Chuyển đổi xe điện: Cần chính sách gì để hỗ trợ người dân sử dụng?

Để chuyển đổi sang xe điện hóa, cơ quan quản lý Nhà nước cần đề ra các chính sách ưu đãi, chiến lược phát triển và khuyến khách người sử dụng.
Chuyển đổi xe điện: Cần chính sách gì để hỗ trợ người dân sử dụng? ảnh 1Xe ôtô điện VF e34 và VF 8 của hãng taxi điện đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Các chuyên gia, nhà quản lý Nhà nước, đại diện các doanh nghiệp đã chỉ ra những “rào cản” về giá thành, hạ tầng trạm sạch; làm rõ định hướng và khả năng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sang xe điện; giải pháp nhằm hỗ trợ chuyển đổi sang sử dụng phương tiện giao thông điện tại Việt Nam

Vẫn còn nhiều thách thức hỗ trợ chuyển đổi

Tại Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện" do Báo Giao thông phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức vào sáng 10/11, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đánh giá việc chuyển đổi sang phát triển Kinh tế Xanh là xu thế tất yếu và là mục tiêu chúng ta đang hướng đến đồng thời tạo cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về Tăng trưởng Xanh, Phục hồi Xanh, bắt kịp xu thế phát triển mới của thế giới.

Mặc dù đã ban hành một loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ôtô điện và các chính sách khuyến khích sử dụng ôtô điện, tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn thừa nhận cũng còn nhiều khó khăn, thách thức trong việc chuyển đổi Năng lượng Xanh như: Thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc; giá thành phương tiện cao; còn thiếu các cơ chế khuyến khích tiêu dùng và sử dụng phương tiện giao thông điện; nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp về việc chuyển đổi năng lượng xanh chưa thực sự đầy đủ…

Theo ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, tại Việt Nam hiện có 5 triệu xe ôtô, tốc độ tăng trưởng trung bình 13,3%/năm; có 72 triệu xe máy đã đăng ký với tốc độ tăng trưởng 9,3%/năm. Trong số đó, số lượng ôtô và xe máy điện tăng nhanh chóng trong những năm gần đây (hiện có 20.065 ôtô điện và khoảng 2 triệu xe máy điện sản xuất lắp ráp và nhập khẩu được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận).

Đối với phương tiện giao thông điện công cộng, ông Chung cho biết hiện nay đã có xe buýt điện, taxi điện và sẽ còn dư địa phát triển lớn, đặc biệt khi đã có lộ trình chuyển đổi Năng lượng Xanh cho đoàn phương tiện xe buýt tại các đô thị từ năm 2025.

[Bộ GTVT đề xuất nhiều chính sách chuyển đổi ôtô chạy xăng sang xe điện]

Ông cũng chỉ ra các chính sách để khuyến khích sử dụng ôtô điện của Việt Nam đang tập trung vào dòng xe điện chạy pin thông qua các ưu đãi về thuế dành cho cả doanh nghiệp sản xuất xe điện (thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp ...) cũng như trong việc hỗ trợ cho người sử dụng xe điện được sử dụng xe điện với chi phí thấp hơn (thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ).

Phân tích cơ hội để phát triển hệ sinh thái xe điện ở Việt Nam, ông Chung đề xuất 4 nhóm chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ôtô điện, bao gồm: Ưu đãi khuyến khích sản xuất lắp ráp, nhập khẩu; khuyến khích, hỗ trợ người sử dụng; phát triển hạ tầng trạm sạc điện; khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng sử dụng điện.

Chuyển đổi xe điện: Cần chính sách gì để hỗ trợ người dân sử dụng? ảnh 2Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia, doanh nghiệp tham gia tọa đàm tại Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện". (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Là cơ quan được giao chủ trì trình Chính phủ, Quốc hội ban hành các Luật về thuế, bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu, Cục Giám sát quản lý thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài Chính) cho biết ngoài ưu đãi thuế thu nhập về pin, các thuế nhập khẩu linh kiện để sản xuất pin cũng sẽ được điều chỉnh biểu thuế theo hướng đối với các mặt hàng trong nước chưa sản xuất được sẽ để mức thấp 0%, hoặc các mặt hàng trong nước sản xuất nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu cũng sẽ để ở mức thuế vừa phải.

Bổ sung thêm, Giáo sư-tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyên gia giao thông nhìn nhận cách tiếp cận để người dân chuyển sang xe điện của Việt Nam là thông qua các dự án và chính sách ưu đãi thuế cho nhà sản xuất, giảm thuế cho người mua.

Ông Tuấn cũng đưa ra con số so sánh về chính sách hiện nay đang ưu đãi như: thuế tiêu thụ đặc biệt với xe điện hiện giờ chỉ còn 3% cho đến 2027, trong khi xe truyền thống vẫn từ 15-150%. Lệ phí trước bạ cũng đang miễn cho xe điện, trong khi xe truyền thống mức lệ phí này vẫn khoảng 10% giá trị xe.

Nhà nước xây khung định hướng, chiến lược

Ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban truyền thông Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) góp ý để chuyển đổi sang xe điện hóa và xe dùng Năng lượng Xanh, cần tới cả nguồn lực của Nhà nước và doanh nghiệp, trong đó Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng chính sách và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Về chính sách hỗ trợ người dùng xe điện, ông Quyết đưa ra quan điểm với ôtô, chính sách vận dụng bằng giải pháp khuyến khích người dùng là tốt nhất. Khi có cạnh tranh về giá giữa xe điện và xe truyền thống, người tiêu dùng sẽ tự quyết định.

[Cơ hội vàng phát triển thị trường xe ôtô điện tại Việt Nam]

Đề cập về chiến lược phát triển xe điện đến 2030, tầm nhìn 2045, ông Nguyễn Văn Hội (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách Công Thương) cho rằng khi phát triển xe điện, các ngành hỗ trợ và đặc biệt là công nghiệp sản xuất pin cần nâng tỷ lệ nội địa hóa.

Chuyển đổi xe điện: Cần chính sách gì để hỗ trợ người dân sử dụng? ảnh 3Ông Phan Lê Hoàng Linh, Trưởng phòng Chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) tham gia phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ông Phan Lê Hoàng Linh, Trưởng phòng Chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) nhấn mạnh phát triển xe điện và xe thân thiện môi trường là một trong những nội dung được quan tâm nhất khi xây dựng chiến lược phát triển ngành ôtô giai đoạn 2030-2045.

Từ đó, ông Linh cho rằng chiến lược điện hóa của các hãng ôtô ở Việt Nam cần tiếp cận và có lộ trình phù hợp, dựa trên cam kết tại COP26, Quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; việc chuyển đổi cần phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân (dải sản phẩm xe điện hóa đa dạng hơn sẽ mang đến nhiều lựa chọn và khoảng giá bán hơn); điều kiện phát triển hạ tầng trạm sạc.

Theo ông Linh, trong chiến lược này đầu tiên cần phải có lộ trình và chọn dòng xe điện hóa thích hợp với Việt Nam trong từng giai đoạn phát triển đi kèm với các chính sách ưu đãi của Nhà nước, thói quen sử dụng của người tiêu dùng và hạ tầng trạm sạc (cần có tiêu chuẩn, quy chuẩn để phát triển hệ thống trạm sạc)…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục