Trang mạng orfonline.com của Quỹ Nghiên cứu Nhà quan sát (ORF) mới đây đã đăng bài phân tích của ông Harsh V.Pant - người đứng đầu Chương trình Nghiên cứu Chiến lược của ORF ở New Delhi - cho rằng giới hoạch định chính sách và những người chịu trách nhiệm thực thi chính sách đang đạt được đồng thuận về việc cần phải đánh giá lại các giả định về an ninh quốc gia.
Dưới đây là nội dung của bài viết:
Bối cảnh an ninh toàn cầu đang trải qua một sự xáo trộn, tạo ra những phức tạp và thực tế mới không giống bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử gần đây.
Từ một Trung Quốc đang trỗi dậy tới sức ép của vấn đề biến đổi khí hậu, từ thách thức của chống khủng bố đến đại dịch COVID-19 dường như không bao giờ kết thúc, trật tự cũ đang sụp đổ nhanh hơn nhiều so với năng lực của các quốc gia trong việc xây dựng các nền tảng cho một trật tự mới.
Các cuộc tranh luận và luận giải về an ninh quốc gia dù lặng lẽ nhưng chắc chắn đang phải trải qua một cuộc chuyển đổi gần như mang tính cách mạng. Mặc dù giới học thuật từ lâu đã nói về sự cần thiết phải có một quan niệm "tổng thể" về an ninh quốc gia, song phần lớn cuộc tranh luận đó bị những người chịu trách nhiệm triển khai chính sách coi là quá thâm thúy khó hiểu.
Ngày nay, chính các nhà hoạch định chính sách và những người chịu trách nhiệm triển khai chính sách đang đạt được một sự đồng thuận mới về việc cần thiết phải đánh giá lại một cách cơ bản các giả định của chúng ta về vấn đề an ninh quốc gia.
Thay đổi ở Mỹ
Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã bắt đầu thay đổi lăng kính nhận thức của họ về vấn đề hoạch định chính sách an ninh quốc gia. Một tiến trình được bắt đầu dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hiện đang được chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden tiếp tục hào hứng tiến hành.
Khẳng định “chính sách đối ngoại là chính sách đối nội và chính sách đối nội là chính sách đối ngoại," Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho rằng nhiệm vụ của ông là xác định lại “an ninh quốc gia của Mỹ trong bối cảnh chúng ta (nước Mỹ) phải đối mặt với sự kết hợp chưa từng có tiền lệ của các cuộc khủng hoảng cả ở trong nước và ở nước ngoài: đại dịch, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng khí hậu, gián đoạn công nghệ, các mối đe dọa đối với nền dân chủ, sự bất công giữa các chủng tộc và bất bình đẳng dưới mọi hình thức."
Ông lập luận rằng “các liên minh mà chúng ta xây dựng lại, các thể chế mà chúng ta lãnh đạo, các thỏa thuận mà chúng ta ký kết, tất cả chúng nên được đánh giá bằng một câu hỏi cơ bản. Liệu điều này có làm cho cuộc sống tốt hơn, dễ dàng hơn, an toàn hơn cho các gia đình lao động trên khắp nước Mỹ hay không?”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng nhắc lại thông điệp này trong các phát biểu của mình, ông từng nói rằng “hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong sự nghiệp của tôi - có thể là trong cả cuộc đời tôi, sự khác biệt giữa chính sách đối nội và đối ngoại đã không còn nữa” và rằng “sự phục hồi ở trong nước của chúng ta và sức mạnh của chúng ta trên thế giới hoàn toàn bện xoắn vào nhau, và cách chúng ta làm việc sẽ phản ánh thực tế đó."
Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan và Ngoại trưởng Blinken đều hiểu được những ẩn ý của Tổng thống Biden, người đã vận động tranh cử với lời kêu gọi “chính sách đối ngoại cho tầng lớp trung lưu” và không hề nao núng trước sự cần thiết phải “đầu tư vào người dân của chúng ta, nâng cao lợi thế đổi mới của chúng ta và đoàn kết sức mạnh kinh tế của các nền dân chủ trên toàn thế giới để phát triển tầng lớp trung lưu, giảm bất bình đẳng và làm những việc như chống lại các hoạt động thương mại mang tính cướp bóc của các đối thủ cạnh tranh và kẻ thù của chúng ta."
[Nước Mỹ 20 năm xây dựng lại hy vọng sau vụ khủng bố kinh hoàng 11/9]
Ngày nay, lưỡng đảng ở Mỹ càng ngày càng nhận ra rằng nếu các yêu cầu về an ninh quốc gia của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh có thể được đáp ứng phần lớn bởi các hạm đội máy bay ném bom, tên lửa hạt nhân, tàu sân bay và các căn cứ ở nước ngoài, thì môi trường chiến lược ngày nay đòi hỏi một phản ứng khác: đó là phải củng cố nền tảng công nghiệp trong nước, giúp duy trì sự ưu việt trong các công nghệ quan trọng, làm cho chuỗi cung ứng các hàng hóa quan trọng trở nên linh hoạt hơn, bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng khỏi các cuộc tấn công mạng và phản ứng khẩn cấp với biến đổi khí hậu.
Không phải ý tưởng mới
Ý tưởng cho rằng các chính sách đối ngoại và đối nội gắn bó chặt chẽ với nhau không phải là một điều mới lạ. Tất cả các tư duy chiến lược lớn và nghiêm túc trong các nền dân chủ đều nhằm mục đích cuối cùng là củng cố sự ủng hộ của công chúng.
Sự nổi lên của ông Trump và những ý tưởng của ông đã thách thức cả những người theo chủ nghĩa tự do và những người bảo thủ trong giới hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ, và chúng đã cho thấy khoảng cách ngày càng lớn giữa cộng đồng hoạch định chính sách và nội địa Mỹ.
Ông Biden và đội ngũ của mình đã rút ra được những bài học kinh nghiệm. Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan đang nỗ lực hướng tới việc hợp nhất Hội đồng An ninh Quốc gia với các bộ phận khác của Nhà Trắng như Hội đồng Kinh tế Quốc gia, Hội đồng Chính sách Đối nội và Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ. Điều này không tránh khỏi sẽ gây ra một loạt các thách thức đặt ra những thách thức của riêng nó nhưng không có gì phải né tránh thực tế mới này.
Tình hình của Ấn Độ
Ở Ấn Độ cũng vậy, chúng ta đã thấy rõ ràng hơn những thách thức đối với an ninh quốc gia xuất phát từ các lỗ hổng ở trong nước. Một trong những hệ quả lớn nhất của đại dịch COVID-19, được chính Thủ tướng Narendra Modi nhấn mạnh, đó là đại dịch này đã cho thấy Ấn Độ phụ thuộc sâu sắc như thế nào vào ngành sản xuất của Trung Quốc đối với các nguồn cung cấp thiết yếu.
Vào thời điểm mà các lực lượng vũ trang Ấn Độ đang đối mặt với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở phía bên kia của Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), điều này khiến Ấn Độ đi tới một nhận thức mới rằng việc phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng ở nước ngoài là thách thức an ninh quốc gia lớn nhất, một thách thức không thể tiếp tục bị xem nhẹ.
Ấn Độ kể từ đó đã hướng tới việc nâng cao năng lực trong nước trong các lĩnh vực quan trọng và cũng bắt đầu nhìn vào các hiệp định thương mại tự do thông qua một lăng kính mới.
Trong các phát biểu của mình, Tư lệnh Lục quân Ấn Độ, Đại tướng M.M. Naravane, cũng thể hiện rõ ràng rằng các quan điểm của giới lãnh đạo quân sự tại Ấn Độ cũng đang phát triển.
Ông lập luận rằng “an ninh quốc gia không chỉ bao gồm chiến tranh và quốc phòng mà còn bao gồm an ninh tài chính, an ninh y tế, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và an ninh môi trường và an ninh thông tin," đồng thời ông đề xuất thay vì nhìn nhận vấn đề an ninh quốc gia “chủ yếu từ quan điểm của một cuộc xung đột vũ trang, chúng ta cần có cách tiếp cận toàn chính phủ đối với vấn đề an ninh."
Chú trọng hợp tác dân sự-quân sự
Trong thế giới hậu đại dịch, khi các nguồn tài nguyên quốc gia bị kéo căng hết sức, điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách phải nhấn mạnh vào sự hiệp lực giữa các lĩnh vực dân sự và quân sự.
Tư lệnh Lục quân Ấn Độ đã đúng khi chỉ ra một loạt các cách hữu hình và vô hình mà trong đó đầu tư vào lực lượng vũ trang sẽ đóng góp cho nền kinh tế quốc gia, như bản địa hóa hoạt động mua sắm quốc phòng, tạo động lực cho các ngành công nghiệp bản địa, hỗ trợ cho chính quyền dân sự hay các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng, nhu cầu về các sản phẩm quân sự công nghệ cao của các lực lượng vũ trang sẽ thúc đẩy toàn bộ các ngành công nghiệp, năng lực vận tải và hậu cần của các lực lượng vũ trang sẽ đóng vai trò là lực lượng hỗ trợ cho chính phủ trong những trường hợp khẩn cấp.
Giới lãnh đạo quân đội Ấn Độ đã làm rất tốt trong việc nêu bật vai trò của các lực lượng vũ trang khi duy trì một quan niệm rộng hơn về an ninh quốc gia, hơn là tập trung chủ yếu vào chiến đấu.
Khi các quốc gia trên toàn thế giới đánh giá lại các ưu tiên chiến lược để điều chỉnh các mục đích, cách thức và phương tiện một cách cân bằng hơn, các câu hỏi về phân bổ nguồn lực sẽ gây ra nhiều tranh cãi hơn và các nhà hoạch định chính sách sẽ cần suy nghĩ sáng tạo hơn về vai trò của các công cụ khác nhau của nhà nước.
Tư duy về an ninh quốc gia đang có sự thay đổi và Ấn Độ không thể bị bỏ lại phía sau./.