Chuyên gia Ấn Độ: Chưa thể coi dịch COVID-19 là bệnh đặc hữu

Chuyên gia Ấn Độ Srinath Reddy cho rằng virus SARS-CoV-2 vẫn đang biến đổi và lây lan, tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh nặng không cao và có thể đưa vào danh sách virus cảm cúm thông thường trong tương lai.
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện dã chiến ở New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bài viết đăng ngày 24/3 trên báo điện tử Financial Express của Ấn Độ, người đứng đầu Hiệp hội Y tế công cộng Ấn Độ (PHFI) K Srinath Reddy cho rằng vẫn chưa thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu khi mà virus SARS-CoV-2 vẫn chưa đạt hình thái phát triển đủ ổn định để có thể dự đoán về khả năng lây nhiễm.

Ông Reddy cho biết năm 2020 có không ít ý kiến cho rằng vaccine có thể ngăn chặn virus SARS-CoV-2 và virus này sẽ biến mất vào năm 2021.

[Với biến thể lai Deltacron, thế giới đang trên bờ vực của làn sóng virus SARS-CoV-2 mới]

Tuy nhiên, diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới hiện nay cho thấy Omicron đang là biến thể chủ đạo, trong khi sự xuất hiện biến thể Deltacron lai giữa Delta và Omicron đang gây quan ngại.

Số ca mắc mới COVID-19 ở Tây Âu và Đông Á đang gia tăng, Trung Quốc đã phải phong tỏa tỉnh Cát Lâm và thành phố Thâm Quyến nhằm hạn chế sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Hàn Quốc cũng đang phải áp dụng các biện pháp phong tỏa và thực hiện nghiêm các quy định chống dịch.

Tại Ấn Độ, Bộ Y tế nước này gần đây đã cảnh báo các bang cần tiếp tục thận trọng sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế.

Theo tác giả bài viết, virus SARS-CoV-2 sẽ vẫn tồn tại, song COVID-19 đã trở thành một bệnh “đặc hữu” hay chưa thì cần thời gian để trả lời.

Ông lấy trường hợp của Ấn Độ làm dẫn chứng. Một nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào tháng 8/2021 đã nhận định Ấn Độ có thể đang bước vào giai đoạn COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu.

Tuy nhiên, sự bùng phát làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron sau đó đã cho thấy rằng giai đoạn đó vẫn chưa đến.

Từ điển định nghĩa tác nhân truyền nhiễm đặc hữu “tồn tại lâu dài trong một khu dân cư hoặc khu vực, với tỷ lệ xuất hiện tương đối ổn định.”

Điều này có nghĩa là virus có tính ổn định và có thể dự đoán được về khả năng lây nhiễm. Virus có thể đột biến định kỳ hoặc lây nhiễm quanh năm nhưng sẽ không có sự bùng phát bất ngờ.

Các bệnh đặc hữu có thể phân bố theo khu vực và thậm chí gây ra các bệnh nghiêm trọng và tử vong (như bệnh lao và sốt rét ở châu Phi và châu Á hoặc bệnh chagas ở châu Mỹ Latinh).

Theo tác giả, ngày 16/3 vừa qua, Bộ Y tế Israel thông báo về sự xuất hiện của một biến thể mới là sự kết hợp giữa biến thể Omicron gốc (BA.1) và dòng phụ BA.2.

Điều này cho thấy virus SARS-CoV-2 vẫn đang biến đổi và lây lan, tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh nặng không cao. Virus SARS-CoV-2 hiện chưa thể được coi như các virus cảm cúm thông thường nhưng trong tương lai có thể được đưa vào danh sách này.

Các nghiên cứu về Omicron đã chỉ ra rằng biến thể này xâm nhập phần lớn vào mũi và cổ họng nhưng hầu như không thể xâm nhập vào phổi.

Các dữ liệu lâm sàng của các bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron cũng cho thấy các triệu chứng sổ mũi (hơn 80%), khó thở và viêm phổi xuất hiện nhiều hơn so với các biến thể trước đó.

Điều này cho thấy SARS-CoV-2 đang phát triển để sống chung ổn định nhưng ít gây nguy hiểm hơn nhiều cho con người.

[Chuyên gia: Khả năng vaccine COVID-19 sẽ trở thành mũi tiêm định kỳ]

Theo ông Reddy, đây là một sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2. Virus chuyển sang dạng tương đối ổn định với khả năng lây nhiễm cao và độc lực từ thấp đến trung bình, sẽ phù hợp với logic sinh tồn của sinh học tiến hóa.

Trong số các biến thể mà virus tạo ra, những đột biến giúp virus lây lan nhanh hơn sẽ được giữ lại.

Ông cho biết hươu và chồn cũng có thể bị nhiễm bệnh nhưng chúng sẽ không trở thành vật chủ gây lây nhiễm giống như con người.

Tuy nhiên, ở động vật, có một nguy cơ là virus có thể trải qua “sự thay đổi kháng nguyên” vì loài này cũng mang một loại virus khác, cho phép xảy ra tình huống hoán đổi một số vật liệu di truyền giữa hai virus.

Đột biến kháng nguyên như vậy có thể xảy ra ở một người bị suy giảm miễn dịch.

Tác giả bài viết kết luận dường như virus SARS-CoV-2 vẫn đang tìm ra con đường tiến hóa riêng của mình, do đó COVID-19 vẫn chưa thể được coi là bệnh đặc hữu và vì vậy thế giới vẫn cần rất thận trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục