Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa của các già làng, trưởng bản ưu tú

Hơn 100 già làng, trưởng bản tiêu biểu các dân tộc vùng biên giới-lịch sử cách mạng các tỉnh phía Bắc đã có chuyến đi tìm hiểu, chứng kiến những thành tựu đổi mới của Thành phố Hồ Chí Minh.
Sáng 23/9, Đoàn đại biểu già làng, trưởng bản thăm và nghe giới thiệu về Đền tưởng niệm Bến Dược trong khu Di tích Địa đạo Củ Chi. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Vào những ngày cuối tháng Chín, tiết trời mát mẻ, dễ chịu, hơn 100 già làng, trưởng bản tiêu biểu các dân tộc vùng biên giới-lịch sử cách mạng các tỉnh phía Bắc đã có chuyến đi tìm hiểu các di tích lịch sử cũng như chứng kiến những thành tựu đổi mới của Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuộc hội ngộ, giao lưu nhằm tri ân đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều đóng góp trong bảo vệ "phên dậu" Tổ quốc cũng như giúp các già làng, trưởng bản ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số phía Bắc có thêm trải nghiệm thực tế những thay đổi của Thành phố mang tên Bác.

Cuộc hội ngộ ý nghĩa

Đối với những già làng, trưởng bản ưu tú đại diện cho các dân tộc thiểu số, đây là chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, màu sắc và tràn đầy năng lượng đặc biệt.

Hầu hết các cá nhân tham gia đều mang trong mình một cảm xúc bồi hồi, khó tả khi lần đầu đặt chân tới Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố có hơn 300 năm lịch sử hình thành và phát triển, với nhiều công trình kiến trúc cổ, di tích và hệ thống bảo tàng phong phú.

Theo ông Sòng A Tủa, Trưởng bản Pha Luông, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, chia sẻ bản Pha Luông hiện gồm 100 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Mông, sống bằng nghề làm ruộng, chăn nuôi. Hàng chục năm về trước, với tập quán du canh, du cư lạc hậu, cuộc sống người dân nơi đây luôn trong cảnh đói nghèo, cơ cực.

[Tuyên truyền để người dân Mường Tè không nghe theo luận điệu sai trái]

Nhờ có chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, người dân dần định canh, định cư, vươn lên làm giàu, đồng thời khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, tiếp cận thành công kinh tế thị trường, vùng đất này đã được tiếp thêm sinh khí, mang lại bộ mặt tươi mới cho bản làng, đời sống người dân khởi sắc; điện, đường, trường học, cơ sở y tế và nhiều công trình hạ tầng, phúc lợi khác đã được xây dựng nhiều hơn.

Đoàn đại biểu Sơn La ai cũng vui mừng, tự hào khi được đặt chân tới Thành phố mang tên Bác, được thăm khu di tích địa đạo Củ Chi để tìm hiểu thêm về những cống hiến, hy sinh to lớn của quân và dân Sài Gòn-Gia Định trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc; được tận mắt chứng kiến dự án nhà ga Metro Bến Thành-Suối Tiên, một trong những công trình được kỳ vọng về phương thức giao thông tiện lợi, an toàn, hiện đại.

Tương tự, ông Vừ Lầu Phổng, dân tộc Mông, bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn, tỉnh Nghệ An, chia sẻ: "chuyến đi này thiêng liêng hơn bao giờ hết."

Bỏ lại những mệt nhọc sau chặng đường hơn 1.000km từ vùng quê Bác để tới đây, ông cùng các thành viên trong đoàn đều tự hào vì bản thân được đại diện cho cộng đồng các dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh tham gia vào chuyến tham quan lần này.

Đến với khu di tích đền thờ Bến Dược, ông cùng cả đoàn có dịp được nghe và ôn lại lịch sử, không khí hào hùng của những năm tháng kiên cường, anh dũng chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Điều đó càng thôi thúc ông không ngừng rèn luyện, phấn đấu để góp phần xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Theo ông Hoàng Văn Tiệp, dân tộc Tày, đại biểu Người uy tín phố Đơn vị 1, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, Văn Quan là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn trong phát triển hạ tầng giao thông.

Nhờ sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước, 10 năm qua, nhân dân trong huyện đồng lòng, góp sức làm đường bê tông nội thôn, liên thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới, tiến tới nông thôn kiểu mẫu.

Chia sẻ cảm nghĩ khi tới Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Hoàng Văn Tiệp nói: "Bằng những gì mắt thấy tai nghe, tôi sẽ kể cho người dân về một Thành phố tươi đẹp, đặc biệt là những công trình, thành tựu minh chứng cho một nền kinh tế phát triển vượt bậc mà trước đây tôi chỉ được xem trên truyền hình. Tôi cảm thấy bồi hồi, xúc động khi được đến với địa đạo Củ Chi. Nơi đây gợi cho tôi cảm xúc về một thời kỳ chiến đấu oanh liệt, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước."

Ông Hoàng Văn Tiệp cũng bày tỏ lòng cảm kích với tinh thần nghĩa tình, mến khách của nhân dân Thành phố khi chào đón các già làng, trưởng bản tiêu biểu nơi địa đầu Tổ quốc.

Phát triển kinh tế miền núi

Trên hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh đến thành phố biển Vũng Tàu, các đại biểu trong đoàn già làng, trưởng bản còn được nghe giới thiệu về con người, địa danh và sự phát triển của các địa phương tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhiều người lần đầu tiên đến Vũng Tàu, được tắm biển, tìm hiểu cuộc sống người dân và các danh lam thắng cảnh, vùng biển Vũng Tàu, bất ngờ trước sự phát triển về kinh tế, văn hóa của các địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đặt chân tới khu vực Bãi Sau (Vũng Tàu), bà Quản Thị Tít, dân tộc Mông, bản Bun Giắt, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, chia sẻ nhờ có những chuyến đi bổ ích, mở mang kiến thức, đến những vùng đất phương Nam này mới thấy quê hương còn rất nhiều nơi tươi đẹp và phát triển.

Sau chuyến đi, khi trở về bản làng, bà sẽ kể lại với người dân để hiểu hơn về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, luôn quan tâm, phát triển giữa miền xuôi với miền ngược, để mọi người dân từ núi cao đến đồng bằng ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, qua đó khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường của nhân dân các dân tộc huyện Mường Chà, hăng hái thi đua xây dựng vùng dân tộc, miền núi giàu về kinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc và vững về an ninh quốc phòng.

Với vai trò là một trưởng bản, theo ông Sòng A Tủa (bản Pha Luông, Sơn La) cho biết khi trở về ông sẽ tuyên truyền với người dân trong làng chung sức đồng lòng, đoàn kết để phát triển kinh tế, hướng tới chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; động viên người dân thi đua lao động sản xuất, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động người dân nêu cao tinh thần cảnh giác đấu tranh phòng chống, tố giác tội phạm và tệ nạn xã hội.

Đồng thời, Trưởng bản Pha Luông cho rằng đồng bào các dân tộc phải luôn đoàn kết, tin tưởng vào đường lối đổi mới, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao cảnh giác trước mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.

Già làng Vàng Xíu Dư, người dân tộc Mông tỉnh Hà Giang đại diện Đoàn đại biểu Già làng, Trưởng bản, Già làng phát biểu tại buổi giao lưu tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Các già làng, trưởng bản luôn là nhân tố quan trọng trong việc phát huy và bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống, tham gia xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước của cộng đồng; làm tốt công tác thông tin hai chiều giữa cấp ủy với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để nắm tình hình của nhân dân trong khu dân cư.

Công lao của các già làng, trưởng bản góp phần cải thiện đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời góp phần củng cố niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành quản lý của Nhà nước; là “chỗ dựa” tin cậy, là “cầu nối” giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc với nhân dân trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của các địa phương thời gian qua.

Đợt giao lưu này là nguồn động viên đối với đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc cũng như Thành phố Hồ Chí Minh để đồng bào cùng tích cực, nỗ lực, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam to đẹp hơn, đàng hoàng hơn theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục