Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững là cần thiết.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Trưởng Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam Remi Nono Womdim đổng chủ trì hội nghị. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Nhằm tham vấn các đối tác quốc tế và các bên liên quan về dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia “Chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam” ngày 8/12 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam đồng tổ chức Hội nghị toàn thể Chương trình hỗ trợ Quốc tế ISG 2022.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng để thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững, việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững là cần thiết.

Điều này nhằm đảm bảo cho tất cả người dân được cung cấp, tiếp cận đủ lương thực, đảm bảo dinh dưỡng trong khi vẫn phải bảo vệ môi trường, bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đảm bảo tiếp cận được lương thực thực phẩm an toàn và dinh dưỡng là vấn đề quan trọng trong phát triển bền vững, đặc biệt là đối với người nghèo và những đối tượng dễ bị tổn thương, những người đang phải chịu khó khăn nhất do tình hình dịch bệnh, thiên tai và suy thoái kinh tế.

[Chìa khóa để ngăn chặn khủng hoảng lương thực toàn cầu]

Bên cạnh kế hoạch hành động, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho biết Bộ cũng xây dựng “Đề án thành lập Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm Việt Nam” để liên kết các mạng lưới đổi mới trong nước và quốc tế và nhằm thúc đẩy việc sử dụng công nghệ số để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh.

Trung tâm đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm sẽ giúp mở rộng quy mô và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung để trở thành một cường quốc nông sản thực phẩm xanh, bền vững và ít phát thải.

Năm 2022, trong bối cảnh xung đột, đại dịch và khủng hoảng khí hậu, các chuỗi cung ứng lương thực và vật tư sản xuất trên toàn cầu bị đứt gãy, giá lương thực tăng cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực và dinh dưỡng trong khi 8 tỷ người đang sống dựa vào vào hệ thống lương thực, thực phẩm.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia trong nước và quốc tế, nghiên cứu, xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm và bền vững với mục tiêu góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 2030; tham gia tích cực vào đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng toàn cầu.

Việc tham vấn với các đối tác quốc tế và các bên liên quan về dự thảo kế hoạch hành động, để khi ban hành, kế hoạch hành động đảm bảo được tính toàn diện, đáp ứng nhu cầu trong nước và hội nhập quốc tế. Đồng thời, có tính khả thi khi có sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan; có thể huy động được cả nội lực và ngoại lực.

Theo ông Rémi Nono Womdim, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam, nông nghiệp toàn cầu thời gian tới sẽ phải đối mặt với những thách thức về gia tăng của dân số toàn cầu; nguồn lực về đất đai, tài nguyên nước và năng lượng bị hạn chế; tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng xung đột chính trị ở một số quốc gia, ảnh hưởng đại dịch COVID-19 đòi hỏi nông nghiệp phải chuyển đổi mô hình sản xuất lương thực và thực phẩm cũng như mục tiêu tăng trưởng.

Ông Rémi Nono Womdim cho rằng tình huống vượt xa những gì dự báo, không còn sự đảm bảo về an ninh lương thực nếu vẫn theo cách làm cũ. Dự báo tăng trưởng về sản lượng cũng như năng suất của ngành nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay cho thấy không còn bền vững. Do đó, cần đưa ra tầm nhìn chung về phát triển hệ thống lương thực bền vững để đảm bảo có tiếp cận an toàn đối với lương thực cũng như dinh dưỡng cho tất cả mọi người.

Đồng thời, vẫn duy trì được chức năng của hệ sinh thái để đảm bảo hỗ trợ cấp nguồn lương thực cho thế hiện nay khi thế hệ trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục