Chuyên gia Australia đánh giá cao triển vọng thương mại của Đông Nam Á

Chuyên gia cao cấp Richard Maude đánh giá các nền kinh tế Đông Nam Á vẫn có nhiều cơ sở để lạc quan về triển vọng phục hồi và phát triển tốt hơn các khu vực khác trên thế giới.
Chuyên gia Australia đánh giá cao triển vọng thương mại của Đông Nam Á ảnh 1Container hàng hóa được bốc dỡ tại cảng Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chuyên gia cao cấp Richard Maude thuộc Viện Chính sách Xã hội châu Á của tại Australia đã có bài viết đánh giá cao triển vọng thương mại của các nước khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.

Bài viết chỉ ra bức tranh kinh tế ảm đạm trên thế giới khi các nước áp đặt lệnh phong tỏa để chống dịch, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, khối lượng thương mại thế giới đã giảm xuống mức thấp lịch sử trong nửa đầu năm 2020.

Đông Nam Á không phải là ngoại lệ khi trong quý 2/2020, giá trị hàng hóa xuất khẩu từ 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái và nhập khẩu giảm 27%; dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đông Nam Á cũng giảm mạnh trong đầu năm 2020.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra những dự báo u ám về sự phục hồi trong lĩnh vực thương mại ở châu Á do các khó khăn như tăng trưởng toàn cầu yếu, biên giới bị đóng cửa và "các căng thẳng xung quanh thương mại, công nghệ và bảo mật."

Mặc dù vậy, ông Maude đánh giá các nền kinh tế Đông Nam Á vẫn có nhiều cơ sở để lạc quan về triển vọng phục hồi và phát triển tốt hơn các khu vực khác trên thế giới.

Nguyên nhân đầu tiên được chỉ ra là mối quan hệ thương mại vững chắc với các nền kinh tế lớn ở Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Trong đó, nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc đang phục hồi đà tăng trưởng cũng giúp giữ cho thương mại của các nước Đông Nam Á phát triển.

Mặt khác, tiêu dùng nội địa ở Đông Nam Á có thể tăng gấp đôi lên tới 4.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới, tạo điều kiện cho quan hệ thương mại với cả phương Tây và các nước châu Á khác. Trong khu vực Đông Nam Á đã có những dấu hiệu cho thấy sự suy thoái kinh tế của nửa đầu năm 2020 đang giảm bớt, ít nhất là ở những quốc gia đã kiểm soát được đại dịch.

Đơn cử như Việt Nam, một trong những nền kinh tế hoạt động tốt nhất ASEAN, đã cố gắng đạt tăng trưởng kinh tế dương trong năm ngoái, dù chỉ là mức tăng trưởng thấp nhất trong 30 năm.

[Barlays Research: Kinh tế Đông Nam Á đang phục hồi nhưng chưa vững]

Trong khi đó, thỏa thuận thương mại Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mới được ký kết là một động lực nữa thúc đẩy thương mại trong khu vực, qua đó tạo cơ hội cho các tập đoàn lớn thiết lập ngày càng nhiều hơn các chuỗi cung ứng của mình trong khối.

Thứ hai là các nước Đông Nam Á cũng được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong khu vực Đông Á. Đại dịch đã thúc đẩy xu hướng chuyển dịch theo hướng khu vực hóa và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Đáng chú ý là một số chính phủ cũng khuyến khích quá trình này, như Nhật Bản đang cung cấp các ưu đãi tài chính cho một số công ty của mình để xây dựng các địa điểm sản xuất ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, chuyên gia Maude cũng đánh giá những khó khăn mà các nước Đông Nam Á phải đối mặt như nhu cầu toàn cầu giảm sẽ vẫn là lực cản đối với đầu tư, sản xuất và thương mại. Trong khi đó, triển vọng về quan hệ Mỹ-Trung, bao gồm cả thương mại và công nghệ, vẫn còn rất bất định, làm tăng rủi ro cho khu vực. Mặt khác, tự động hóa sản xuất nhiều hơn là một thách thức trong trung hạn.

Một số lợi thế so sánh của Đông Nam Á, đặc biệt là chi phí lao động, sẽ không còn đủ độ hấp dẫn khi robot công nghiệp ngày càng được cải thiện và nhiều nhà máy được tự động hóa hơn.

Ông Maude cũng cho rằng Đông Nam Á cần đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là để tăng cường kết nối và khả năng tiếp cận rộng rãi hơn với Internet băng thông rộng tốc độ cao, đáng tin cậy và các công nghệ 5G.

Ngoài ra, Đông Nam Á cần nỗ lực nhiều hơn nữa để tạo thuận lợi cho thương mại trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục