Chuyển đổi chuỗi lúa gạo, hướng tới hiện đại, bền vững ở ĐBSCL

Theo chuyên gia, để phát triển chuỗi lúa gạo bền vững, Đồng bằng sông Cửu Long cần kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo, thúc đẩy ngành lúa gạo theo hướng hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp.
Chuyển đổi chuỗi lúa gạo, hướng tới hiện đại, bền vững ở ĐBSCL ảnh 1Thu hoạch lúa cho bà con nông dân tham gia cánh đồng liên kết phục vụ xuất khẩu ở huyện Thọai Sơn, tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Ngày 20/12, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức phiên thảo luận với chủ đề ”Chuyển đổi chuỗi lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp,” đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Startup lần thứ I-năm 2022 đang diễn ra tại thành phố Cao lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Phiên thảo luận thu hút đông đảo các chuyên gia, doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, các nhà quản lý về nông nghiệp của một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tham gia. Các chuyên gia đã chỉ ra bối cảnh, thách thức, những cơ hội cho chuỗi lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, đưa ra một số giải pháp bước đầu để phát triển chuỗi lúa gạo bền vững, kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo, nhằm thúc đẩy phát triển ngành lúa gạo theo định hướng hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp.

Tai phiên thảo luận, Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Hùng - chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI, đánh giá các vấn đề chính trong sản xuất lúa gạo, hiệu quả thấp và phát thải cao là do xâm nhập mặn và hạn hán; lượng giống sử dung cao và lạm dụng hoá chất nông nghiệp;quản lý nước cho lúa còn chưa tối ưu/ hiệu quả ; thất thoát sau thu hoạch cao; tập quán đốt rơm rạ ngay tại ruộng hay vùi rơm trên ruộng ngập nước. Các yếu tố trên đều dẫn tới phát thải khí nhà kính cao.

[Đồng bằng sông Cửu Long: Tích hợp đa giá trị trong ngành hàng lúa gạo]

Theo ông Hùng, giải pháp cho lúa chất lượng cao và khả năng chống chịu biến đổi khí hậu cao là cần quy hoạch, nghiên cứu thị trường và chuỗi giá trị đồng bộ, đáp ứng tức thời theo thực trạng, đáp ứng biến đổi khí hậu và bền vững ; phát triển và nhân rộng công nghệ sản xuất lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp; xác định mô hình chuỗi giá trị cung cầu gạo; phân khúc thị trường gạo và nghiên cứu thị trường.

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Hùng cũng cho rằng kinh tế nông nghiệp tuần hoàn giảm phát thải, phải sản xuất bền vững và hữu cơ, thu rơm cho sản xuất nấm và thức ăn gia súc, phân bón hữu cơ từ rơm, chất thải từ sản xuất nấm và chăn nuôi; đem lại lợi ích giảm khí thải nhà kính tới 30% tổng phát thải carbon của toàn bộ vòng đời cây lúa; không đốt đồng , tránh ô nhiễm và mất chất dinh dưỡng và mất đa dạng sinh học.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết muốn đổi mới sáng tạo trong chuỗi lúa gạo để tiến đến đạt mục tiêu hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp, trước hết ngành hàng lúa gạo phải thực hiện cho được những bước hạ tầng ban đầu, bao gồm đất trồng lúa, nước tưới tiêu, giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc cơ giới hóa đồng ruộng, quy trình canh tác trồng lúa để đạt tiêu chuẩn cho gạo; đầu ra cho lúa hàng hóa, rồi dự trữ bảo quản sau thu hoạch, đến chế biến tiêu thụ của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành hàng lúa gạo muốn đạt được một cách bền vững không có giải pháp nào khác ngoài thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ở Đồng bằng sông Cửu Long ngành hàng lúa gạo muốn phát triển bền vững, sản phẩm lúa của nông dân làm ra có chất lượng tốt giá bán cao, thương hiệu và giá trị gạo của doanh nghiệp nói riêng của Việt Nam nói chung được nâng cao trên trường quốc tế thì bắt buộc doanh nghiệp và nông dân phải liên kết, gắn sản xuất với yêu cầu của thị trường.

Giải pháp được nhiều đại biểu đưa ra là cần liên kết mạnh và cụ thể hơn, nhất là giữa nông dân, doanh nghiệp, liên kết để tạo ra cánh đồng mẫu lớn, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.

Hiện nay, nông dân còn hạn chế kiến thức kinh tế carbon, vì vậy phải giúp mỗi hộ thấy được mỗi ngày họ thải ra môi trường bao nhiêu, cũng như đóng góp bao nhiêu cho nền kinh tế của đất nước. Từ đó, nâng cao nhận thức trong bảo vệ môi trường, hướng đến thực hành sản xuất lúa gạo bền vững hơn.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển và nhân rộng công nghệ sản xuất lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp, xác định chiến lược phát triển chuỗi giá trị phù hợp với từng vùng, áp dụng tưới ngập khô xen kẻ để giảm phát thải; cơ giới hoá để hỗ trợ sản xuất nâng cao chất lượng như san phẳng đồng ruộng bằng laser, tối ưu quản lý nước và canh tác, giảm giống, phân bón.

Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn giảm phát thải cũng được các chuyên gia, doanh nghiệp nhắc đến, đặc biệt là chế biến ra sản phẩm giá trị gia tăng từ phụ phẩm của lúa gạo. Chẳng hạn như sản phẩm trấu viên nén, sử dụng rơm làm giá thể trồng nấm, trồng hoa kiểng, thức ăn gia súc, chiết xuất cám để lấy tinh dầu...

Điều này sẽ không gây lãng phí các phế phẩm mà còn thêm giá trị và thu nhập, giảm khí nhà kính tới 30% tổng phát thải carbon của toàn bộ vòng đời cây lúa.

Tại phiên thảo luận, các hợp tác xã, nông dân sản xuất lúa gạo cũng mong muốn được hướng dẫn quy trình, biện pháp canh tác lúa gạo hữu cơ, giảm phát thải. Hiện nay, nông dân một số địa phương bắt đầu làm lúa hữu cơ nhưng lợi nhuận và giá bán chưa khác biệt nhiều so với trồng lúa thông thường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục