Việt Nam và Cuba đã duy trì mối quan hệ hữu nghị đặc biệt, trong sáng và thủy chung, rất hiếm có trong quan hệ quốc tế.
Trên đây là nhận định của Tiến sỹ Vijay Sakhuja, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, thuộc Hội đồng các Vấn đề Thế giới (Ấn Độ), trong bài viết đăng tải trên trang mạng reporteasia.com.
Chuyên gia của Đại học Rashtriya Raksha (Ấn Độ) và Giáo sư thỉnh giảng tại Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia đã điểm lại các sự kiện gần đây và nhấn mạnh tần suất gặp gỡ, trao đổi định kỳ giữa lãnh đạo Đảng của Việt Nam và Cuba.
[Dấu mốc mới trong quan hệ anh em đoàn kết giữa Việt Nam và Cuba]
Theo ông Sakhuja, quan chức cấp cao của hai nước thường xuyên trao đổi quan điểm về các vấn đề tư tưởng, quản trị, tính chính danh và sự ổn định của Đảng.
Tuy cách xa nhau về mặt địa lý, một nước ở Đông Bán cầu còn một nước ở Tây Bán cầu, Việt Nam và Cuba vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 2/12/1960.
Tiến sỹ Sakhuja nhắc lại chuyến thăm Cuba tháng 4 vừa qua của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nêu rõ: “Vượt qua khoảng cách địa lý xa xôi và mọi khó khăn, thử thách, trong hơn 6 thập kỷ qua, quan hệ đoàn kết đặc biệt thủy chung gắn bó Việt Nam-Cuba đã không ngừng được củng cố, ngày càng đi vào chiều sâu và phát triển trên mọi lĩnh vực.”
Năm nay, Việt Nam và Cuba kỷ niệm 60 năm thành lập Ủy ban Cuba Đoàn kết với miền Nam Việt Nam (25/9/1963) và 50 năm chuyến thăm đầu tiên của lãnh tụ Cuba Fidel Castro Ruz tới Việt Nam và vùng giải phóng miền Nam Việt Nam (tháng 9/1973).
Cả hai nước đã duy trì tình đoàn kết truyền thống và tình hữu nghị đặc biệt bất chấp thế giới đầy biến động và bất ổn. Việt Nam và Cuba đều tập trung vào sự phát triển và phúc lợi kinh tế của người dân.
Điều đáng chú ý là mối quan hệ đặc biệt giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ Cuba Fidel Castro.
Tháng 9/1973, để ủng hộ sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam, Chủ tịch Fidel đã trở thành nguyên thủ quốc gia nước ngoài đầu tiên và duy nhất đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam khi chiến tranh vẫn còn khốc liệt, mang lại niềm khích lệ to lớn cho quân và dân Việt Nam.
Đầu năm nay, tháng 4/2023, ông Roberto Morales Ojeda, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đảng Cộng sản Cuba, đã dẫn đầu một đoàn đại biểu cấp cao đến thăm Việt Nam và một lần nữa nhấn mạnh lời bất hủ của Tổng Tư lệnh Fidel Castro: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!”
Đây là cử chỉ thể hiện rõ nét sự vững chắc của mối quan hệ song phương do các vị lãnh tụ Hồ Chí Minh và Fidel Castro đặt nền móng.
Theo ông Sakhuja, Việt Nam và Cuba giữ vững cam kết đưa hợp tác song phương lên tầm cao mới trong các lĩnh vực khác nhau, xứng tầm với mối quan hệ chính trị giữa hai nước.
Công cuộc Đổi mới của Việt Nam và cập nhật mô hình nền kinh tế xã hội của Cuba có sự bổ sung cho nhau cả về mặt lý luận và thực tiễn.
Các nhà lãnh đạo của hai nước đã tích cực thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại song phương.
Mặc dù giá trị trao đổi thương mại hiện tại còn khiêm tốn, vào khoảng 250-300 triệu USD, kim ngạch hai chiều hoàn toàn có khả năng đạt 500 triệu USD vào năm 2025.
Việt Nam đã thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam-Cuba, một tổ chức đặc biệt nhằm thúc đẩy tình hữu nghị, đoàn kết và hòa bình với đất nước và nhân dân Cuba anh em.
Tỉnh Bến Tre của Việt Nam cũng đã chính thức thành lập Chi hội Hữu nghị Việt Nam-Cuba nhân dịp kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhân dân giữa Bến Tre và các địa phương của Cuba, qua đó tăng cường đoàn kết, hữu nghị và hợp tác song phương một cách thiết thực.
Trong đại dịch COVID-19, Việt Nam và Cuba đã hỗ trợ lẫn nhau cùng vượt qua gian khó.
Tháng 7/2020, Việt Nam cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho Cuba và tuyên bố hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quân y.
Năm 2021, trong đợt đại dịch thứ ba ở Việt Nam, Cuba đã chuyển 10 triệu liều vaccine Abdala do nước này tự nghiên cứu và phát triển sang Việt Nam.
Cuba đã tiến hành cải cách chính trị và kinh tế. Vào tháng 4/2023, Quốc hội Cuba phê chuẩn để Chủ tịch Miguel Díaz-Canel tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai kéo dài 5 năm, tập trung nỗ lực giải quyết tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay, đồng thời ưu tiên quốc phòng.
Một ưu tiên lớn khác của Chủ tịch Díaz-Canel là cải thiện quan hệ đối ngoại, trong đó có quan hệ với Mỹ.
Trong khi đó, Việt Nam không ngừng thúc đẩy hòa bình và ổn định trên thế giới, đồng thời duy trì chính sách trung lập trong chính trị với các nước lớn.
Năm 2021, Việt Nam kêu gọi Mỹ xem xét lại chính sách đối với Cuba và bình thường hóa quan hệ với La Habana vì lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Chuyên gia Ấn Độ đánh giá cao lập trường này của Việt Nam và cho rằng Hà Nội đang ở vị thế có thể tạo điều kiện thuận lợi cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng giữa Cuba và Mỹ./.