Chuyến công du của Chủ tịch nước: Gửi đi thông điệp "đối tác tin cậy"

Chuyến thăm Cuba và dự Phiên thảo luận Khóa 76 ĐHĐ LHQ của Chủ tịch nước thúc đẩy quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Cuba, thể hiện Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Triển khai chương trình đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao năm 2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm hữu nghị chính thức Cuba từ ngày 18-20/9/2021, tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Khóa 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc và thực hiện một số hoạt động song phương tại Hoa Kỳ từ ngày 21-24/9/2021.

Chuyến thăm hữu nghị chính thức Cuba và tham dự Phiên thảo luận cấp cao Khóa 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc, tiến hành các hoạt động song phương tại Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, Chỉ thị 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa Việt Nam và Cuba, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế đi vào chiều sâu, thể hiện Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế; gửi đi thông điệp ở cấp cao nhất tới bạn bè quốc tế về hình ảnh đất nước Việt Nam năng động, đổi mới, khát vọng phát triển, yêu chuộng hòa bình, đề cao chủ nghĩa đa phương; thể hiện vai trò, vị thế là thành viên có trách nhiệm, đóng góp thực chất vào các hoạt động của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế.

Quan hệ đặc biệt hiếm có

Quan hệ ngoại giao Việt Nam-Cuba được thiết lập ngày 2/12/1960, trên cơ sở nhiều điểm tương đồng. Thời điểm đó, nhân dân Việt Nam tập trung nỗ lực thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

[Chuyến thăm đa mục tiêu với ý nghĩa quan trọng của Chủ tịch nước]

Ở phía Tây bán cầu, nhân dân Cuba cũng phải đương đầu với sự chống phá ác liệt của các thế lực đế quốc, phản động để bảo vệ chính quyền non trẻ do Tổng Tư lệnh Fidel Castro đứng đầu.

Mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Cuba đã được các lãnh tụ cách mạng tiền bối José Martí, Fidel Castro, Hồ Chí Minh, cũng như các thế hệ lãnh đạo Cuba và Việt Nam dày công vun đắp, ngày càng đơm hoa kết trái.

Những năm gần đây, quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống, ủng hộ và hợp tác toàn diện anh em Việt Nam-Cuba không ngừng được quan tâm củng cố, thúc đẩy và phát triển trên mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế-thương mại, an ninh-quốc phòng, nông nghiệp, xây dựng, giáo dục, y tế, công nghệ sinh học, giao thông, thể dục-thể thao...

Hai bên duy trì trao đổi thường xuyên đoàn các cấp thăm lẫn nhau. Nổi bật có các chuyến thăm Cuba của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (4/2012 và tháng 3/2018), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (3/2014), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (9/2015), Chủ tịch nước Trần Đại Quang (11/2016), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự tang lễ Lãnh tụ Fidel Castro (11/2016)… và các chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Fidel Castro (2/2003), Chủ tịch Raul Castro (7/2012), Chủ tịch Quốc hội Esteban Lazo Hernández (6/2017)...

Trước tác động của đại dịch COVID-19, lãnh đạo cấp cao và các bộ, ngành hai nước tiếp tục duy trì trao đổi qua hình thức trực tuyến.

Gần đây nhất là các cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Thứ nhất Raul Castro (9/2/2021); Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Miguel Mario Díaz-Canel (5/5 và 27/7/2021); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Miguel Mario Díaz-Canel (23/8/2021); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Manuel Marrero Cruz (1/7/2021)…

Sáng 9/2, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Bí thư Thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro Ruz. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Hai bên cũng tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế Ủy ban hợp tác liên Chính phủ (Khóa 38 tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 30/12/2020); Hội thảo lý luận lần IV giữa hai Đảng (La Habana, 11/2018), Đối thoại Chính sách Quốc phòng cấp Thứ trưởng Quốc phòng (Đối thoại lần III vào tháng 9/2019); Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao (Phiên V được tổ chức tại La Habana vào tháng 9/2019, Phiên VI tổ chức theo hình thức trực tuyến đầu tháng 3/2021)...

Trao đổi thương mại giữa hai nước giảm mạnh do tác động của dịch COVID-19, trong đó chủ yếu Việt Nam xuất siêu.

Một điểm nhấn trong hợp tác thương mại, ngày 1/4/2020, Hiệp định thương mại Việt Nam-Cuba ký ngày 9/11/2018 đã chính thức có hiệu lực với nhiều cam kết ưu đãi thương mại mới, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp hai nước và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa song phương.

Về hợp tác nông nghiệp, Việt Nam hỗ trợ Cuba thông qua nhiều chương trình, dự án có ý nghĩa.

Dự án hợp tác hỗ trợ Cuba phát triển sản xuất lúa gạo quy mô hộ gia đình giai đoạn 2011-2015 với tổng số vốn đầu tư 43 triệu USD đã đạt kết quả tích cực.

Các dự án hỗ trợ Cuba sản xuất ngô, đậu tương và nuôi trồng thủy sản đã kết thúc giai đoạn 1 và đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2.

Hai bên đang tiếp tục nghiên cứu và triển khai các dự án nông nghiệp-thủy sản khác, trong đó Chính phủ ta đã phê duyệt Dự án “Hợp tác Việt Nam-Cuba phát triển sản xuất lúa gạo giai đoạn 2019-2023” và bước đầu đưa vào triển khai.

Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đang hỗ trợ bạn phát triển cây ngô cao sản thông qua việc cung cấp giống và chuyển giao kỹ thuật.

Trong các lĩnh vực đầu tư khác, một số doanh nghiệp Việt Nam đang thúc đẩy các dự án đầu tư về viễn thông, xây dựng hạ tầng du lịch, hạ tầng khu công nghiệp, vật liệu xây dựng, sản xuất bột giặt và tã lót tại Đặc khu Phát triển Mariel. Trước những thay đổi về chính sách quản lý kinh tế, môi trường đầu tư của bạn, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm đầu tư tại Cuba.

Trong lĩnh vực ngoại giao đa phương, hai bên duy trì quan hệ hợp tác ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc. Gần đây, Việt Nam bày tỏ ủng hộ Cuba ứng cử vào Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2021-2023; tích cực thúc đẩy, hỗ trợ Cuba ký kết Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC/ASEAN) (10/11/2020).

Cuba đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam

Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập Liên hợp quốc, tổ chức đóng vai trò trung tâm trong xây dựng luật pháp quốc tế, gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột và ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Quan hệ hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc trong hơn 40 năm qua đã góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia, dân tộc, duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế; làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Việt Nam với các nước, các đối tác chủ chốt và bạn bè, tranh thủ một nguồn lực quan trọng phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Hai bên đang tích cực triển khai Kế hoạch Chiến lược chung giai đoạn 2017-2021 giữa Việt Nam và Liên hợp quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Một Liên hợp quốc đã được ký tháng 7/2017. Chương trình này tập trung hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 và các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs).

Trong đại dịch COVID-19, đến nay Việt Nam đã nhận được hơn 12 triệu liều vaccine từ Cơ chế COVAX.

Các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, đặc biệt là Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hỗ trợ Việt Nam trên 5 lĩnh vực: chuẩn bị khẩn cấp y tế cộng đồng; giám sát, đánh giá rủi ro, điều tra và phản ứng với dịch bệnh; phòng thí nghiệm; kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm và quản lý lâm sàng; truyền thông rủi ro.

Các tổ chức Liên hợp quốc cũng đưa ra hướng dẫn phòng, chống COVID-19 cho trẻ em, người lao động và toàn xã hội; có 2 báo cáo tổng hợp đánh giá tác động của COVID-19 tại Việt Nam và khuyến nghị biện pháp ứng phó.

Về phần mình, Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia vào nỗ lực chung của Liên hợp quốc trong việc giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, thúc đẩy quyền con người. Việt Nam đã tích cực tham gia thương lượng và ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân 2018 và là nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước.

Việt Nam đã cử 243 lượt sỹ quan quân đội theo các suất đơn lẻ làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục gìn giữ hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc; triển khai 3 lượt bệnh viện dã chiến số 2 tại Phái bộ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan; là một trong những nước có tỷ lệ nữ tham gia cao nhất trong các nước cử quân (12%).

Sỹ quan của lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam tặng quà cho trẻ em tại Phân khu Tây trong chuyến tuần tra và làm việc với chính quyền địa phương cùng Tư lệnh Phái bộ ở Nam Sudan (tháng 11/2020). (Ảnh: NVCC)

Với việc được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2020-2021) với số phiếu cao kỷ lục 192/193 phiếu ủng hộ, Việt Nam, trên cương vị này, đã phát huy được vai trò, chủ động và tích cực tham gia đóng góp vào công việc chung của Hội đồng Bảo an trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng; đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng, tìm giải pháp, đáp ứng quan tâm chung của cộng đồng quốc tế; thúc đẩy quan hệ song phương với các nước thành viên Hội đồng Bảo an và phát huy “vai trò kép” Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN 2020.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục hợp tác tích cực với các cơ chế Liên hợp quốc về quyền con người, bảo vệ Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) và các báo cáo thực thi công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, đồng thời đang ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Phối hợp tốt với Liên hợp quốc trong công cuộc chống đại dịch COVID-19, Việt Nam đã đề xuất Nghị quyết về việc lấy ngày 27/12 hàng năm là ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh và đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua với 112 quốc gia đồng thuận, Việt Nam cũng đã đóng góp 50.000 USD cho Quỹ ứng phó COVID-19 của WHO, 500.000 USD cho Chương trình COVAX.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên Việt Nam đã tiếp nhận và điều trị thành công bệnh nhân là nhân viên Liên hợp quốc nhiễm COVID-19 theo Cơ chế Nhóm Công tác sơ tán y tế toàn cầu của Liên hợp quốc (MEDEVAC) và tiến tới sẽ thành lập Trung tâm MEDEVAC tại Việt Nam sau khi thỏa thuận, thống nhất các nội dung cụ thể với phía Liên hợp quốc.

Trong gần 45 năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc có ý nghĩa to lớn từ giai đoạn tái thiết đất nước sau chiến tranh, đến thời kỳ phá thế bao vây cấm vận và từng bước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc đạt kết quả tốt và có tác dụng tích cực, vừa đáp ứng được yêu cầu, lợi ích của Việt Nam trong từng giai đoạn, vừa góp phần tăng cường vai trò, tiếng nói và “dấu ấn” đóng góp của Việt Nam tại Liên hợp quốc.

Những kết quả này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của Việt Nam và Liên hợp quốc trong việc khắc phục những mặt còn tồn tại, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của Liên hợp quốc trong thời kỳ mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục