Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2014-2020, nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất thông qua việc chuyển diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác, kết hợp với nuôi trồng thủy sản có năng suất, chất lượng cao hơn, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát nêu rõ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là nội dung quan trọng để tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phải dựa trên nhu cầu thị trường; khai thác lợi thế về đất đai, nguồn nước, khí hậu, gắn với sản xuất hàng hóa, tập trung hiệu quả và bền vững.
“Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phải dựa trên cơ sở khoa học, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị; tăng cường bảo quản, chế biến, tăng giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng thu nhập cho nông dân,” Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng yêu cầu, trên cơ sở quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa toàn quốc, các tỉnh, thành phố cần lập quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa tại địa phương phù hợp.
Mặt khác, các địa phương cũng cần nghiên cứu, tổng kết những mô hình canh tác trên đất lúa có hiệu quả kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ để tuyên truyền, hướng dẫn người sản xuất áp dụng đồng thời ưu tiên đầu tư các dự án khuyến nông nhằm khuyến khích thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào vùng quy hoạch chuyển đổi./.
Định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa toàn quốc được chia theo hai giai đoạn:Giai đoạn 2014-2015, diện tích đất chuyển đổi khoảng 260.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang diện tích trồng các cây trồng khác; gồm: trồng ngô là 80.000 ha; đậu tương 16.000 ha; vừng, lạc 41.000 ha; rau, hoa là 51.000 ha; cây thức ăn chăn nuôi 13.000 ha; các cây khác 24.000 ha; kết hợp nuôi trồng thủy sản 35.000 ha.
Giai đoạn 2016-2020, cả nước tiếp tục chuyển đổi 510.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang diện tích trồng các cây trồng khác; gồm: trồng ngô là 156.000 ha; đậu tương 33.000 ha; vừng, lạc 54.000 ha; rau, hoa là 116.000 ha; cây thức ăn chăn nuôi 37.000 ha; các cây khác 58.000 ha; kết hợp nuôi trồng thủy sản 56.000 ha..