Biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức môi trường mà còn là bài toán phát triển bền vững mà các quốc gia và địa phương phải đối mặt.
Là tỉnh Đông Nam Bộ năng động, Bình Dương luôn đặt việc ứng phó trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu lên quan tâm hàng đầu.
Tỉnh đang tìm kiếm giải pháp vừa bảo vệ môi trường, vừa thúc đẩy kinh tế bền vững thông qua chuyển đổi xanh và phát triển công nghiệp công nghệ cao.
Chuyển đổi xanh làm nền tảng
Chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là xu hướng tất yếu và Bình Dương không ngoại lệ. Trong phát triển các khu công nghiệp và hạ tầng, tỉnh đặc biệt chú trọng bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu - mục tiêu dài hạn trong chiến lược phát triển bền vững.
Đầu tháng 11, tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore 3 (VSIP 3), nhà máy LEGO, cơ sở sản xuất đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á đạt tiêu chuẩn trung hòa carbon đã được vận hành thử nghiệm thành công.
Dự án trị giá 1,3 tỷ USD này không chỉ hướng đến lợi ích kinh tế mà còn gắn liền trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Nhà máy LEGO vận hành hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo từ hệ thống pin mặt trời và trang trại năng lượng gần đó, giảm đáng kể khí thải carbon.
Ông Carsten Rasmussen, Giám đốc điều hành toàn cầu của LEGO chia sẻ: “Chúng tôi chọn Bình Dương vì môi trường đầu tư ổn định và chính quyền tạo điều kiện cho công nghệ xanh. Chúng tôi cam kết giảm thiểu tác động môi trường và tiếp tục các sáng kiến giảm biến đổi khí hậu.”
Chuyển đổi từ công nghiệp truyền thống sang công nghiệp công nghệ cao và xanh là chiến lược của Bình Dương trong ứng phó biến đổi khí hậu. Dự án như nhà máy LEGO không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần hình thành hệ sinh thái sản xuất xanh, bảo vệ môi trường.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, quản lý và giám sát cũng là giải pháp quan trọng để ứng phó biến đổi khí hậu. Tại Bình Dương, doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ thông minh, năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, giúp giảm chi phí sản xuất và phát thải khí nhà kính.
Tại Diễn đàn Phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ 2 ngày 14/11 ở Bình Dương, ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, nhấn mạnh việc xây dựng nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ IoT, AI và Big Data giúp tối ưu năng suất và giảm tác động thiên tai. Công nghệ cho phép giám sát, dự báo sản xuất, giúp nông dân điều chỉnh canh tác, tiết kiệm tài nguyên, giảm thiệt hại do thiên tai.
Bình Dương cũng chú trọng ngành công nghiệp gỗ, lĩnh vực quan trọng của tỉnh, đang chuyển đổi mạnh mẽ áp dụng công nghệ xanh. Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Gỗ Bình Dương, chia sẻ: “Ngành gỗ cần đổi mới toàn diện, sử dụng nguyên liệu chế biến, giảm phát thải carbon, mở rộng cơ hội xuất khẩu.”
Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Wows Group, cho rằng chuyển đổi số và công nghệ xanh trong sản xuất là chiến lược quan trọng để ngành gỗ Bình Dương hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Phát triển công nghiệp bền vững
Bình Dương đi đầu trong phát triển công nghiệp bền vững, áp dụng công nghệ xanh trong các khu công nghiệp. Tỉnh có 29 khu công nghiệp, trong đó 28 khu đã hoạt động, đạt tỷ lệ lấp đầy 93,77%. Đây là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ và sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Đến nay, Bình Dương thu hút 4.342 dự án FDI với tổng vốn hơn 41 tỷ USD, đứng thứ hai cả nước sau Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, tỉnh đối mặt thách thức giảm phát thải khí nhà kính; lượng khí thải đạt 14,192 triệu tấn CO2/năm, chủ yếu từ năng lượng và giao thông.
Tỉnh đã triển khai biện pháp giảm phát thải, đặc biệt trong công nghiệp nặng như luyện kim, chế biến thực phẩm và gỗ. Bình Dương nỗ lực chuyển đổi công nghiệp sang mô hình xanh hơn, áp dụng công nghệ sạch, năng lượng tái tạo, nhằm giảm tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Cùng với chuyển đổi xanh, Bình Dương đẩy mạnh phát triển kinh tế số và công nghiệp thông minh. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Diễn đàn Phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ 2 đã ghi nhận kết quả đáng khích lệ của cả nước và Bình Dương.
Phó Thủ tướng khẳng định chuyển đổi số và "xanh hóa" kinh tế là xu hướng đúng đắn, giúp giảm tác động xấu đến môi trường, bảo vệ chất lượng sống.
Chính phủ cam kết hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Năm 2024, chiến lược phát triển kinh tế số tập trung vào bốn trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa ngành kinh tế, quản trị số và phát triển dữ liệu số.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng nhắc đến khó khăn do thiên tai và biến đổi khí hậu, đặc biệt cơn bão số 3 vừa qua gây thiệt hại đặc biệt lớn, nhưng nhờ sự quyết liệt của hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã vượt qua khó khăn, đạt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Tăng trưởng GDP 10 tháng qua đạt khoảng 7%, cao hơn cùng kỳ.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số trong các khu công nghiệp, triển khai 6 khu công nghiệp thông minh.
Các khu này áp dụng nền tảng quản trị thông minh, tích hợp công nghệ như tự động hóa, AI, IoT và 5G. Trong đó, tập trung phát triển công nghệ thông tin và bán dẫn, thu hút đầu tư vào sản phẩm điện tử, vi mạch, AI và an ninh mạng.
Bình Dương cam kết đầu tư hạ tầng kỹ thuật, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới để giảm tác động môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững.
Với việc lấy con người làm trung tâm trong mọi chính sách và hành động, Bình Dương đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển bền vững, với các dự án xanh, công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Đây không chỉ là chiến lược phát triển bền vững mà còn là cam kết của tỉnh trong việc xây dựng một cộng đồng vững mạnh, hài hòa giữa con người, doanh nghiệp và thiên nhiên, hướng tới một tương lai an toàn và thịnh vượng, sống nghĩa tình.../.
Bài 1: Hành động quyết liệt vì tương lai bền vững
Bài 2: Xây dựng hệ thống thoát nước phù hợp với tốc độ đô thị hóa ở Bình Dương