Chuyện cứu trợ vùng lũ: ''Hãy giúp cái dân cần thay vì cái mình có''

Những ngày qua câu chuyện cứu trợ luôn là đề tài “nóng” trên khắp các “mặt trận,” từ cộng đồng xã hội cho đến bên lề nghị trường kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV...
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu bên hành lang nghị trường ngày 23/10. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giữa tâm điểm cứu trợ đồng bào vùng lũ miền Trung, những ngày qua câu chuyện cứu trợ luôn là đề tài “nóng” trên khắp các “mặt trận,” từ cộng đồng xã hội cho đến bên lề nghị trường kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV...

[Đại biểu Dương Trung Quốc: ''Lòng tin không thể có từ sự áp đặt…'']

Tranh thủ thời gian nghỉ giải lao ngắn ngủi giữa cuộc thảo luận sáng nay, ngày 23/10 của Quốc hội, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Xuân Thu đã có cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề trên.

Về câu chuyện Thứ trưởng nói: Cán bộ vùng lũ  lấy lương khô 'quà' cho gia đình...

- Thưa bà, hôm qua trong cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình về vấn đề hàng cứu trợ vào miền Trung, Thứ Trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Lê Chiêm nhắc đến việc có hiện tượng cán bộ vùng lũ lấy một phần lương khô trong gói cứu trợ cho người dân làm 'quà' cho người thân... Thông tin này đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt khi mà chính gia đình các cán bộ vùng lũ cũng là đối tượng rất khó khăn cần cứu trợ.

Xin bà chia sẻ quan điểm về vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu: Tôi nghĩ chuyện này, nếu có, chỉ là cá biệt và có thể chính gia đình cán bộ địa phương cũng cần. Họ không nghĩ đến việc làm đó ảnh hưởng tới hình ảnh chiến sỹ của chính quyền, của quân đội.

Theo tôi, vài phong lương khô, nếu không phải để cứu đói, thì không mang giá trị gì nhiều, sẽ không ai cố ý để tư lợi. Nhưng họ cũng cần phải rút kinh nghiệm. Sự việc này bên quân đội cũng như các lực lượng vũ trang đã quán triệt.

Trong lúc này, tất cả người dân đều hướng về miền Trung và bất cứ hành động sơ xuất nào tuy nhỏ cũng đều trở thành vấn đề gây bức xúc cho xã hội.

Tôi cho rằng việc này báo chí cũng nên chia sẻ, không phân tích quá sâu, bởi nó là hiện tượng nhỏ chứ không phải hiện tượng phổ biến, để rồi nhìn vào lại phủ nhận hết những cố gắng, nỗ lực của quân đội, chính quyền cũng như các lực lượng cứu trợ vừa qua.

Thực sự trận lũ này gây thiệt hại quá lớn cho người dân và thiệt hại ngay chính lực lượng đi cứu nạn, cứu hộ… Ở đó chính quyền, quân đội cũng đã phải chịu trách nhiệm rất lớn và họ đã làm hết sức mình.

- Theo bà, cần giám sát công tác cứu trợ như thế nào cho đúng với Nghị định 64/2008/NĐ-CP?

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu: Để giám sát công tác cứu trợ, Chính phủ cũng đã giao cho các cơ quan chức năng với phương châm 4 tại chỗ. Ở nơi nào xảy ra thiên tai thì chính quyền và lực lượng cứu hộ, cứu nạn ở đó phải thực hiện nhiệm vụ về công tác cứu hộ, cứu nạn đồng thời cũng phải giám sát việc đó.

Người dân gói bánh tét ủng hộ đồng bào miền Trung. (Ảnh: TTXVN)

Còn khi ở quy mô rộng hơn là một vùng, một tỉnh thì Chính phủ có lực lượng để chỉ đạo thực hiện công tác cứu hộ đồng thời giám sát các tổ chức, trong đó có Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, các tổ chức chính trị xã hội cũng được giao nhiệm vụ vừa động viên, giúp đỡ người dân vừa giám sát hoạt động cứu trợ để việc cứu hộ cứu, trợ thực sự hiệu quả và tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Công tác cứu trợ: Cần tuân thủ 3 nguyên tắc

- Thưa bà, câu chuyện miền Trung lũ lụt và việc cộng đồng hướng về vùng lũ để ủng hộ đã diễn ra rất nhiều năm, nhiều lần rồi nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc tiếp nhận ủng hộ ở ta chưa kịp thời, trong khi người dân trong vùng lũ họ cần sự hỗ trợ rất gấp.

Vậy bà kiến nghị thế nào về việc thay đổi cách thức tiếp nhận cho người dân và đẩy nhanh tốc độ cứu trợ?

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu: Thực ra ở Việt Nam năm nào cũng có nhiều nơi xảy ra thảm họa thiên tai, mỗi lần như thế người dân cả nước luôn mong muốn được đến tận nơi trợ giúp bằng nhiều hình thức khác nhau. Đó là nhu cầu chính đáng.

Tuy nhiên, theo quy định về cứu trợ quốc tế, có 3 nguyên tắc cần tuân thủ: Nguyên tắc thứ nhất là không phân biệt đối xử đối với người ở những vùng xảy ra thảm họa; Nguyên tắc thứ 2 là không tạo áp lực cho những người tại đó, kể cả nạn nhân, chính quyền và các lực lượng để họ không bị áp lực thêm những công việc khác; Nguyên tắc thứ 3, phải giúp những gì người dân cần thay vì giúp những gì mình có.

Chính vì thế, cần phải có các tổ chức chuyên nghiệp làm công tác cứu trợ và cần điều phối của chính quyền, của các lực lượng chức năng, và đặc biệt tổ chức như Hội Chữ thập đỏ là tổ chức chuyên nghiệp trong công tác nhân đạo.

Nếu chúng ta hành động tự phát sẽ dẫn đến bị rối loạn. Như hiện nay trong Quảng Bình có rất nhiều đội cứu trợ vào nhưng phương tiện không có, không đủ điều kiện tiếp cận những gia đình, địa điểm sâu bên trong, thành ra những điểm dễ tiếp cận nhận được nhiều còn nhiều nơi khó khăn rất cần lại không có.

- Lại nói về chuyện nhiều cá nhân vừa qua đã chủ động kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm và trực tiếp đi vào vùng lũ cứu trợ người dân miền Trung gần như ngay lập. Tuy nhiên, trong Nghị định 64/2008/NĐ-CP lại quy định chỉ có các tổ chức mới được thực hiện hoạt động cứu trợ. Quan điểm của bà trước thực tế này?

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu: Họ là người trung gian, và được ủy thác, theo luật thì được phép. Họ cũng không đại diện cho một tổ chức nào để làm việc đó. Tôi cho rằng họ hoàn toàn có quyền, vấn đề là họ làm như thế nào để tiền của những người ủy thác đến đúng người, đúng nơi. Thậm chí làm sao để không bị lợi dụng từ phía nguồn của người muốn tài trợ, bởi cũng có những trường hợp lợi dụng từ thiện để “rửa tiền.”

Đặc biệt, nếu nguồn tiền đó phân phối không công bằng, không có tiêu chí rõ ràng như tổ chức nhân đạo đang làm thì có thể phát sinh nhiều tiêu cực trong xã hội, thậm chí gây mất đoàn kết trong cộng đồng. Người được nhận cứu trợ người không sẽ gây tâm lý phân bì, chưa nói đến việc sẽ hỗ trợ cái gì, cái gì cần ngay, cái gì cần lâu dài. Vấn đề này, những người làm từ thiện có lẽ cũng cần suy nghĩ để giúp được nhiều nhất mà không bị mang tiếng.

Lực lượng công an huyện Lệ Thủy lội nước, đưa hàng cứu trợ đến những gia đình bị cô lập trong nước lũ. (Ảnh: TTXVN)

Tôi cũng hy vọng trường hợp ca sỹ Thủy Tiên sẽ chọn được cho mình cách làm tốt để hình ảnh của mình giữa đời thường vẫn sẽ sáng đẹp, được mọi người trân quý.

Người đi cứu trợ nên liên hệ với chính quyền địa phương

- Như bà có chia sẻ, việc cá nhân đứng ra làm từ thiện lớn như Thủy Tiên sẽ gặp phải rủi ro rất lớn về mặt pháp lý. Theo quan điểm của bà, để tránh rủi ro cho các cá nhân, về luật có cần kiến nghị sửa đổi luôn trong Nghị định 64/2008/NĐ-CP có thêm một chương quy định cho cá nhân làm từ thiện không?

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu: Trong Nghị định 64 vẫn có một điểm khuyến khích cá nhân, những người có thể tham gia làm công tác thiện nguyện tự nguyện. Chúng ta cũng phải tôn vinh nếu họ làm đúng, không vi phạm luật và đặc biệt là không bị lợi dụng từ nhiều tổ chức, cá nhân khác trong công tác từ thiện. Còn nếu việc làm của họ không chính đáng hay có mục tiêu gì đó cũng phải xem xét.

Do đó, tôi khuyên mọi người nên liên hệ với chính quyền địa phương, các cơ quan đầu mối trong đó như Ban Cứu trợ, nơi tiếp nhận viện trợ như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, các hội đoàn để cùng nhau thực hiện tốt nhiệm vụ này.

- Bộ Tài chính vừa đề nghị sửa Nghị định 64/2008/NĐ-CP, trong đó quy định 3 tổ chức được tiếp nhận nguồn ủng hộ và cá nhân không được tiếp nhận các nguồn từ thiện. Bà nghĩ sao về vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu: Nghị định 64/2008/NĐ-CP thực chất để áp dụng cho các tổ chức được Nhà nước giao làm nhiệm vụ từ thiện, và đây là một hình thức quản lý của Nhà nước đối với các tổ chức có nhiệm vụ được gia, như Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các quỹ xã hội từ thiện… và không áp dụng cho cá nhân. Vì thế, nếu lấy Nghị định 64 áp dụng vào trường hợp cô ca sỹ Thủy Tiên cũng không đúng.

Nghị định 64 đã ban hành lâu rồi, đến nay cần sửa đổi một số điều nhằm giúp nhà nước quản lý tốt các nguồn viện trợ, các nguồn đóng góp của cộng đồng để không bị thất thoát, không bị lợi dụng và đặc biệt nó được vận động, phân phối được đúng người, đúng nơi, đúng lúc và hiệu quả.

- Xin cảm ơn bà!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục