Chuyên gia: Bán lẻ vẫn là lĩnh vực hấp dẫn các "đại gia" ngoại

Sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam đã thu hút nhiều nhà phân phối lớn với các thương hiệu nổi tiếng của thế giới đầu tư vào, như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, Auchan…
Chuyên gia: Bán lẻ vẫn là lĩnh vực hấp dẫn các "đại gia" ngoại ảnh 1Nhiều thương hiệu lớn trên thế giới như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, Auchan… đều đã có mặt tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngành bán lẻ Việt Nam thời gian qua có sự tăng trưởng ấn tượng. Từ con số 70 tỷ USD vào năm 2010 dự báo quy mô thị trường có thể đạt 179 tỷ USD vào năm 2020.

Đáng chú ý, không chỉ các tập đoàn lớn trong nước đang lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ mà rất nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới cũng đẩy mạnh hoạt động đầu tư, mở rộng thị phần tại Việt Nam.

Đây là thông tin được đưa ra tại “Diễn đàn Đầu tư tiếp thị và Bán lẻ Việt Nam” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam và Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức ngày 20/3, tại Hà Nội.

[Fivimart về tay Vingroup: Bản đồ hàng Việt tiếp tục được vẽ lại]

Walmart hay Amazon đều nhảy vào bán lẻ

Theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là phát triển khá mạnh trong những năm gần đây.

Đưa ra con số thống kê, theo bà Nga, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội giai đoạn 2015-2017 liên tục tăng ở mức 2 con số. Đến năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017.

Sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam đã thu hút nhiều nhà phân phối lớn với các thương hiệu nổi tiếng của thế giới đầu tư vào, như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, Auchan…

Không những vậy, rất nhiều tập đoàn trong nước cũng mở rộng đầu tư sang lĩnh vực bán lẻ, điển hình là VinGroup, hiện đã có 1.700 cửa hàng tiện lợi Vinmart+, 11 trung tâm mua sắm Vincom Center, khoảng 100 siêu thị Vinmart, hệ thống siêu thị điện máy VinPro/VinPro+ …

Đáng chú ý, tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh thông tin thêm, bán lẻ là lĩnh vực có nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và khởi nghiệp nhất ở Việt Nam.

Dẫn nghiên cứu của một tổ chức quốc tế đưa ra mới đây, ông cho biết, trong số 54 quốc gia được khảo sát, Việt Nam đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này.

“Từ người bán hàng rong đến những người khổng lồ như Amazon, Walmart đều tham gia vào bán lẻ, chính vì vậy đây không chỉ là câu chuyện tiềm năng, câu chuyện sống còn đối với người tiêu dùng mà còn rất hấp dẫn,” ông Võ Trí Thành nói.

Chuyên gia: Bán lẻ vẫn là lĩnh vực hấp dẫn các "đại gia" ngoại ảnh 2Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Phải có "chữ Tín" trong kinh doanh

Mặc dù đạt được nhiều bước tiến trong thời gian qua về số lượng doanh nghiệp và qui mô thị trường, song theo các chuyên gia, hệ thống bán lẻ nước ta cũng tồn tại nhiều bất cập và thách thức.

Cụ thể hơn, theo tiến sỹ Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo đó là việc thiếu tính chuyên nghiệp từ công nghệ quản trị chuỗi, giá cả thiếu cạnh tranh, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng được yêu cầu… đang là những nội dung cản trở bước tiến của nhiều doanh nghiệp nội trong lĩnh vực này..

Hay tình trạng ép giá trong thu mua hàng hóa nông sản và cung ứng cho thị trường bán lẻ cũng là một thách thức.

Nguyên nhân chính là từ khâu sản xuất, việc định hướng còn rất lúng túng, nông dân vẫn làm theo phong trào để rồi đổ xô vào sản xuất các hàng hóa đang được giá trên thị trường, dẫn đến tình trạng dư thừa.

“Nghịch lý của việc thiếu - thừa nông sản chính là do chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ còn yếu, nông dân sản xuất hàng hóa nông sản không có hợp đồng tiêu thụ,” đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay.

Với làn sóng đầu tư mạnh mẽ hiện nay, đại diện Vụ thị trường trong nước cho rằng, bên cạnh chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư hiện đại hóa hạ tầng thương mại, các cơ sở bán lẻ… thì việc xây dựng các chính sách về truyền thông và giáo dục cộng đồng, hỗ trợ giáo dục và đào tạo nhân lực cho phát triển thị trường bán lẻ là một công việc rất quan trọng.

Bà Nga cũng lưu ý đến việc hình thành các chuỗi liên kết hay khuyến khích việc hình thành các tập đoàn bán lẻ quốc gia có đủ sức cạnh tranh ở thị trường trong nước và vươn tầm ra thị trường quốc tế.

Trong khi đó, chuyên gia Vũ Vinh Phú cũng lưu ý các nhà bán lẻ Việt cần nắm bắt công nghệ đồng thời tiếp thu nhanh và hiệu quả các kinh nghiệm của các nước phát triển để nâng cao năng lực cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.

Ông cho rằng, người tiêu dùng hiện nay không chỉ quan tâm đến giá cả, chất lượng hàng hóa mà còn ở chất lượng phục vụ và văn hóa kinh doanh. Do vậy, cần đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực chuyên nghiệp để thu mua, quản lý và bán hàng cũng như đặt “Chữ tín” lên hàng đầu nhằm chiếm được trái tim của khách hàng.

Chuyên gia: Bán lẻ vẫn là lĩnh vực hấp dẫn các "đại gia" ngoại ảnh 3Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương. (Ảnh: PV/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục