Những năm gần đây, cửa hàng tiện lợi là một trong những kênh bán lẻ hiệu quả, được nhiều nhà bán lẻ lựa chọn.
Sự vươn lên của những nhà bán lẻ nội đã hình thành nên những thương hiệu giữ vững thị trường nội địa trước sự gia nhập của làn sóng doanh nghiệp ngoại.
Hiện chuỗi cửa hàng tiện lợi đã được các nhà bán lẻ mở rộng ra vùng sâu, vùng xa tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, đồng thời từng bước thay thế cho cửa hàng tạp hóa truyền thống, địa điểm bán buôn tự phát trong khu dân cư.
Đáp ứng nhu cầu thiết yếu
Trao đổi với phóng viên TTXVN, chị Thủy Tiên, ngụ tại quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết hiện nay người dân chỉ cần bước ra đầu ngõ hay đi khoảng vài khu phố là đã có thể mua sắm hàng hóa thiết yếu tại cửa hàng tiện lợi.
Những cửa hàng này không chỉ kinh doanh hầu hết ngành hàng tiêu dùng, về giá cả không chênh lệch đáng kể so với trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và mạng lưới chợ truyền thống.
Cùng quan điểm, bà Mai Thu, ngụ tại quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay việc nhiều thương hiệu bán lẻ mở cửa hàng tiện lợi ra khu vực vùng sâu, vùng xa, nhất là khu dân cư đông đúc đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận hàng hóa chất lượng với giá cả phải chăng.
[Hàng Việt ''chiếm lĩnh'' tại các hệ thống phân phối lớn]
Hiện nay, chuỗi cửa hàng tiện lợi như Co.opfood, Satrafoods, Bách hóa Xanh, Vissan... là cánh tay nối dài của hàng Việt, giúp hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất trong nước đến tận tay người tiêu dùng.
Ghi nhận thực tế trên thị trường, hiện chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh đã phát triển lên 1.755 cửa hàng khắp cả nước, riêng Thành phố Hồ Chí Minh là 527 cửa hàng.
Chiến lược kinh doanh của chuỗi cửa hàng này không chỉ là mở rộng hệ thống tại khu dân cư, mà từng bước trở thành nơi mua sắm những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày.
Tương tự, người dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh không khó tìm kiếm những thương hiệu bán lẻ của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) như Co.op Food, Co.op Smile, Cheer...
Co.op Smile là loại hình cửa hàng tạp hóa hiện đại, phát triển sâu trong khu dân cư, được thí điểm vào cuối năm 2016 và liên tục được cải thiện, điều chỉnh từ cơ cấu hàng hóa, giá cả cho đến cung cách phục vụ, đến nay đã có 99 cửa hàng.
Còn cửa hàng Cheer là loại cửa hàng tiện lợi được nhượng quyền thương mại từ đối tác NTUC FairPrice (Singapore) cũng được nghiên cứu và đã đưa 39 cửa hàng vào hoạt động.
Cửa hàng Co.opSmile và Cheer đang từng bước khẳng định được thương hiệu trên thị trường, góp phần tạo thêm sự phong phú trong mô hình bán lẻ hiện đại của Saigon Co.op và đáp ứng thêm nhu cầu của người dân tại khu dân cư.
Trong khi đó, chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods, đơn vị thành viên trực thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (SATRA) đang không ngừng mở rộng hệ thống trong nhiều năm nay.
Hiện tại, có 189 Satrafoods được mở từng những quận, huyện Thành phố Hồ Chí Minh như quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận... cho đến huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh...
Thực tế, hầu hết chuỗi cửa hàng tiện lợi là mô hình bán lẻ mở rộng của các nhà bán lẻ lớn với hệ thống phân phối, bán lẻ đa dạng. Do đó, khi mua sắm tại chuỗi cửa hàng tiện lợi, ngoài những tiện ích về sản phẩm, dịch vụ đặc thù, thì khách hàng cũng được thụ hưởng những ưu đãi đồng bộ trên toàn hệ thống phân phối, bán lẻ của doanh nghiệp.
Hơn nữa, chất lượng và giá cả hàng hóa cũng được niêm yết đồng bộ nên tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiết kiệm thời gian mua sắm khi đi cửa hàng tiện lợi thay cho đến trung tâm thương mại, siêu thị đông đúc.
Chính sách dành cho khách hàng thân thiết, quà tặng Lễ/Tết, dịch vụ chăm sóc khách hàng... được nhà bán lẻ áp dụng và phục vụ không có sự khác biệt giữa các mô hình bán lẻ trong cùng hệ thống, nên người tiêu dùng ngày càng ưu chuộng mua sắm tại cửa hàng tiện lợi.
Mở kênh bán hàng online
Hiện nay, lĩnh vực thương mại điện tử không chỉ hấp dẫn đối với doanh nghiệp, nhà bán lẻ, mà cả người tiêu dùng cũng ngày càng ưa chuộng.
Tại Việt Nam, lĩnh vực thương mại điện tử đang có tốc độ phát triển nhanh và được thúc đẩy tăng trưởng khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp mới tham gia triển khai bán hàng online trên website, Facebook...
Trước bối cảnh đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nhận định bán hàng online là xu hướng tất yếu của thị trường, nếu không kịp thời bắt nhịp chuyển động thị trường thì khó giữ vững thị phần và khách hàng.
Người tiêu dùng có nhu cầu tiếp cận những sàn thương mại điện tử, địa chỉ mua sắm online có hàng hóa truy xuất nguồn gốc, chất lượng uy tín, đáng tin cậy... với đa dạng dịch vụ tiện ích.
Nhằm giải quyết vấn đề khó khăn của người dân mua sắm online khi hàng hóa giao đến tận nơi những không có người nhận, thì hiện nay hầu hết doanh nghiệp, nhà bán lẻ đã chủ động tăng cường tiện ích giao hàng theo khung giờ yêu cầu của khách hàng.
Cụ thể, chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh có ba khung giờ giao hàng trong 4 giờ và 2 giờ, với mức phí vận chuyển linh hoạt, tạo điều kiện cho người tiêu dùng lựa chọn.
Chuỗi cửa hàng này, cũng phát triển dịch vụ giao hàng ngoài giờ theo yêu cầu của khách hàng với khung giờ tối đa là đến 21 giờ.
Trong khi đó, ngoài đẩy mạnh phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi, Satrafoods mở thêm đa dạng dịch vụ như nhận đặt hàng qua điện thoại và khách hàng có thể liên hệ số điện thoại của cửa hàng gần nhất để đặt hàng.
Song song đó, hoạt động đặt hàng online cũng được Satrafoods đầu tư hỗ trợ khách hàng tham khảo sản phẩm, hàng hóa và đặt hàng.
Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản Vissan, cho biết Vissan đã ra mắt website kinh doanh thực phẩm trực tuyến VISSANMART tại địa chỉ: http://vissanmart.com. Bước đầu, VISSANMART sẽ phục vụ khách hàng ở tất cả quận, huyện nội thành Thành phố Hồ Chí Minh.
"Trước đó, Vissan cũng chính thức mở gian hàng trên nền tảng thương mại điện tử Sendo, Now, Sendo. Việc bắt tay hợp tác với nhiều nền tảng thương mại điện tử phổ biến trên thị trường là một trong những mục tiêu trong chiến lược đa dạng hóa kênh bán hàng trực tuyến, mang đến nhiều tiện ích và ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng," ông Phan Văn Dũng cho biết thêm.
Ở góc độ hiệp hội, ông Huỳnh Quang Hiền, Giám đốc vận hành Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cho biết ngay trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, sàn thương mại điện tử hàng Việt Nam chất lượng cao đã chính thức được đưa vào vận hàng và ra mắt người tiêu dùng.
Sàn thương mại điện tử này, hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao có nguồn hàng hóa phù hợp cho việc bán hàng online, tìm kiếm cơ hội hợp tác bán hàng...
Sàn thương mại điện tử hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ cung cấp gian hàng cho doanh nghiệp với hình thức tài khoản online để doanh nghiệp chủ động chia sẻ thông tin, hình ảnh, sản phẩm... và chăm sóc gian hàng, khách hàng của mình. Đồng thời, hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp truyền thống giải quyết vấn đề về chiến lược kinh doanh, gồm phát triển kênh bán hàng online, quảng bá thương hiệu online./.