Lời tòa soạn:
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2020 xác định rõ giáo dục là một trong 8 lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.
Theo đó, các nhiệm vụ, giải pháp sẽ được chú trọng để chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam là: phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến; phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa. Mục tiêu cụ thể là 100% các cơ sở giáo dục triển khai dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình. Ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp.
Cùng với chủ trương của Chính phủ, tác động trực tiếp của dịch COVID-19 trong các năm 2020 và 2021 đã trở thành cú hích mạnh mẽ buộc ngành giáo dục và đào tạo phải chuyển đổi số nhanh chóng để thích ứng với tình thế bất ngờ và đặc biệt chưa từng có trong lịch sử, khi cả nước phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến.
Trong bối cảnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 với sự ra đời của hàng loạt các ứng dụng, phần mềm, nền tảng số đã trở thành điều kiện hậu thuẫn tích cực cho quá trình chuyển đổi số của ngành giáo dục diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn.
Chỉ trong thời gian ngắn, ngành giáo dục và đào tạo đã đạt được những kết quả ấn tượng trong chuyển đổi số, mang lại những thay đổi tích cực trong việc dạy học cũng như công tác quản lý của ngành. Việc thực hiện chuyển đổi số nhanh chóng trong khi nguồn lực còn hạn chế đương nhiên sẽ dẫn đến nhiều khó khăn mà ngành cần phải có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về công tác chuyển đổi số trong ngành giáo dục, Báo Điện tử VietnamPlus xin giới thiệu loạt bài: Chuyển đổi số trong giáo dục: Nhận diện khó khăn để phát triển hơn
Bài 1: Chuyển đổi số giáo dục: Những kết quả ấn tượng
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu với trên 25 triệu hồ sơ nhân sự toàn ngành, kho học liệu điện tử khổng lồ với hơn 7.000 bài giảng, triển khai quản lý điện tử...là những kết quả ấn tượng ngành giáo dục đã triển khai trong thời gian qua. Những kết quả này là cơ sở để ngành có thể tiếp tục chuyển đổi số sâu hơn.
Dữ liệu lớn của ngành giáo dục
Dữ liệu là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc thực hiện chuyển đổi số. Theo ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý thông tin chi tiết của tất cả các trường học từ mầm non đến phổ thông, tổng hợp thông tin dữ liệu từ 63 sở giáo dục và đào tạo, 710 phòng giáo dục và đào tạo.
Hệ thống phần mềm này đặt tại địa chỉ https://csdl.moet.gov.vn, là một công cụ sử dụng thống nhất trong toàn ngành giáo dục (dành cho bậc học mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên). Cơ sở dữ liệu ngành được triển khai sử dụng đến gần 15.500 trường mẫu giáo, gần 12.700 trường tiểu học, gần 10.800 trường trung hoc cơ sở, trên 2.900 trường trung học phổ thông, 638 trung tâm giáo dục thường xuyên, các phòng giáo dục và sở giáo dục đào tạo trên cả nước.
Hệ thống đã cấp và phục vụ cho khoảng 82.000 tài khoản sử dụng, từ cấp trường đến cấp bộ.
Dữ liệu bao gồm 9 cấu phần cơ sở thành phần: thông tin về các trường học, lớp học, đội ngũ giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất, sức khỏe học sinh, chương trình “Máy tính cho em”, tiêm vaccine COVID-19. Qua đó đã số hóa, gắn mã định danh của gần 24 triệu hồ sơ học sinh và hơn 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý. Nguồn dữ liệu chi tiết, cụ thể cũng giúp ngành nắm được một cách chi tiết, cụ thể nhân sự của từng nhà trường, từ đó bóc tách được nhiều vấn đề liên quan như việc thừa-thiếu giáo viên ở từng địa phương, từng môn học; tình hình tiêm vaccine ngừa COVID-19 của học sinh…
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện kết nối dữ liệu từ các phần mềm quản lý trường học trong ngành giáo dục bằng việc ban hành chuẩn dữ liệu và hướng dẫn kết nối và trao đổi dữ liệu (bằng hình thức API) giữa phần mềm quản lý ở các nhà trường với cơ sở dữ liệu của bộ. Hiện có hơn 25.000 trường học đã kết nối phần mềm với phần mềm cơ sở dữ liệu của ngành.
Cơ sở dữ liệu này cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo kết nối thành công với Cơ sở dữ liệu Quốc gia Quốc gia về dân cư (do Bộ Công an quản lý). Qua đó đã kết nối, đồng bộ, xác thực mã căn cước công dân và chia sẻ dữ liệu của hơn 1,5 triệu giáo viên (đạt 95%) và gần 21 triệu hồ sơ học sinh (đạt 92%).
Ngoài việc cung cấp các thông tin tổng hợp về trường, lớp, học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, tài chính phục vụ quản lý tổng thể, cơ sở dữ liệu ngành giáo dục còn phục vụ quản lý điều hành chuyên môn sâu. Cụ thể thực hiện toàn bộ hoạt động thống kê của ngành; quản lý đội ngũ nhà giáo; số hóa và lưu trữ toàn bộ thông tin về điểm số, học bạ ở các nhà trường; số hóa thông tin về sức khỏe học sinh (chiều cao, cân nặng, chỉ số BMI, một số bệnh về mắt…); điều hành Chương trình “Sóng và máy tính cho em” (xác định nhu cầu tài trợ và quản lý việc phân bổ máy tính đến từng học sinh).
[Chuyển đổi nhận thức nhằm xây dựng hệ sinh thái giáo dục số]
Trong đại dịch COVID-19, ngành giáo dục đã sử dụng cơ sở dữ liệu này để quản lý, điều hành nhiều hoạt động như theo dõi tình hình tiêm vắc xin (đến từng học sinh và giáo viên), khai báo học sinh và giáo viên là F0 và F1 hàng ngày, cung cấp các thông tin cần thiết để phục vụ mở cửa trường học…
Ngành cũng xây dựng kho dữ liệu bài giảng điện tử với gần 7.000 bài giảng cho tất cả các trình độ đào tạo, từng môn học của từng khối lớp, từ mầm non đến trung học phổ thông. Kho học liệu được thiết kế thân thiện, dễ sử dụng để các thầy cô, các em học sinh có thể dễ dàng tìm kiếm các bài học theo nhu cầu.
Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin
Nếu các năm 2020, 2021 đánh dấu mốc đặc biệt của ngành giáo dục trong dạy và học trực tuyến với những bước tiến dài thần tốc thì năm 2022 ghi nhận sự ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin của ngành trong phục vụ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học. Đây là năm đầu tiên tất cả các thí sinh thực hiện các khâu liên quan đến kỳ thi theo hình thức trực tuyến, từ đăng ký thi đến nộp lệ phí, xét tuyển đại học.
Là năm đầu tiên triển khai nên ngành giáo dục không khỏi lúng túng trong việc xây dựng phần mềm khiến tiến độ triển khai công việc bị chậm, từ việc nộp lệ phí đến xét tuyển sinh, thậm chí dữ liệu có lúc chưa chuẩn. Tuy nhiên, những vấn đề phát sinh đã được ngành xử lý kịp thời.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông trực tuyến đạt 93% trên tổng số hơn 900.000 em. Số thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trực tuyến là 617.000 thí sinh với hơn ba triệu nguyện vọng. Tỷ lệ thí sinh thanh toán lệ phí xét tuyển đại học trực đạt 97%. Thí sinh xác nhận nhập học đại học trực tuyến đạt 81%.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai phần mềm lọc ảo dùng chung cho tất cả các trường, các phương thức xét tuyển khác nhau thay vì chỉ áp dụng cho phương thức xét tuyển theo điểm thi trung học phổ thông quốc gia như mọi năm cũng làm giảm tỷ lệ thí sinh ảo, tránh tình trạng các trường ép thí sinh nhập học sớm.
Cũng trong năm 2022, với nguồn dữ liệu thông tin và học bạ của thí sinh được các trường trung học phổ thông cập nhật trên cơ sở dữ liệu ngành đã phục vụ việc xét tuyển đại học theo hình thức dựa trên điểm số học tập bậc trung học phổ thông thực hiện đơn giản và thuận tiện hơn.
Với những nỗ lực trong chuyển đổi số, Cục Công nghệ thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được vinh danh “cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” tại giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam với sản phẩm “Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và đào tạo, Hệ thống Quản lý thi kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.”
Không chỉ ở cấp bộ, chuyển đổi số cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các sở giáo dục và đào tạo tích cực triển khai, tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác dạy và học cũng như công tác quản lý ở các nhà trường.
Mời độc giả xem chùm bài:
Bài 1: Chuyển đổi số giáo dục: Những kết quả ấn tượng
Bài 2: Những bước tiến dài trong giảng dạy và quản lý giáo dục
Bài 3: Chuyển đổi số giáo dục: Hàng loạt rào cản cần tháo gỡ
Bài 4: Chuyển đổi số trong giáo dục: Những mục tiêu lớn năm 2023