Chuyên gia: Biến thể mới không ảnh hưởng đến việc phát triển vắcxin

Theo Tiến sỹ Rakesh Mishra, biến thể mới của SARS-CoV-2 không phải là trở ngại cho việc phát triển vắcxin và quy trình thử nghiệm vẫn được giữ nguyên.
Vắcxin phòng COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Trung tâm Sinh học tế bào và phân tử (CCMB) có trụ sở tại thành phố Hyderabad của Ấn Độ ngày 29/12 đánh giá biến thể mới của virus SARS-CoV-2 không nguy hiểm hơn chủng virus ban đầu và không gây trở ngại cho quá trình phát triển vắcxin ngừa COVID-19.

Tờ Financial Express dẫn lời Giám đốc CCMB, Tiến sỹ Rakesh Mishra nêu rõ: "Biến thể mới của SARS-CoV-2 gây ra bệnh COVID-19 (B.1.1.7) có khả năng lây nhiễm cao hơn 71% so với các biến thể khác. Tuy nhiên, những đột biến không làm trầm trọng thêm các triệu chứng hoặc hậu quả của căn bệnh.”

Theo ông Mishra, biến thể mới của SARS-CoV-2 không phải là trở ngại cho việc phát triển vắcxin và quy trình thử nghiệm vẫn được giữ nguyên.

Các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm vẫn được duy trì như trước. Đeo khẩu trang khi có người khác, tránh nơi đông người, duy trì khoảng cách là những biện pháp hiệu quả và khả thi nhất để ngăn chặn loại virus này, kể cả biến thể mới.

Tiến sỹ Mishra cho rằng điều quan trọng hiện nay là phải tiến hành một cuộc giám sát rộng rãi về bộ gen để đánh giá mức độ lây lan của virus. Ngoài ra, cũng nên theo dõi các biến thể khác có thể xuất hiện độc lập, vì hiện Ấn Độ có số người nhiễm lớn thứ hai thế giới.

Trong một diễn biến liên quan, Cố vấn khoa học chính của Chính phủ Ấn Độ K Vijay Raghavan ngày 29/12 khẳng định vắcxin phòng COVID-19 đang được sản xuất tại nước này sẽ có tác dụng đối với các biến thể mới của SARS-CoV-2.

[Biến thể của SARS-CoV-2 có thể xuất hiện tại Đức từ tháng 11]

Ông Raghavan nhấn mạnh: "Không có bằng chứng cho thấy vắcxin hiện tại sẽ không thể bảo vệ trước các biến thể của SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh hoặc Nam Phi. Những thay đổi trong các biến thể là không đủ để khiến các vắcxin mất tác dụng.”

Hiện có 6 loại vắcxin phòng COVID-19 đang trong các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng khác nhau ở Ấn Độ.

Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) - nhà sản xuất vắcxin lớn nhất thế giới cho biết, đến tháng 7/2021 sẽ sản xuất được 300 triệu liều vắcxin Covishield của Oxford-AstraZeneca. Giám đốc điều hành của SII, ông Adar Poonawalla cho hay SII đã dự trữ sẵn 40-50 triệu liều vắcxin và sẽ sản xuất thêm hàng tuần. Hiện SII đang chờ các nhà chức trách ở cả Anh và Ấn Độ cấp phép sử dụng khẩn cấp vắcxin và dự kiến được cấp phép vào đầu tháng tới.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến rạng sáng 30/12 (theo giờ Việt Nam), Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 10.242.306 ca mắc COVID-19, trong đó có 148.423 trường hợp tử vong, 9.828.057 người đã bình phục và 8.944 bệnh nhân đang nguy kịch.

Tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân ở Cologne, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn ngày 29/12 cho biết Đức có thể có đủ vắcxin phòng COVID-19 để tiêm chủng cho người dân vào mùa Hè tới nếu một trong 3 loại vắcxin của Johnson & Johnson, AstraZeneca hay CureVac được Liên minh châu Âu (EU) cấp phép sử dụng.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phản ứng trước thông tin truyền thông nói rằng tới nay Đức đặt số vắcxin quá ít so với tổng số dân, Bộ trưởng Spahn nhấn mạnh Đức không đặt mua vắcxin một cách không hiệu quả. Ông nói: "Chúng tôi dự kiến sẽ có tổng cộng khoảng 130 triệu liều của công ty Mordena và BioNTech và số lượng như vậy đủ dùng cho tất cả những ai muốn tiêm chủng."

Về thời điểm có thể có đủ lượng vắcxin cho tiêm chủng rộng rãi, ông Spahn cho rằng điều này phụ thuộc vào việc EU có sớm cấp phép cho các loại vắcxin hay không, trong đó có vắcxin của Johnson & Johnson, AstraZeneca và CureVac.

Theo ông Spahn, nếu có thêm 1 hoặc 2 loại vắcxin được phê chuẩn, Đức sẽ có thể có đủ vắcxin cho những người muốn tiêm vào mùa Hè tới. Hiện vắcxin của BioNTech/Pfizer là chế phẩm duy nhất phòng COVID-19 được EU cấp phép. Trong khi đó, công ty Moderna của Mỹ cũng kỳ vọng có thể nhận được giấy phép của EU cho loại vắcxin của công ty này vào giữa tháng 1/2021.

EU hiện đã đặt mua khoảng 160 triệu liều vắcxin của Moderna. Trong tháng này, công ty CureVac của Đức cũng đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đối với vắcxin do công ty sinh học này bào chế. Công ty Johnson & Johnson thì đã tiến hành thử nghiệm giai đoạn cuối với 45.000 người đối với loại vắcxin một liều và hy vọng sẽ có số liệu cụ thể vào cuối tháng 1/2021.

Trong khi với vắcxin do công ty AstraZeneca và Đại học Oxford bào chế, một quan chức quản lý dược phẩm EU cho rằng khối này nhiều khả năng sẽ cấp giấy phép cho vắcxin trong tháng 1/2021.

Cuối tuần qua, Đức bắt đầu tiên chủng vắcxin của công ty BioNTech/Pfizer cho nhóm đối tượng ưu tiên số 1 là những người cao tuổi. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện đang thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt và dự kiến các biện pháp này sẽ được kéo dài sau ngày 10/1 tới nếu số ca nhiễm mới không giảm.

Trong khi đó, lại có thêm một bang của Đức xác nhận sự xuất hiện của biến thể virus phát hiện ở Anh. Bộ Y tế bang Nordrhein-Westfalen ngày 29/12 cho biết biến thể của virus đã được phát hiện ở một bệnh nhân ở vùng Viersen thuộc bang này. Trước đó, biến thể của virus SARS-CoV-2 cũng đã được phát hiện ở hai bang Baden-Württemberg và Niedersachsen.

Liên quan tình hình dịch bệnh ở Đức, theo thống kê của các cơ quan y tế nước này, trong 24 giờ qua, Đức đã ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ đầu dịch, với trên 1.000 trường hợp.

Trong ngày cũng ghi nhận có thêm 17.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm cho đến nay lên gần 1.680.600 ca, với 31.676 ca tử vong. Hiện cả nước Đức còn khoảng 360.300 người nhiễm bệnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục