Biến đổi khí hậu đang như “luộc cua”
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu Lê Minh Chiến cho rằng: Biến đổi khí hậu hiện nay, đang diễn ra tại Đồng bằng sông Cửu Long theo cách thức như kiểu “luộc cua”. Khi bị luộc, con cua không cảm nhận được sự nóng lên của nước nên bị luộc chín lúc nào không hay.
Biểu hiện của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long là sự nóng lên từ từ và sự ngập úng dần dần. Do đó, cư dân vùng không thể cảm nhận cũng như biết được sự rủi ro cực đoan ngập nước, chỉ đến khi bị ngập nặng mới đối phó đã không kịp.
Trong sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long cũng không ngoại lệ. Thời tiết bất thường từ từ, cây con bị ảnh hưởng từ từ trong khi người dân không phát hiện ra cho đến khi không thể nuôi trồng được nữa.
Theo số liệu thống kê, hơn 62% dân số Đồng bằng sông Cửu Long hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; gần 15% dân số hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng; hơn 21% hoạt động trong lĩnh vực xã hội. Ngành sản xuất chủ lực liên quan đến 75% sinh kế của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Hai nguồn sinh kế sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản phụ thuộc rất lớn vào đặc điểm tự nhiên của ba nguồn tài nguyên là khí hậu, tài nguyên nước và tài nguyên đất đai nên sự thay đổi tính chất của ba nguồn tài nguyên này sẽ có tác động lớn đến hệ sinh thái và sinh kế của phần đông người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sản xuất trái cây tạo hình, ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết: Năm nay, thời tiết bất thường, mưa chấm dứt sớm nên kế hoạch sản xuất bưởi tạo hình của câu lạc bộ để cung ứng cho thị trường Tết không đạt kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, năm nay triều cường thấp, hầu như không có nước nên sản xuất gặp khó khăn, kế hoạch làm 1.000 trái bưởi hình bản đồ Việt Nam chỉ đạt 500 trái; năm 2014, tỷ lệ thành công các loại bưởi có hình hồ lô đạt 80%, nhưng năm nay ước chỉ đạt khoảng 60%.
Sinh kế thích ứng
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm là những cách thích ứng biến đổi khí hậu mà nhiều cư dân Đồng bằng sông Cửu Long đang có những bước đi ban đầu mang lại hiệu quả.
Điển hình là Câu lạc bộ sản xuất trái cây tạo hình, ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Nhiều năm nay, câu lạc bộ này áp dụng các kỹ thuật tiến tiến để tạo nên những trái bưởi bình thường thành những trái bưởi có hình dáng hồ lô, có in chữ tài lộc hay in hình bản đồ Việt Nam lên trái bưởi cho giá trị kinh tế gấp 7 đến 8 lần so trái bưởi bình thường.
Hàng năm, Câu lạc bộ sản xuất trái cây tạo hình đều cung ứng cho thị trường Tết cả chục ngàn trái bưởi tạo hình có giá từ 300.000đồng/trái đến hơn triệu đồng/trái.
Cũng tại tỉnh Hậu Giang, Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Phước, ấp Phước Thạnh, xã Đông Thạnh, nhiều năm nay, sản xuất chanh không hạt cung ứng cho thị trường trong nước và nước ngoài hàng trăm tấn chanh không hạt mỗi năm, thu về giá trị kinh tế cao, cũng như thích ứng được thời tiết bất thường.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, chanh không hạt được đưa về trồng vùng đất này trên dưới 10 năm nhưng chưa thấy xuất hiện dịch bệnh. Đặc biệt, chanh không hạt luôn hút hàng do đặc trưng không hạt được thị trường ưa chuộng. Hiện cây chanh không hạt đang là sinh kế bền vững cho nhiều hộ nghèo nơi đây, đặc biệt trong tình hình thời tiết thất thường, khắc nghiệt như vừa qua.
Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, trong năm 2015, ngành nông nghiệp Cần Thơ đã tích cực hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang các mô hình hiệu quả như chuyển đổi từ lúa hàng hóa sang sản xuất lúa giống, đạt hơn 3.000ha; chuyển hơn 3.000ha đất trồng lúa xuân hè và hè thu kém hiệu quả sang trồng cây màu có hiệu quả kinh tế cao, như mô hình trồng mè, đậu nành, bắp, dưa các loại và 9.000ha đất lúa vụ thu đông sang nuôi cá ruộng …
Hàng năm, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lương thực và hơn 90% gạo xuất khẩu của cả nước. Sản xuất thủy sản chiếm hơn 60% sản lượng và đóng góp khoảng 80% lượng xuất khẩu của cả nước.
Ngoài ra, ngành chăn nuôi, cây ăn trái và rau màu đã cung cấp một lượng lớn cho thị trường trong và ngoài nước và thu về hơn 1,5-2 tỷ USD/năm. Vì thế, sản xuất lúa gạo, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long là rất quan trọng.
Tuy nhiên, trong tình hình biến đổi khí hậu ngày một rõ nét, việc thích ứng cũng như ổn định được sản xuất cho vùng đang cần sự liên kết, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cấp chính quyền, cũng như sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía thì cư dân Đồng bằng sông Cửu Long mới có thể ổn định được sản xuất, tiếp tục sản xuất hàng hóa xuất khẩu, phát triển dịch vụ nông nghiệp và nông thôn, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia./.