Chuyên gia Ấn Độ: ASEAN cần vai trò lãnh đạo của Việt Nam

Việc Việt Nam kiên quyết phản đối việc biến vấn đề tranh chấp ở Biển Đông trở thành vấn đề song phương giữa Trung Quốc và các nước có tranh chấp, đã nhận được sự tôn trọng của các thành viên khác.
Chiến sỹ hải quân đảo chìm Thuyền Chài điểm B (quần đảo Trường Sa) tập luyện sẵn sàng chiến đấu. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Theo tiến sỹ SD Pradhan, nguyên Phó cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ, vì lợi ích hòa bình và thịnh vượng của khu vực, nhiều quốc gia mong muốn Việt Nam tiếp tục là đầu tàu định hướng cho ASEAN, đối thoại với các đối tác, thực hiện các bước đi khéo léo trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) và kiên quyết đối phó với các yêu sách phi lý của Trung Quốc.

Trên trang Times of India, Tiến sỹ Pradhan nhận định:

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập với mục tiêu "duy trì và tăng cường hòa bình, an ninh và ổn định tại khu vực," trong đó bao gồm cả khu vực Biển Đông. Mục tiêu này hướng đến một khu vực không có những mối đe dọa và môi trường khu vực sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế bền vững, chia sẻ sự thịnh vượng, tiến bộ xã hội.

Theo Điều 1.8, ASEAN được kỳ vọng sẽ ứng phó hiệu quả với tất cả các mối đe dọa bao gồm cả thách thức truyền thống và phi truyền thống. Đáng chú ý, Hiệp hội được kỳ vọng sẽ làm việc dựa trên các nguyên tắc về hợp tác, cam kết chung và trách nhiệm tập thể để bảo vệ môi trường hòa bình và thịnh vượng của khu vực.

Tuy nhiên, hòa bình, ổn định đang bị đe dọa tại Biển Đông, khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng về mặt chiến lược. Những thách thức đối với ASEAN đã gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Căng thẳng ngày càng leo thang với cuộc xung đột Mỹ-Trung, các cuộc diễn tập quân sự mạo hiểm của một số quốc gia và vùng lãnh thổ, yêu sách của Trung Quốc đối với đường chín đoạn phi pháp, cản trở hoạt động khai thác dầu mỏ của các nước trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, xây dựng các đảo nhân tạo trong các khu vực tranh chấp và lắp đặt vũ khí trên các đảo.

Tác động toàn cầu ngày càng tạo ra nhiều điều kiện bất lợi cho chủ nghĩa đa phương so với những điều kiện vốn đang làm nảy sinh các chủ nghĩa vị kỷ, chủ nghĩa dân tộc và dân túy ở nhiều quốc gia.

Những vấn đề trên đặt ra những thách thức ghê gớm cho Hiệp hội.

Năm ngoái, Hiệp hội với Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch đã giải quyết tốt một số vấn đề theo cách rất thuần thục. Trung Quốc đang khiến cho Hiệp hội bị chia rẽ thông qua cách tiếp cận dựa trên sự ép buộc và lôi kéo. Một ASEAN bị chia rẽ đã đặt ra một thách thức nghiêm trọng khi Việt Nam tái đảm nhận cương vị chủ tịch. Nhận thấy sự cần thiết đối với đoàn kết, thống nhất, với chủ đề “ASEAN 2020 gắn kết và thích ứng," Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường sự thống nhất, hợp tác và đoàn kết, hội nhập kinh tế của ASEAN để giải quyết vấn đề những thách thức do sự thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh khu vực và toàn cầu mang lại."

Tuyên bố của Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 phản ánh cách tiếp cận thống nhất, cần thiết ấy. Đây thực sự là một thành tựu quan trọng trong bối cảnh kể từ năm 2012, không có tuyên bố chung nào được đưa ra.

Việt Nam đã rất cố gắng trong nhiều năm qua để đảm bảo rằng khu vực này phải được điều hành bởi luật pháp và chuẩn mực quốc tế. Tuyên bố của Việt Nam cũng khẳng định mạnh mẽ rằng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển UNCLOS năm 1982 là cơ sở để xác định các quyền hàng hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp đối với các khu vực biển, và Công ước UNCLOS 1982 đặt ra khuôn khổ pháp lý trong đó mọi hoạt động trên đại dương và biển phải tuân thủ.

Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN cũng đã thực hiện nhiều bước đi kịp thời để đối phó với đại dịch. Vào giữa tháng Hai, Việt Nam đã kêu gọi sự chú ý về nguy cơ của virus SARS-CoV-2 và kêu gọi sự hợp tác trong khu vực và quốc tế. Sau đó, Việt Nam đã tổ chức trực tuyến Hội nghị cấp cao ASEAN+3 đặc biệt về cách ứng phó COVID-19 và yêu cầu các nước thực hiện các biện pháp bảo vệ cần thiết.

Các nước đã nhất trí trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau về vật tư y tế. Việt Nam đã tham gia một số hội nghị quốc tế trực tuyến, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các biện pháp để đối phó với đại dịch. Quỹ Ứng phó COVID-19 của ASEAN được thành lập.

Việt Nam còn cung cấp các thiết bị y tế và đồ bảo hộ thiết yếu không chỉ trong khu vực mà còn ở cả châu Á, châu Âu, Mỹ và Nam Mỹ. Việt Nam nổi lên như một hình mẫu kiểm soát dịch bệnh hiệu quả với rất ít ca bệnh trong nước. Sự hỗ trợ của Việt Nam đối với các nước cho thấy rằng Việt Nam coi trọng các trách nhiệm quốc tế như nhau và không phải là một quốc gia vị kỷ.

Quá trình Đánh giá sơ kết cho ba Kế hoạch Cộng đồng ASEAN 2025 đã được thực hiện và dự kiến sớm hoàn thành dự án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu ASEAN về các tuyến đường thương mại và khuôn khổ nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng."

Việt Nam đã thành công trong hợp tác đa phương, tôn trọng các đồng minh và cam kết thực hiện một loạt các chính sách có thể dự đoán được, phù hợp với cách thức, phương tiện và mục tiêu của tất cả các bên liên quan. Điều này dẫn đến quan hệ hợp tác ngày càng phát triển giữa các quốc gia.

Trong bối cảnh khủng hoảng đang bao trùm cả thế giới, mục tiêu của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN vẫn là duy trì sự thống nhất của Hiệp hội bất chấp những âm mưu phá hoại. Điều này không chỉ phản ánh năng lực lãnh đạo và khả năng ngoại giao tài tình, mà còn thể hiện sự sắc sảo và nhận thức tốt về giá trị cũng như những hạn chế của ASEAN.

Việt Nam cũng là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) và đã xử lý tốt một số vấn đề nhức nhối. Malaysia và Indonesia đã theo sau Việt Nam và một số quốc gia khác cũng đang ủng hộ động thái này.

Tình hình trong khu vực vẫn còn nhiều bấp bênh và đòi hỏi ASEAN phải xử lý khéo léo. Việc Việt Nam kiên quyết phản đối việc biến vấn đề tranh chấp trở thành vấn đề song phương giữa Trung Quốc và các nước có tranh chấp, đã nhận được sự tôn trọng của các thành viên khác. Dù Việt Nam có giữ ghế chủ tịch hay không, các quốc gia khác cũng sẽ mong chờ để theo sau các động thái của Việt Nam. Chủ tịch ASEAN hiện tại, Brunei Darussalam có ảnh hưởng hạn chế đối với các quốc gia thành viên khác, bên cạnh đó cũng có những vấn đề riêng.

Có một số nhiệm vụ nhận được sự quan tâm trong năm qua nhưng các nước trong khu vực vẫn cần Việt Nam tiếp tục đóng vai trò chủ đạo. Bên cạnh các Kế hoạch Cộng đồng ASEAN 2025, các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử đang ở giai đoạn quan trọng, cần vai trò lãnh đạo cứng rắn của Việt Nam nhằm thu được kết quả đàm phán có lợi trước Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng. Chủ đề hiện tại “Chúng ta quan tâm, Chúng ta chuẩn bị, Chúng ta thịnh vượng” đòi hỏi nỗ lực chung để theo đuổi kế hoạch hành động và khai thác các cơ hội, chú tâm những thách thức mà ASEAN phải đối mặt trong bối cảnh hiện tại.

Kể từ năm ngoái, Việt Nam đã nổi lên với tư cách là nhà lãnh đạo trên thực tế của các quốc gia Đông Nam Á mà không gây ra một chút gợn sóng nào và điều đó được ghi nhận bởi chính sách ngoại giao Việt Nam cùng với các bước đi hỗ trợ các nước khác trong đại dịch.

Vì lợi ích hòa bình và thịnh vượng của khu vực, nhiều quốc gia mong muốn Việt Nam tiếp tục là đầu tàu định hướng cho ASEAN, đối thoại với các đối tác, thực hiện các bước đi khéo léo trong UNSC và kiên quyết đối phó với các yêu cầu phi pháp của Trung Quốc.

ASEAN cũng phải hợp tác với các nước khác vì một Ấn Độ-Thái Bình Dương mà ở đó vai trò của ASEAN sẽ là trung tâm. Việt Nam, với kinh nghiệm và khả năng gánh vác tất cả các thành viên và các quốc gia khác, có thể đóng góp đáng kể vì mục tiêu chung này bởi Việt Nam có quan hệ tốt trong ASEAN cũng như với các cường quốc bên ngoài bao gồm các đối thủ cạnh tranh chiến lược như Hoa Kỳ, Nga và với Trung Quốc, họ có quan hệ phù hợp - bảo vệ vững chắc chủ quyền của mình và phản đối các đòi hòi bất chính, đồng thời duy trì các mối quan hệ, tránh gây xung đột./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục