Chuyên giá ADB đánh giá hiệu quả kinh tế của khu vực ASEAN

Nhân Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 22, ông Jayant Menon, Chuyên gia Kinh tế cao cấp ADB đã có bài viết đánh giá về hiệu quả kinh tế của khu vực ASEAN.
Chuyên giá ADB đánh giá hiệu quả kinh tế của khu vực ASEAN ảnh 1Chuyên gia Jayant Menon. (Nguồn: themalaymailonline.com)

Ngày 6/4, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 22 (AFMM-22) đã diễn ra tại Singapore.

Nhân dịp này, ông Jayant Menon, Chuyên gia Kinh tế cao cấp, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã có bài viết đánh giá về hiệu quả kinh tế của khu vực ASEAN.

VietnamPlus xin giới thiệu bài viết:

Các Bộ trưởng Tài chính ASEAN vừa bế mạc Kỳ họp lần thứ 22 tại Singapore, khi ASEAN bước sang nửa sau cuộc hành trình thiên niên kỷ của mình.Với chặng đường dài đã qua để trở thành nhóm duy trì lâu nhất trong thế giới đang phát triển, đã tới lúc đặt câu hỏi tổ chức này đã tiến được bao xa xét về thành tựu kinh tế?

Khi đánh giá ASEAN như một nỗ lực hội nhập khu vực, người ta thường không tách biệt các mục tiêu cốt lõi của tổ chức này với các mục tiêu bề nổi. Cũng dễ hiểu khi các nhà phân tích thường giả định rằng mục tiêu chủ đạo của các hiệp định hợp tác khu vực là nhằm tăng cường hội nhập khu vực.

Nếu đúng như vậy, các biện pháp định lượng truyền thống về hội nhập - như tỷ lệ thương mại và đầu tư nội khối - sẽ là thước đo đúng đắn để đánh giá hiệu quả.

Chuyên giá ADB đánh giá hiệu quả kinh tế của khu vực ASEAN ảnh 2Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Xuân Vịnh/TTXVN)

Xét trên các thước đo này, ASEAN sẽ bị đánh giá là thất bại. Thương mại nội khối vẫn rất thấp và loanh quanh ở mức 25% trong gần hai thập niên. Tương tự, chỉ có 1/5 số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các quốc gia ASEAN là đến từ các nước trong khu vực. Tỷ lệ các dòng vốn khác trong nội bộ khối cũng rất ảm đạm.

Liệu có những mục tiêu rộng hơn nào để đánh giá ASEAN? Điều gì sẽ xảy ra nếu chủ nghĩa khu vực chỉ là một phương tiện hướng tới các mục đích lớn hơn?

ASEAN thực tế đang theo đuổi những mục tiêu rộng hơn. Việc thực thi Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) là một ví dụ rõ ràng. Các thành viên sáng lập của ASEAN đã sử dụng hiệp định này như một bàn đạp để hướng tới tự do hóa lớn hơn, và từ đó thúc đẩy toàn cầu hóa.

Bằng chứng nằm trong quyết định có chủ ý của các thành viên sáng lập về việc dành ưu đãi thuế quan cho các quốc gia không phải thành viên trên cơ sở tối huệ quốc (MFN), có nghĩa rằng thành viên của ASEAN không chỉ mở cửa thương mại cho các thành viên khác - mà cho tất cả các nước.

Hơn 90% số dòng thuế của các nước ASEAN có khoảng ưu đãi bằng 0, trong khi thuế quan ưu đãi không thấp hơn so với thuế suất MFN. Hơn 70% thương mại nội khối ASEAN cũng được thực hiện với các mức thuế suất MFN bằng 0. ASEAN hiếm khi sử dụng ưu đãi, bởi vì hầu như không còn ưu đãi nào để vận dụng.

Đa phương hóa ưu đãi đã giúp giảm thiểu các hiệu ứng chuyển hướng thương mại bất lợi cho sự thịnh vượng, và phần nào giải thích việc tỷ lệ thương mại nội khối ASEAN luôn ở mức thấp. Đây là dấu hiệu của thành công, chứ không phải thất bại.

[Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 22]

Hầu hết thương mại nội khối ASEAN là các giao dịch linh kiện và phụ tùng liên quan tới chuỗi cung ứng. Những phụ tùng này hầu hết được miễn thuế do các thỏa thuận liên quan tới sản phẩm cụ thể, ví dụ như Hiệp định Công nghệ Thông tin của WTO, hoặc các thỏa thuận chung như cơ chế hoàn thuế quan, kho ngoại quan, hay các đặc quyền áp dụng trong Khu kinh tế đặc biệt.

Quyết định đa phương hóa các ưu đãi giảm thuế theo AFTA đã giúp thúc đẩy thương mại được định hướng bởi chuỗi giá trị, nhờ thực tế rằng các thị trường đầu cuối cho những sản phẩm hoàn chỉnh chủ yếu nằm ở các quốc gia công nghiệp phát triển bên ngoài khu vực.

Dù đa phương hóa làm giảm thương mại nội khối, song nó đã thúc đẩy tốc độ tăng trưởng thương mại tổng thể ở mức cao. ASEAN là khu vực xuất khẩu lớn thứ tư trên thế giới, chỉ xếp sau Liên minh châu Âu, Bắc Mỹ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Mặc dù ASEAN chỉ chiếm 3,3% tổng GDP toàn cầu, khu vực này sản xuất hơn 7% khối lượng hàng hóa xuất khẩu. Trong tương lai, nếu thương mại nội khối ASEAN gia tăng thì điều này sẽ do các nhân tố khác, chứ không phải nhờ ưu đãi trong khối. Việc giảm bớt các rào cản phi thuế quan (NTB) theo cách thức không phân biệt đối xử có khả năng giúp tăng thương mại dịch vụ. Đảo ngược đà tăng của các rào cản thương mại phi thuế quan - đã gia tăng từ 1.634 biện pháp năm 2000 lên tới 5.975 vào năm 2015, là thách thức mới chủ yếu đối với ASEAN.

[ASEAN ghi nhận tiến bộ trong hội nhập ngân hàng, chứng khoán]

Các rào cản phi thuế quan không những có thể chặt chẽ hơn so với các biện pháp thuế quan, mà còn mập mờ và khó dỡ bỏ hơn. Ngoài ra, rào cản phi thuế quan còn là các mục tiêu di động, do chúng có thể chuyển sang hình thức khác ngay khi bị nhắm tới hoặc dỡ bỏ.

Mặc dù các rào cản phi thuế quan có thể khó nhận dạng, khó theo dõi và dỡ bỏ hơn, song điều này không làm giảm hiệu quả của các chiến lược đa phương hóa. Khác với thuế quan, việc trao đổi những nhượng bộ trong rào cản phi thuế quan theo cách thức ưu đãi thường khó khăn hoặc tốn kém, xét tới bản chất “hàng hóa công cộng” của rất nhiều cải cách thường được yêu cầu và tính chất dễ dàng được hưởng lợi miễn phí từ việc này.

Cho dù là các biện pháp thuế quan hay phi thuế quan, cách tiếp cận đa phương hóa vẫn là cách thức tốt nhất của ASEAN trong tương lai - để xử trí các vấn đề, cũng như để mang lại lợi ích cao nhất khi xét tới các kết quả.

Trong thiết kế ban đầu của Khu vực Đầu tư ASEAN, ý tưởng dành đối xử ưu đãi cho các nhà đầu tư đến từ những quốc gia thành viên đã được nêu ra. Tuy nhiên, khối ASEAN đã nhanh chóng từ bỏ ý tưởng này và tái khẳng định cam kết về một môi trường đầu tư nước ngoài mở và không phân biệt đối xử, phản chiếu các cơ chế áp dụng tại những quốc gia thành viên riêng rẽ.

Dòng vốn FDI đổ vào khu vực đã tăng vọt, ngay cả khi dòng vốn đầu tư nội khối ASEAN dường như không thay đổi.

Cũng giống như thương mại, vấn đề nguồn FDI đến từ đâu không quan trọng, mà quan trọng là khối lượng và hình thức. Những chuyển đổi kinh tế mạnh mẽ mà thế giới đã chứng kiến tại các quốc gia thành viên sáng lập của ASEAN - và tiếp tục được nhận thấy tại các thành viên mới hơn - sẽ không thể thành hiện thực nếu ASEAN lựa chọn con đường ưu đãi trong nội bộ.

Đây là thành tựu riêng biệt của ASEAN, và nên là cơ sở để đánh giá tổ chức này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục