Bà Merkel và ông Goetz

Chuyện cuối tuần: Bà Merkel, ông Goetz và xe Mifa

Thay vì học hỏi những hình mẫu của bóng đá chuyên nghiệp như Bundesliga, chúng ta vẫn cứ đắm đuối với những giải đấu như SEA Games.

Khi Thủ tướng Đức Angela Merkel lên đường sang thăm Việt Nam, hẳn bà cũng đã được những người cộng sự điểm lại những dấu ấn trong quan hệ Đức – Việt. Trong đó, ngoài những thành tựu hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục… cũng không thể không nhắc tới việc đội tuyển bóng đá Việt Nam hiện đang được dẫn dắt bởi một huấn luyện viên người Đức, ông Falko Goetz.

Có một điểm chung giữa bà Merkel và ông Goetz là cả hai người đều xuất thân từ Đông Đức. Mà Đông Đức (tức nước Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây) thì luôn hiện diện trong tâm trí nhiều thế hệ Việt Nam như là một chuẩn mực về phương diện kinh tế. Nói nôm na, cứ những gì xuất xứ từ Đức đều là tốt cả, chẳng hạn như chiếc xe máy Simson, xe đạp Mifa hay chiếc áo lông, những thứ tài sản vô cùng giá trị trong thời bao cấp. Quan niệm đó đương nhiên vẫn tiếp tục được duy trì khi nước Đức đã thống nhất. Tỷ dụ như các thương hiệu xe hơi Đức, Mercedes, BMW hay Audi đều là biểu tượng cho sự thành đạt.

Trong bóng đá cũng vậy, Đức luôn luôn đứng vào hàng ngũ những đội tuyển ưu tú nhất hành tinh (và có lượng cổ động viên hùng hậu ở Việt Nam). Họ cũng đang phô trương sức mạnh khủng khiếp bằng thành tích toàn thắng ở vòng loại Euro 2012 vừa kết thúc. Mà đội tuyển Đức thành công, phần lớn là nhờ vào nền tảng từ Bundesliga, một trong những mô hình bóng đá chuyên nghiệp kiểu mẫu trên thế giới.

Quay trở lại với trường hợp của ông Goetz. Vị chiến lược gia người Đức cũng chính là huấn luyện viên có bản lí lịch “hoành tráng nhất” trong số các ông thầy ngoại của đội tuyển Việt Nam, khi từng dẫn dắt Hertha Berlin thi đấu ở Bundesliga. Đương nhiên, điều đó cũng đi kèm với sự kỳ vọng, rằng ông thầy người Đức sẽ giúp bóng đá Việt Nam chấm dứt được cơn khát vàng ở đấu trường SEA Games đã kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ qua (lần gần nhất là năm 1959, khi còn gọi là SEAP Games).

Thực tế, trước ông Goetz thì cũng có một người Đức đã in đậm dấu ấn đối với bóng đá Việt Nam là ông Karl Heinz Weigang, thậm chí là từ khi còn dẫn dắt đội tuyển miền Nam những năm 1960. Sau này, chính ông Weigang là người giúp đội tuyển Việt Nam thống nhất có được danh hiệu đầu tiên kể từ thời hội nhập, với chiếc huy chương bạc ở SEA Games 18. Cho đến giờ, đó vẫn là giới hạn cao nhất của bóng đá Việt Nam ở đấu trường này, mà giờ đây, ông Goetz đang đứng trước sứ mệnh phải vượt qua cái ngưỡng ấy.

Tuy nhiên, đó hẳn là một nhiệm vụ khó khăn, khi mà thế hệ U23 lần này được đánh giá là không có nhiều ngôi sao được người hâm mộ quen mặt, biết tên những những giải đấu trước. Đó là chưa kể đến chuyện mất quân đang gây không ít trở ngại cho quá trình chuẩn bị của thầy trò ông Goetz.

Trong khi đó, cần nhắc lại là sức ép đối với đội U23 là vô cùng lớn. Nó không chỉ đến từ bản lí lịch hoành tráng của ông Goetz, mà còn đến từ khoản tiền (hứa) thưởng lên tới 1 triệu USD đang được treo trước mặt các cầu thủ trẻ. Sức ép lớn còn đến từ quan niệm đã ăn sâu vào suy nghĩ của những nhà quản lý cũng như người hâm mộ, coi chiếc huy chương vàng bóng đá nam như mục tiêu quan trọng nhất của đoàn thể thao Việt Nam ở mỗi kỳ SEA Games, cho dù giờ ai cũng thừa nhận đó chỉ là giải đấu theo kiểu “ao làng.”

Mà nên nhớ, đã 52 năm qua, bóng đá Việt Nam chưa từng đăng quang ở đấu trường này. Con số đó nhiều hơn 3 năm so với số tuổi của ông Falko Goetz (sinh năm 1962), hơn 4 năm so với số tuổi của Bundesliga (từ 1963).

Thế nên, câu hỏi đặt ra là thay vì đặt sức ép lên vai các cầu thủ trẻ, tại sao những người làm quản lý không tìm cách học hỏi mô hình bóng đá chuyên nghiệp kiểu mẫu kia, mà lại ra sức níu kéo mô hình bóng đá bao cấp có quá nhiều bất cập. Chẳng lẽ, chúng ta vẫn chỉ muốn cưỡi Mifa đi dự SEA Games hơn là phóng Mercedes tới những giải đấu tầm cỡ thế giới?./.

 
Hoài Sa (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục