Chuyên gia: ASEAN cần đoàn kết để thể hiện ý chí chính trị

Chuyên gia: ASEAN cần đoàn kết để thể hiện ý chí chính trị

Trước thực trạng các cường quốc của thế giới ngày càng gia tăng sự đối đầu, ASEAN cần phải thể hiện sự đoàn kết và ý chí chính trị mạnh mẽ để thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng.
Chuyên gia: ASEAN cần đoàn kết để thể hiện ý chí chính trị ảnh 1Các chuyên gia tham dự diễn đàn.

Trước thực trạng các cường quốc của thế giới ngày càng gia tăng sự đối đầu, ASEAN cần phải thể hiện sự đoàn kết và ý chí chính trị mạnh mẽ để thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng.

Đó là quan điểm của các chuyên gia về chính sách ngoại giao đưa ra trong cuộc thảo luận diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn truyền thông ASEAN tổ chức ngày 4/6, tại Manila, Philippines, trước Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN và Diễn đàn Khu vực ASEAN.

Theo nhận xét của ông Michael Vatikiotics, Giám đốc khu vực của Trung tâm Đối thoại Con người, ASEAN được hình thành như một cơ chế hợp tác an ninh và vai trò của khối đã tỏ ra rất có tác dụng trong một thời gian, cho tới khi tình hình không còn ổn định vào năm 2010.

“Trong khoảng thời gian này, hai cường quốc là Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu công kích nhau công khai hơn tại châu Á," ông nói, dẫn các lý do là Trung Quốc đầu tư trực tiếp nhiều hơn vào châu Á, hỗ trợ các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược và hợp tác quân sự trong khu vực. Về phía Mỹ, đây là giai đoạn nước này triển khai chính sách xoay trục sang châu Á.

“Sự leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ở trong và quanh khu vực Đông Nam Á đã mang tới thách thức lớn cho ASEAN, khiến cơ chế hợp tác an ninh đang tồn tại không còn giải quyết vấn đề được nữa,” ông Vatikiotis nói.

Ông chỉ ra rằng tranh chấp Biển Đông là vấn đề gây chia rẽ nhiều nhất trong các nước ASEAN, gây ảnh hưởng tới quan điểm tồn tại lâu nay, cho rằng ASEAN luôn nhất quán trong các mối quan hệ với bên ngoài khối.

“Một số nước thành viên đã có quan điểm bênh vực hoặc chống lại một trong hai cường quốc nêu trên... và trong một cuộc họp cấp bộ trưởng gần đây, khối đã không thể đưa ra các tuyên bố chung trên những vấn đề quan trọng chủ chốt,” ông nói.

Cựu Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan thì cho rằng để không bị tác động bởi màn tranh giành ảnh hưởng này và để duy trì sự tin tưởng của thế giới, ASEAN cần phải thể hiện quan điểm đoàn kết mạnh mẽ, theo nhận xét của .

“Thách thức mà ASEAN đang đối mặt là liệu khối có ý chí, khả năng và sự sẵn sàng trong việc đóng một vai trò lớn hơn không. Khối sẽ cần tăng cường năng lực, cải thiện tiến trình ra quyết định... và đón nhận một lối tư duy mới khác biệt so với con đường thụ động mà ASEAN đã đi trong 50 năm qua,” ông Pitsuwan nói.

Ông Vatikiotis cũng đồng tình với quan điểm này, nói rằng điều quan trọng là ASEAN phải thúc đẩy, tăng cường các cuộc đối thoại an ninh chung ở cấp bộ trưởng và nguyên thủ.

Khi bàn về tài chính, một trong các vấn đề quan trọng của ASEAN, ông Termsak Chalermpalanupap, nhà nghiên cứu các vấn đề an ninh, chính trị tới từ Trung tâm nghiên cứu ASEAN của Học viện ISEAS-Yusof Ishak, nói rằng khối có nguồn lực hạn chế để đầu tư cho các dự án hợp tác phát triển và các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng lớn. “ASEAN phải dựa rất nhiều vào nguồn tiền hỗ trợ từ bên ngoài,” ông nói thêm.

Ông Pitsuwan kêu gọi triển khai nhiều biện pháp sáng tạo hơn để hạn chế sự lệ thuộc này.

“ASEAN không thể là một diễn đàn trống rỗng. Chúng ta phải có những kịch bản riêng, nguồn lực riêng, cách thức riêng để tự tiến lên, không chỉ chờ đợi vốn phát triển từ những kẻ khác. Chúng ta sẽ không thể nhận được sự tôn trọng nếu đi vào tương lai như thế này,” ông nói, đồng thời cho biết thêm mình đã đề xuất một sáng kiến.

“Cùng nhau, ASEAN có nguồn dự trữ ngoại tệ lên tới 806 tỷ USD. Nếu chúng ta nghiêm túc về việc xây dựng kế hoạch chung của khối, 10% số tiền này nên được chuyển vào một quỹ chung. Ai muốn phát triển cơ sở hạ tầng có thể dùng tiền từ quỹ này mà chẳng phải kêu gọi sự đầu tư từ các nước khác, vốn luôn đi kèm với các điều kiện và thỏa ước khiến thành viên ASEAN không cảm thấy thoải mái.”

Và việc này cũng cho thấy ASEAN đã trưởng thành, đã có thể tự cung cấp nguồn lực cho chính mình.

Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông

Các chuyên gia cũng đã bàn tới khả năng thông qua bộ khung của Quy tắc ứng xử trên Biển Đông, do Trung Quốc và ASEAN phác thảo.

Vatikiotis chỉ ra rằng bộ khung này vẫn “khá mỏng” và trông giống như “một bảng mục lục,” nhưng ít nhất nó cho thấy Trung Quốc đang thể hiện thái độ hợp tác.

“Quả thực là bộ khung này khiếu các khía cạnh ràng buộc pháp lý và vẫn còn khá mỏng, nhưng nó đã đề cập tới tầm quan trọng của sự tin tưởng và xây dựng tín nhiệm, những thứ sẽ mở đường để thiết lập các nguyên tắc, quy định về cách thức hành xử trên biển của lực lượng hải quân và lực lượng hành pháp. Đây là điều rất quan trong, sẽ giúp giảm căng thẳng,” ông nói.

Chuyên gia Philips Vermonte tới từ Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế đã hoanh nghênh sự thể hiện hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc. “Quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc không nên bị định nghĩa bởi các vấn đề xuất hiện trên Biển Đông. Vẫn còn có các lĩnh vực hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN mà cả hai bên đều có thể đồng tình với nhau,” ông Vermonte nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục