực nhạy cảm như vận tải, nghỉ dưỡng. Vấn đề nợ xấu với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trở nên trầm trọng khi dòng tiền của các doanh nghiệp bị suy yếu, đứt đoạn, thậm chí đứt hẳn dẫn đến doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, bóng ma nợ xấu lại quay trở lại.

“Gỡ vướng” nhiều vấn đề

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Huy Tài, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB), cho biết trong bối cảnh dịch COVID-19 với nhiều khó khăn, trong thời gian qua SHB luôn dành nguồn lực để đánh giá lại các khoản nợ trong và sau dịch bệnh. Trên cơ sở đó, ngân hàng có những biện pháp chủ động triển khai sau khi dịch kết thúc.

Dịch bệnh đã tác động không nhỏ đối với việc thu hồi nợ cũng như các dòng tiền khác của khách hàng đều bị ảnh hưởng, làm giảm hoạt động của ngành ngân hàng. Khi dịch bệnh xảy ra, việc xử lý nợ xấu và tương tác với khách hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đơn vị từ chối gặp gỡ trong bối cảnh dịch, trong khi trao đổi qua email và điện thoại cũng không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Chuyên gia: Cần luật hóa Nghị quyết 42 để xử lý 'căn bệnh' nợ xấu ảnh 2Lĩnh vực du lịch là một trong ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. (Ảnh: Mai Anh/Vietnam+)

"Chúng tôi còn tư vấn cho khách hàng có nên mở rộng, duy trì các hoạt động kinh doanh trong bối cảnh này hay không, hay đóng cửa chờ dịch trôi qua, để tránh tiêu hao nguồn lực. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã rà soát, đánh giá và trao đổi với khách hàng về các khoản nợ, hỗ trợ những quyết định của khách hàng làm sao tiết giảm nguồn lực, có điều kiện khôi phục hoạt động trong điều kiện mới," ông Tài nhấn mạnh.

Còn ông Đoàn Văn Thắng - Tổng Giám đốc Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ khách hàng thông qua các chính sách, như có thể xem xét kéo dài thời gian hỗ trợ hơn nữa.

Về phía tổ chức tín dụng, ông Thắng đề nghị tùy nguồn lực mà hỗ trợ khách hàng cho phù hợp.

"Chúng tôi cũng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thực tế xử lý nợ xấu, tốc độ thu nợ chậm, thậm chí bán đấu giá thành công rồi, lẽ ra bình thường người mua có thể trả ngay, nhưng hiện nay cũng xin giãn," ông Thắng chia sẻ.

Trên thực tế, sau 4 năm đi vào thực tiễn, Nghị quyết số 42 được Quốc hội ban hành ngày 21/6/2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2017 đã tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, kết quả đạt được là rất tích cực. 

Dù vậy, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần 4 đã tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cao trở lại. Báo cáo tài chính quý 1/2021, nhiều ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh.

Tổng giá trị nợ xấu của các ngân hàng hiện đang niêm yết (24 ngân hàng) là 91.244 tỷ đồng vào ngày 31/3, tăng 3.948 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cũng tăng nhẹ 0,02 điểm phần trăm lên mức 1,41%.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng trong trường hợp đại dịch COVID vẫn tiếp tục kéo dài và ảnh hưởng lớn đến an toàn hệ thống, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách cho phép ngân hàng được khoanh nợ các khoản vay thuộc đối tượng áp dụng tại Thông tư 01 và Thông tư 03 như là chính sách áp dụng tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn đối với những khoản nợ rủi ro do dịch bệnh gây nên hiện nay.

Bên cạnh đó, ông Hùng phân tích Nghị quyết 42 chỉ là thí điểm, thời hạn có hiệu lực ngắn (5 năm), không áp dụng để xử lý cho toàn bộ nợ xấu của tổ chức tín dụng. Mặt khác, nợ xấu luôn tồn tại song song với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng. Trong dài hạn, việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, khi đó lĩnh vực xử lý nợ xấu sẽ có văn bản luật riêng để điều chỉnh, các quy định xử lý nợ xấu sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, giúp cho ngành ngân hàng và các cơ quan Nhà nước liên quan phối hợp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.

Cùng chung quan điểm, chuyên gia Cấn Văn Lực cũng đề xuất Chính phủ nên xem xét đề xuất Quốc hội luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan.

Bởi theo ông Lực, mặc dù thực tế chứng minh Nghị quyết 42 đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực cho công tác xử lý nợ xấu, song đối tượng tập trung vào các khoản nợ được hình thành trước khi Nghị quyết có hiệu lực (ngày 15/8/2017). Trong khi đó, nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành ngân hàng. Hơn nữa, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, nợ xấu đã và đang tăng cao.

"Trong khi đó, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực chỉ trong hơn 1 năm nữa, sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian tới là rất lớn,” ông Lực nói.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng cần phải tiếp tục kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42. Theo ông Đức, tốt nhất là nâng Nghị quyết này lên thành luật và áp dụng cho đến khi nào hệ thống toà án thực sự giải quyết được một cách nhanh chóng yêu cầu đòi nợ của ngân hàng, không chỉ riêng thủ tục rút gọn./.

Bài viết tuyên tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục