SEA Games hay Olympic

Chuyện cuối tuần: SEA Games 26 hay Olympic 2012?

Ai cũng biết SEA Games nặng tính "hội làng," còn Olympic mới là đỉnh cao, nhưng đến kỳ khai hội là ngành thể thao lại rầm rộ ra quân.

Chủ đề nóng nhất trong làng thể thao tuần qua là chuyện ban tổ chức SEA Games 26 thay đổi lịch thi đấu của môn bóng đá nam, theo đó trận đấu giữa Việt Nam và Brunei diễn ra vào lúc 8 giờ sáng. Dĩ nhiên, sau đó ban tổ chức đã điều chỉnh lại do vấp phải sự phản đối của các bên liên quan, song những gì vừa diễn ra một lần nữa cho thấy tính chất “ao làng” của đại hội thể thao khu vực.

Tính chất này còn được thể hiện rõ ở nội dung các môn thi đấu, bởi ngoài những môn cơ bản nằm trong hệ thống thi đấu Olympic thì SEA Games 26 còn có cả những “trò chơi” khá xa lạ với người hâm mộ Việt Nam như dù lượn, leo tường, patin…, rồi thậm chí cả môn đánh bài Bridges mà nhiều người nói trắng ra là… đánh phỏm!

Điều đáng nói là ai cũng hiểu rõ cái đích cao nhất của thể thao Việt Nam vẫn là đấu trường Olympic, nhưng cứ đến kỳ “hội làng” là ngành thể thao lại dốc toàn lực cho đấu trường khu vực, với mức đầu tư dàn trải cho cả những môn mà ai cũng biết là chúng ta tham gia chỉ để đáp lễ nước chủ nhà.

Chẳng hạn như để tham dự môn võ Shorinji Kempo ở SEA Games sắp tới thì ngành thể thao đã thành lập một đội tuyển với thành phần vận động viên được gom từ các môn võ khác nhau Muay Thai, Teakwondo.

Trong lúc đó, khi vận động viên Phan Thị Hà Thanh bất ngờ giành được huy chương đồng tại giải vô địch Thể dục dụng cụ thế giới tổ chức tại Nhật Bản hôm 15/10, kèm theo suất vào thẳng Olympic London 2012 hiếm hoi của thể thao Việt Nam, nhiều người mới “bỗng dưng” nhận ra rằng môn thể thao có từ thời…Olympic cổ đại này dường như đang bị lãng quên.

Báo chí vào cuộc phản ánh trang thiết bị tập luyện của đội tuyển hết sức cũ kỹ, nam tập chung với nữ, cả năm chỉ có một vài bận ra nước ngoài thi đấu. Trong một bài viết trên Thể thao & Văn hóa, ông Nguyễn Hồng Minh, người từng nhiều lần dẫn đoàn thể thao Việt Nam thi đấu tại SEA Games, cay đắng đặt câu hỏi tại sao trong số những vận động viên được quan tâm đầu tư đặc biệt trong năm 2011 để giành thành tích cao không có tên Phan Thị Hà Thanh?

Quay lại với SEA Games 26, thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu sẽ giành khoảng 70-80 huy chương vàng, đồng thời lọt vào tốp 3 trên bảng xếp hạng toàn đoàn. Nếu chúng ta đạt được chỉ tiêu này thì đó hẳn là điều đáng mừng, và bản báo cáo mừng công hẳn sẽ rất dài. Còn nếu không đạt được thì cũng… chẳng sao, bởi ai cũng xác định rõ, SEA Games chỉ là “hội làng,” còn Olympic mới là mục tiêu hàng đầu.

Chỉ có điều, càng gần đến Olympic 2012, nơi mà thể thao Việt Nam đặt chỉ tiêu giành 20-30 suất chính thức dự giải thì mục tiêu ấy lại càng xa vời. Bởi ngay cả những niềm hy vọng lớn nhất, được đầu tư trọng điểm như Trương Thanh Hằng, Văn Ngọc Tú… cũng đang chưa nhìn thấy tấm vé tới London.../.

* Chuyên mục xuất hiện vào thứ Bảy hàng tuần trên mục Thể thao.

 
Hoài Sa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục