Bài 3: Chuyển đổi số giáo dục: Hàng loạt rào cản cần tháo gỡ

Chuyển đổi số trong giáo dục: Nhận diện khó khăn để phát triển hơn

Dù đã những đạt những kết quả ấn tượng nhưng để chuyển đổi số hiệu quả hơn nữa, ngành giáo dục vẫn còn nhiều rào cản cần tháo gỡ.

Chuyển đổi số trong giáo dục: Nhận diện khó khăn để phát triển hơn ảnh 1(Ảnh minh hoạ: PM/Vietnam+)

Bài 3: Chuyển đổi số giáo dục: Hàng loạt rào cản cần tháo gỡ

Hành lang pháp lý chưa đồng bộ, thiếu kinh phí, thiếu thống nhất và liên thông dữ liệu cũng như vận hành, quản lý hồ sơ điện tử là những rào cản được nhiều địa phương chỉ ra trong việc chuyển đổi số giáo dục.

“Lệch pha” phần mềm

Phần mềm quản trị đã được triển khai hầu hết ở cơ sở giáo dục nhưng còn khó khăn trong kết nối chia sẻ dữ liệu, chưa phát huy hết hiệu quả cho công tác quản lý giáo dục. Làm sao để các phần mềm này có sự thống nhất nhằm tạo thuận lợi trong việc liên thông dữ liệu với cơ sở dữ liệu ngành của địa phương và của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như đảm bảo an toàn thông tin để liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư của ngành công an là vấn đề lãnh đạo nhiều sở giáo dục và đào tạo băn khoăn.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên cho biết hiện tại địa phương này có đến hai cơ sở dữ liệu nên phần nào khó khăn trong công tác thống kê. “Chúng tôi rất mong muốn có nền tảng dùng chung, hệ thống cơ sở dữ liệu nhà trường thống nhất trên toàn quốc để tạo sự đồng bộ và xây dựng cơ sở dữ liệu chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo,” ông Hưng chia sẻ.

Bộ đầu tư xây dựng hệ thống dữ liệu, phần mềm dùng chung cho toàn ngành để phục vụ công tác chuyên môn, đảm bảo hiệu quả trong việc chia sẻ và thống nhất dữ liệu cũng là đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau.

Cùng đề cập đến một phần mềm thông nhất, ông Nguyễn Kim Khanh, Phó Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết vấn đề khó khăn nhất mà địa phương đang gặp phải là dữ liệu. Với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định xây dựng dữ liệu dùng chung cho cả nước, ông Khanh đặt câu hỏi về việc bộ có triển khai một phần mềm dùng chung cho toàn hệ thống hay không?

Chuyển đổi số trong giáo dục: Nhận diện khó khăn để phát triển hơn ảnh 2Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh chụp màn hình)

Đây cũng là vấn đề được ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra. Ông Bảo cho hay, vấn đề của thành phố đang gặp phải là có nhiều đơn vị cung cấp các dịch vụ phần mềm đến các nhà trường, trong đó có nhiều mảng trùng nhau, chồng chéo.

Bên cạnh vấn đề phần mềm dùng chung, các địa phương cũng cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần công bố kế hoạch, lộ trình rõ ràng về những phần việc, nhiệm vụ bộ sẽ triển khai và những nội dung địa phương phải thực hiện.

“Hiện các địa phương cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số. Những hệ thống, phần mềm, nền tảng nào bộ làm thì có danh mục để các sở biết. Phần nào sở làm thì có danh sách để chúng tôi có kế hoạch tham mưu với lãnh đạo địa phương để tránh chồng chéo,” ông Nguyễn Đức Huân, Phó Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi nói.

“Nhờ bộ có những định hướng cụ thể để các đơn vị biết muốn đến mục tiêu đó phải làm gì, phải đầu tư gì để các đơn vị thống nhất thực hiện,” Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Quốc Bảo kiến nghị.

Số hóa nửa vời vì thiếu hành lang pháp lý

Việc chuyển sang hồ sơ số, chữ ký số cũng khiến cho các địa phương gặp nhiều khó khăn khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện.

Từ thực tế ở địa phương, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn về hồ sơ điện tử để đảm bảo tính pháp lý, nhất là khi giáo viên chuyển công tác, học sinh chuyển trường.

Ông Nguyễn Trần Thạnh, chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương đưa dẫn chứng thực tế về bất cập ở địa phương khi hồ sơ học bạ của học sinh là điện tử, nhưng theo yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông, giáo viên phải in ngược ra để ký, sau đó tiếp tục scan để lưu. “Việc này rất mất thời gian, đi ngược lại mục tiêu đặt ra khi thực hiện chuyển đổi số,” ông Thạnh nói.

Theo đó, ông Thạnh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định, hướng dẫn rõ ràng về việc học bạ điện tử giáo viên có cần phải ký hay chỉ cần hiệu trưởng ký là đủ đảm bảo. “Khi ký giấy, giáo viên phải ký từng trang, số lượng chữ ký rất lớn,” ông Thạnh nói.

Chuyển đổi số trong giáo dục: Nhận diện khó khăn để phát triển hơn ảnh 3(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Liên quan đến vấn đề chữ ký số của giáo viên, các sở giáo dục và đào tạo cũng đặt ra khó khăn về kinh phí khi số lượng giáo viên lớn trong khi giá dịch vụ chênh lệch rất lớn. Tại Bắc Ninh, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này cho hay giá được các đơn vị cung ứng chào hàng là từ 500.000 đến 1 triệu đồng cho mỗi chữ ký một năm, nhân với số lượng giáo viên thì kinh phí rất lớn.

“Bộ có thể có định hướng giúp cho các sở nên dùng dịch vụ nào để tiết kiệm nhất vì nếu sở chi thì kinh phí rất lớn còn để thầy cô tự trang bị thì khó khăn cho thầy cô,” đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh nói.

[ASEAN và đối tác thúc đẩy chuyển đổi số, đảm bảo chất lượng giáo dục]

Trong khi đó tại Bình Dương, ông Thạnh cho hay đơn vị cung ứng cam kết ưu đãi chi phí chỉ 50.000 đồng/giáo viên/năm nhưng vẫn là bài toán tài chính lớn. “Sở đang làm danh sách tập hợp giáo viên gửi Sở Thông tin và Truyền thông. Riêng giáo viên công lập đã là 15.000 người, chưa kể việc giáo viên nghỉ, chuyển việc liên tục nên rất khó khăn. Nếu có hướng dẫn của bộ thì sẽ rất thuận cho địa phương. Bộ nên có giải pháp hỗ trợ cho các tỉnh,” ông Thạnh nói.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay hồ sơ điện tử là nhiệm vụ lớn, liên quan đến giảm thủ tục hành chính, giấy tờ của ngành. “Bộ đã cho phép sử dụng chữ ký số, còn việc tổ chức thực hiện chữ ký số như thế nào thì vai trò tự chủ của cơ sở rất lớn. Cơ chế dùng chữ ký số như thế nào chúng tôi sẽ tiếp tục có nghiên cứu kỹ hơn, vì đây là lĩnh vực rất mới. Chúng tôi sẽ liên hệ với các sở để có nắm bắt điều kiện thực tế và có các giải pháp để các cơ sở triển khai thuận lợi hơn,” ông Hải nói.

Thách thức bài toán kinh phí

Bên cạnh những rào cản trên, khó khăn hầu hết các địa phương gặp phải khi đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và là vấn đề kinh phí, nhất là ở các vùng khó khăn.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau cho hay hạ tầng công nghệ thông tin ở các địa phương và các nhà trường tuy đã được đầu tư nâng cấp nhưng vãn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Nguồn vốn chưa đảm bảo nên dẫn đến đầu tư manh mún, thiếu đồng bộ, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả thực hiện chuyển đổi số. Theo đó, địa phương này kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ thêm nguồn lực hạ tầng cho các địa phương khó khăn để thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyển đổi số theo kế hoạch đề ra.

Chuyển đổi số trong giáo dục: Nhận diện khó khăn để phát triển hơn ảnh 4Thiếu điều kiện cơ sở vật chất là một trong những thách thức lớn để chuyển đổi số trong giáo dục, nhất là ở các vùng khó khăn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại một tỉnh khó khăn như Điện Biên, vấn đề kinh phí lại càng là bài toán khó. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, các phần mềm, hệ thống hỗ trợ quản lý điều hành, dạy và học của địa phương vừa lạc hậu, vừa thiếu đồng bộ, không thống nhất giữa các đơn vị. Điều này dẫn đến cơ sở dữ liệu bị chia tách, không đồng nhất, không liên thông kết nối được với nhau. Trong khi đó địa phương phải triển khai đồng bộ các nội dung chuyển đổi số, cần nguồn kinh phí rất lớn, nên việc bố trí kinh phí cho ngành giáo dục rất khó khăn. Bên cạnh đó là khó khăn về nhận thức của người dân trong chuyển đổi số khi có tới 80% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo đó, tỉnh Điện Biên kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ưu tiên cho tỉnh tham gia các đề án, dự án, chương trình đẩy mạnh công nghệ thông tin trong giáo dục đào tạo và các nội dung chuyển đổi số cũng như đầu tư, phân bổ kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin cho tỉnh.

Tương tự, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hàng năm, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn phân cấp cho Bộ, ngành để hỗ trợ cho các tỉnh Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng để triển khai thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục.

Thừa nhận kinh phí là một trong những thách thức lớn của ngành, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Nguyễn Sơn Hải cho rằng nguồn lực đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục còn hạn hẹp, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, việc huy động các nguồn lực xã hội chưa thực sự hiệu quả.

Bên cạnh đó, ngành còn thách thức lớn khác là vấn đề nhận thức của cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành về chuyển đổi số. Trước hàng loạt những khó khăn, thách thức, ông Hải cho hay Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã và đang đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số toàn ngành trong thời gian tới./.

Mời độc giả xem chùm bài:

Bài 1: Chuyển đổi số giáo dục: Những kết quả ấn tượng
Bài 2: Những bước tiến dài trong giảng dạy và quản lý giáo dục
Bài 3: Chuyển đổi số giáo dục: Hàng loạt rào cản cần tháo gỡ
Bài 4: Chuyển đổi số trong giáo dục: Những mục tiêu lớn năm 2023

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục