Chuyện đời “bông hoa núi rừng” của làng xiếc Việt

Sau bao năm vẫy vùng trên sân khấu xiếc, 'bông hoa" bản Mường vẫn đi về một mình mặc ba lăm cái xuân xanh đã tan nhanh như làn khói…
Gặp nghệ sỹ Tuyết Hoàn, nhan sắc được tụng ca là “bông hoa núi rừng” của làng xiếc Việt tôi cứ nghĩ đến câu thơ “thiên địa phong trần, hồng nhan đa truân.”

Đẹp và đa tài, hơn hai mươi năm vẫy vùng trên sân khấu xiếc nhưng người con gái của bản Mường vẫn đi về một mình mặc ba lăm cái xuân xanh đã tan nhanh như làn khói…

Đánh liều yêu… xiếc

Nhớ lại lần đầu tiên nói chuyện với nghệ sỹ Tuyết Hoàn, nghe giọng khàn khàn, chát chát đầy nam tính qua điện thoại tôi láng máng đoán chắc chị đã chạm ngưỡng tứ tuần. Gặp chị rồi, vẫn không thể tin trước sắc vóc như thiếu nữ chỉ độ mười tám, đôi mươi…

Chị cười xòa, phẩy tay chẳng màng đến lời khen phàm là phụ nữ đều thích nghe “các cụ nói rồi đàn bà ba mươi đã toan về già, mình đây lại còn ba lăm…”

Lan man sang chuyện đời, chuyện nghề lại càng thấy khó tin hơn trước “thâm niên” hai tư năm đứng trên sân khấu xiếc của chị.

Không phải con nhà nòi, mối nhân duyên với xiếc của nghệ sỹ Tuyết Hoàn cũng thật lạ. Ngày đó, nghệ sỹ Tuyết Hoàn mới chỉ là đứa bé gái lên chín, tuổi thơ quanh quẩn cùng đám trẻ trong bản Mường, tỉnh Hòa Bình.

Đôi mắt long lanh xúc động, nghệ sỹ Tuyết Hoàn nhớ lại: “Nghe loa của xã thông báo có đoàn xiếc về biểu diễn, đám trẻ chúng tôi vui như hội. Hồi đó, chưa có tivi, đài báo như bây giờ, từ người già đến lũ trẻ nào biết xiếc là cái gì, chỉ nghĩ là miền xuôi lên biểu diễn văn công, văn nghệ thôi…”

Lần đầu tiên được xem biểu diễn xiếc, các diễn viên hóa trang, áo quần sặc sỡ, hết lắc vòng, nhào lộn, đến xiếc thú… cô bé Tuyết Hoàn bị hớp hồn lúc nào không hay.

“Lúc đó tôi còn quá bé, nhìn các diễn viên nhào lộn trên cao chẳng khác nào người trời. Người mình cứ mụ đi, như bị bỏ bùa vậy…”

Trong ba ngày đoàn xiếc về biểu diễn ở bản, cô bé Tuyết Hoàn quên cả đường về nhà, chẳng màng đến bữa, đôi chân mải mê theo gót các anh chị diễn viên. Lần đầu tiên được chạm tay mân mê bộ đồ đính kim sa lấp lánh, những quả cầu, vòng tròn kim tuyến, đôi mắt cô bé Tuyết Hoàn sáng rực như chìm vào thế giới cổ tích màu nhiệm.

Ngày đoàn rời bản, cô bé Tuyết Hoàn khóc ngặt, nằng nặc bắt cha bế chạy đuổi theo ra đến tận đường lớn. “Lúc đó mình chỉ có một ý nghĩ sẽ phải tìm lại họ và xin theo học làm diễn viên xiếc.”

Ước mơ tưởng xa vời, nay nhớ mai quên với một đứa trẻ thế nhưng lại thành hiện thực. Hai năm sau, cô bé Tuyết Hoàn theo cha xuống Hà Nội để thi tuyển vào trường xiếc.

“Nhà có hai anh em, nhưng kể từ ngày đoàn xiếc rời bản, cha thương tôi cứ ngẩn ngơ như người mất hồn, đành hứa nếu tôi chịu ở một mình được thì sẽ cho xuống Hà Nội học trường xiếc.”

Cho đến bây giờ, khi đã đứng trên sân khấu xiếc hơn hai mươi năm, nghệ sỹ Tuyết Hoàn cũng không lý giải được vì sao lúc đó một bé gái mới 11 tuổi, chưa một lần xa bố mẹ, rời thôn bản lại có can đảm như vậy.

“Đũng là đánh liều để đi, vì ngày ấy mình cơm chưa biết nấu, quần áo chưa biết giặt, ngơ ngơ, ngác ngác như chim non bỗng một ngày phải rời tổ, lạc mẹ…”

Thời gian như bóng câu, thấm thoắt năm năm học trường xiếc với bao vất vả, bỡ ngỡ Tuyết Hoàn cũng khép lại với thành tích xuất sắc. Nhờ có năng khiếu về nhào lộn trên không và sự tìm tòi, khổ luyện, cô sinh viên trẻ Tuyết Hoàn vững vàng bước lên sân khấu xiếc chuyên nghiệp khi tạo dựng cho mình “vốn” riêng bằng tiết mục xiếc hấp dẫn và mang bản sắc văn hóa Mường “Nhào lộn ngày bản Mèo.”

Tiết mục này giúp nghệ sỹ Tuyết Hoàn giành huy chương vàng Liên hoan Xiếc toàn quốc, luôn “hút” khán giả đến rạp và là món “đặc sản” của nghệ thuật xiếc Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Như cuộc đời của người nghệ sỹ xiếc để có năm phút hào quang trên sân khấu, họ phải đánh đổi 5-10 năm khổ luyện. Ít ai ngờ hiện thực phũ phàng ẩn giấu bên trong vẻ đẹp không tuổi của nghệ sỹ Tuyết Hoàn là những “tì vết”  do tai nạn nghề nghiệp in hằn vô số đường sẹo chằng chịt trên tấm thân mảnh dẻ.

Hỏi về vết sẹo lồi cộm trên cánh tay, nghệ sỹ Tuyết Hoàn rùng mình nhớ lại: “Lần đó tôi diễn mở màn trong chương trình truyền hình trực tiếp, đang nhào lộn trên cao tôi bị ngã, cánh tay đập vào thanh sắt gãy làm đôi. Tuy chung sống với đinh và ốc vít, nhưng hôm trái nắng trở trời đau rã rời nhưng may vẫn được ở lại sân khấu biểu diễn, chưa thành phế nhân…”
 
Là phụ nữ không khỏi xót xa trước cảnh “vùi hoa dập liễu”, ấy vậy nghệ sỹ Tuyết Hoàn lại tỉnh quẹo: “Nghề này không thể nói đến hai chữ nhan sắc. Người ta nói cái răng cái tóc là góc con người nhưng bạn xem tóc tôi đã ngả hai màu, bộ nhá đến hai mươi chiếc là… giả. Phụ nữ như hoa, nhưng đã chọn xiếc thì tay chân bầm giập là chuyện thường…”

Đến bỏ quên… duyên

Chẳng dám nói “khuynh thành” nhưng đôi mắt tinh nghịch đượm sầu, nét môi tươi xinh cứ gợi vẻ đẹp man mác của đóa hoa miền sơn cước ấy như trêu tức hàng quân tử bởi đã qua ba mươi lăm mùa xuân cuộc đời nghệ sỹ Tuyết Hoàn vẫn đi về một mình mặc bao dèm pha của người đời.

Đến mình, tôi vẩn vơ nghĩ phàm những người đẹp dính líu đến nghệ thuật đều có kết cục “trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” vậy sao? Nhưng nghệ sỹ Tuyết Hoàn lại điềm nhiên: “Không phải đâu! Nói vậy là không công bằng với xiếc. Tại duyên chưa đến vậy thôi…”

Ngày tháng cứ đuổi xuân đi, dần dần nghệ sỹ Tuyết Hoàn cũng chẳng còn nhớ đến tuổi của mình. Quanh năm suốt tháng cứ rong ruổi trên mọi cung đường biểu diễn hết trong nước rồi ngoài nước, chị thú thật: “Tháng bao ngày lên sân khấu, tâm trí đâu để tính chuyện yêu đương. Thỉnh thoảng các cụ nhắc nhở mới sực tỉnh mình vẫn chăn đơn, gối chiếc.”

Hơn hai mươi năm chìm nổi với nghề, có những lúc chênh vênh giữa mép vực sinh tử, nhưng nghệ sỹ Tuyết Hoàn vẫn tràn đầy năng lượng, giọng hồ hởi, say sưa khi nhắc đến nghiệp xiếc.

Ngay cả sự lý giải của chị cũng giản đơn đến không ngờ, “Nhiều người hỏi vì sao tôi lại chọn xiếc và đến tận bây giờ vẫn sống chung thân với nó? Mình cũng chẳng hiểu tại sao, yêu như trúng tiếng sét đầu đời. Nhiều lúc nghĩ yêu xiếc vì bản tính tò mò và hơi giống đàn ông chăng? Xiếc là phi thường, phi lý nên khiến ta thích chinh phục…

Xiếc cho con người sự phi thường nhưng cũng chế ngự, khiến họ phải bất lực. Trong nghệ thuật xiếc không phải những gì mình muốn đều có thể làm được, chúng ta vẫn bị giới hạn vì là người trần mắt thịt.”

Hỏi chị đã tính đến chuyện giải nghệ để lo cho mình mái ấm đi về sớm tối, nghệ sỹ Tuyết Hoàn nói không lưỡng lự: “Chồng vẫn phải lấy nếu duyên đến nhưng nghề thì không thể bỏ được. Đã đem lòng yêu xiếc rồi thì nỗi sợ lớn nhất không phải sự cô đơn mà lỡ một ngày không thể lên sân khấu được. Sẽ trống trải và nuối tiếc ghê lắm…”

Tình duyên muộn màng như vẫn ngó lơ, nhưng với xiếc nghệ sỹ Tuyết Hoàn dày công chuẩn bị phòng xa từ bây giờ. Chị bảo hiện đang chuyển sang tập luyện tiết mục xiếc patin và dạy thú để nếu một ngày không nhào lộn trên không được nữa thì vẫn có thể lên sân khấu.

“Nghề này ai đã trót mê thì theo mãi, không bỏ được. Như khi như bị bùa ngải ấy, khổ luyện nhiều năm nhưng lên sân khấu chỉ cần tiếng vỗ tay của khán giả. Sợ nhất, mình diễn mà phía dưới khán giả ngồi lặng thinh.”

Mai mê chính chiến với xiếc đến nỗi đã hai mươi cái Tết phải xa nhà nhưng nghệ sỹ Tuyết Hoàn vẫn không cho đó là thiệt thòi: “Đã là nghệ sỹ nay đây mai đó, mọi miền đất đều là quê hương, nhân dân là gia đình. Dù chưa có cái Tết nào trọn vẹn với gia đình nhưng không phải không có Tết. Chúng tôi ăn Tết theo cách riêng, khi thì trên xe, hay cạnh gốc đào bên đường ở miền đất lạ, thậm chí xa xứ. Năm nào cũng vui, cũng đủ thịt mỡ dưa hành…”

Hỏi những được mất của nghề, nghệ sỹ Tuyết Hoàn vẫn khăng khăng bảo vệ xiếc đến cực đoan: “Hơn hai mươi năm trên sân khấu, đúng là nghề đã chọn mình. Người ta nói xiếc bạc lắm! Nhưng trời cũng không cho ai hết mọi thứ, cứ hy sinh thì nghề chẳng phụ mình…”/.

Minh Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục