Chuyên gia Australia: Không nên hoảng loạn về virus mới gây viêm đường hô hấp

Các chuyên gia Australia khuyến cáo không nên hoảng loạn về virus Human Metapneumovirus (HMPV) gây viêm đường hô hấp, cần có cách tiếp cận thận trọng và có cân nhắc.

Các chuyên gia Australia khuyến cáo không nên hoảng loạn về virus HMPV.
Các chuyên gia Australia khuyến cáo không nên hoảng loạn về virus HMPV.

Mặc dù gần đây có rất nhiều thông tin về virus Human Metapneumovirus (HMPV) - virus đường hô hấp gây ra các triệu chứng tương tự như cảm lạnh thông thường hoặc cúm, nhưng các chuyên gia Australia cho biết loại virus này không xa lạ với người dân của quốc gia châu Đại Dương này, vì vậy không nên hoảng loạn.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Phó Giáo sư y khoa Sanjaya Senanayake tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết loại virus này lần đầu tiên được báo cáo vào năm 2001.

Theo ông, có vẻ như virus này đã gây nhiễm trùng ở người trong thời gian dài hơn, nhưng cần có công nghệ phù hợp để phát hiện. Hiện chưa có vaccine ngừa HMPV, nhưng các trường hợp nghiêm trọng có thể được điều trị tại bệnh viện.

Phó Giáo sư Senannayake cho rằng điều quan trọng là cần chia sẻ dữ liệu về đợt bùng phát này một cách kịp thời, bao gồm dữ liệu dịch tễ học về những người bị nhiễm và dữ liệu bộ gene xác nhận rằng HMPV là thủ phạm.

Phó Giáo sư Senanayake cho rằng dữ liệu bộ gene cũng sẽ cung cấp thông tin cho quá trình phát triển vaccine vốn đang được tiến hành.

Trong khi đó, Giáo sư y tế quốc tế Jaya Dantas tại Đại học Curtin, cho rằng HMPV có thể gây ho, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi kèm theo khó thở. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của bệnh nhiễm trùng khác nhau.

Ở trẻ nhỏ, người già và những người bị suy giảm miễn dịch, virus này có thể dẫn đến các trường hợp nghiêm trọng và có thể di chuyển đến đường hô hấp dưới, dẫn đến viêm phổi.

Giáo sư Dantas cho rằng Australia cần có "cách tiếp cận thận trọng và có cân nhắc" đối với tình hình khi các nhà chức trách và chuyên gia theo dõi những gì đang xảy ra trên thế giới.

Theo bà, người dân nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết như xét nghiệm PCR (phản ứng chuỗi Polymerase) để xác định virus, nên ở nhà nếu đang bị nhiễm trùng và đeo khẩu trang ở nơi công cộng để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.

Trong khi đó, Giáo sư Jill Carr - nhà nghiên cứu virus tại Đại học Flinders - cho biết tình hình hiện tại vẫn chưa thể so sánh với đại dịch COVID-19. Theo bà, HMPV chắc chắn có thể khiến mọi người bị bệnh rất nặng và số ca bệnh cao sẽ gây áp lực đối với hệ thống y tế.

Giáo sư Carr cho biết, với COVID-19, virus hoàn toàn mới ở người và xuất hiện do sự lây lan từ động vật và lan rộng đến mức đại dịch do không có sự hiểu biết trước đó về virus này hoặc khả năng miễn dịch bảo vệ trong cộng đồng.

Trong khi đó, cộng đồng khoa học đã có một số hiểu biết về sự đa dạng di truyền và dịch tễ học của HMPV và tác động của nó đối với phổi, cũng như các phương pháp xét nghiệm trong phòng thí nghiệm đã được thiết lập để phát hiện.

Trước đó, ngày 5/1, Bộ trưởng Y tế Australia Mark Butler cho biết chính phủ đang theo dõi tình hình về loại virus này trên thế giới và liên tục cập nhật thông tin.

Bộ trưởng Butler cũng nói rằng HMPV "khá phổ biến" ở Australia "trong một thời gian dài," đồng thời trích dẫn các số liệu cho thấy đây là căn bệnh đường hô hấp phổ biến thứ 5 trong năm 2024. Vì vậy, theo ông, đây là một loại bệnh mà người dân Australia khá quen thuộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục