Ngày 8/11, phát biểu tại Diễn đàn Công nghệ tài chính Việt Nam (FVF) 2019 đã được tổ chức tại Hà Nội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho rằng đây là thời điểm thích hợp với những điều kiện hết sức thuận lợi có thể giúp hệ thống tài chính-ngân hàng Việt Nam có bước chuyển mình và nhanh chóng bắt kịp với tốc độ, trình độ phát triển của các hệ thống tài chính-ngân hàng tiên tiến trên thế giới.
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, với những yêu cầu thực tiễn của xã hội và của nền kinh tế hiện đang có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới, các tổ chức tín dụng ở Việt Nam đã chủ động nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ để tối ưu hóa sản phẩm, dịch vụ và bước đầu chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng số hóa với các giải pháp ngân hàng tự động, ngân hàng số.
“Có thể nói chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng là một xu hướng tất yếu và chắc chắn sẽ diễn ra mạnh mẽ trong những năm tới đây," Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói.
Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đồng hành cùng với hệ thống tài chính-ngân hàng truyền thống trong tiến trình trên là các công ty công nghệ tài chính (Fintech) khi mang lại làn gió đổi mới với nhiều lợi ích cho lĩnh vực này, đồng thời góp phần giúp Chính phủ các quốc gia đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội; trong đó, bao gồm mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân.
[Trình diễn ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công nghệ tài chính]
Ở Việt Nam, lĩnh vực Fintech đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mới được thành lập. Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết chỉ trong vòng gần 4 năm, số lượng công ty Fintech đã tăng từ 40 lên khoảng 150 công ty như hiện nay.
Điều này thể hiện sự năng động và nhạy bén của của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam khi môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện. Nhiều cơ quan quản lý, trong đó có Ngân hàng Nhà nước, đã quan tâm và cố gắng tạo lập khuôn khổ pháp lý phù hợp với trình độ phát triển của công nghệ cũng như năng lực quản lý.
Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Eric Sidgwick cũng nhận định những công nghệ mới có tiềm năng rất lớn trong việc tăng cường tiếp cận tài chính cho các nhóm đối tượng chưa có hoặc ít có điều kiện tiếp cận dich vụ ngân hàng, đồng thời, tăng cường tính hiệu quả và an ninh tài chính tại một thị trường đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam.
Tại diễn đàn lần này, các chuyên gia đến từ Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tổ chức thẻ quốc tế Visa, MasterCard chia sẻ các góc nhìn khác nhau về quá trình chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng; các chính sách hỗ trợ và phát triển công nghệ; vấn đề an toàn bảo mật và tự động hóa dịch vụ tài chính-ngân hàng.
Tại FVF 2019, Ban tổ chức cũng công bố kết quả cuộc thi FCV 2019. Thông qua cuộc thi này, Ngân hàng Nhà nước sẽ nắm bắt các giải pháp dịch vụ mới của các đội tham gia và xu hướng chuyển đổi số trong trong lĩnh vực ngân hàng-tài chính để tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách và ban hành các quy định quản lý tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, ứng dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động ngân hàng cũng như hỗ trợ sự phát triển hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam, từ đó, phù hợp với chủ trương và định hướng phát triển nền kinh tế số của Đảng và Chính phủ, nhất là sau khi Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được ban hành./.