Chuyến công du châu Phi "lấp đầy khoảng trống" của ông Tập Cận Bình

Có ý kiến cho rằng những tính toán của Trung Quốc đối với châu Phi là nhằm biến Lục địa Đen thành nơi Bắc Kinh có thể chi phối ảnh hưởng của mình.
Chuyến công du châu Phi "lấp đầy khoảng trống" của ông Tập Cận Bình ảnh 1Thủ tướng UAE Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum (giữa, phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa, trái) tại lễ đón ở Abu Dhabi ngày 19/7. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Sputnik News/Business Daily, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bắt đầu chuyến công du tới 5 quốc gia Trung Đông và châu Phi, dự kiến gồm Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Senegal, Rwanda, Nam Phi và Mauritius.

Trong khuôn khổ chuyến đi, đáng chú ý nhất là việc ông sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nền kinh tế mới nổi (BRICS) kéo dài trong 2 ngày tại thủ đô Johannesburg của Nam Phi, sự kiện được khai mạc vào ngày 25/7.

Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên của Sputnik News, phó giáo sư Mauricio Santoro, người đứng đầu Khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Rio de Janeiro, cho rằng Trung Quốc quan tâm tới Lục địa Đen vì rất nhiều lý do, tuy nhiên lý do quan trọng nhất chính là vì nguồn tài nguyên thiên nhiên của lục địa này.

Trung Quốc đang rất khát dầu mỏ, quặng sắt và nhiều khoáng sản khác trong khi châu Phi lại có tất cả những gì họ cần và là mảnh đất hứa hẹn nhiều cơ hội bởi châu Phi có những khoảng trống về hạ tầng cơ sở rất lớn mà Trung Quốc có thể bù đắp và đổi lấy những nguyên liệu họ cần với chi phí rẻ.

Ông cũng cho rằng việc tiếp cận châu Phi còn đem lại cho Trung Quốc thêm nhiều ảnh hưởng chính trị trong các tổ chức đa phương.

Ông bình luận: "Nếu Trung Quốc có thể hoàn tất một thỏa thuận với một nước châu Phi thì điều đó đồng nghĩa với việc họ có thêm phiếu ở Liên hợp quốc, và cũng có nghĩa là Trung Quốc có thể chen vào khoảng trống mà các quốc gia như Mỹ, châu Âu hay Brazil đã để lại trong khu vực."

Theo ông Santoro, Brazil đã có những chính sách đối ngoại quan trọng với châu Phi song do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế trong những năm vừa qua, Brazil đã phải tạm dừng nhiều sáng kiến hợp tác với khu vực. Trong khi đó, Trung Quốc nhận thức được tầm quan trọng của châu Phi và cách mà họ có thể giành lợi thế từ sự lơ là của các quốc gia khác.

Có ý kiến cho rằng những tính toán của Trung Quốc đối với châu Phi là nhằm biến Lục địa Đen thành nơi Bắc Kinh có thể "chi phối ảnh hưởng như với các thuộc địa", song ông Santoro không đồng tình.

[Trung Quốc "tăng tốc" trong chiến lược Trung Đông-châu Phi]

Ông lập luận: “Trong những năm gần đây, khi Trung Quốc bắt đầu để tâm nhiều hơn tới châu Phi, không ít nhà chỉ trích, nhất là ở các nước phương Tây bắt đầu nói rằng đó là một hình thức thực dân kiểu mới. Rằng Trung Quốc đang tái diễn những gì châu Âu từng làm. Song tôi không cho là vậy, lấy ví dụ, họ không chiếm đất đai, vì thế không thể nói rằng họ đang thuộc địa hóa khu vực."

Ông Santoro cho rằng Trung Quốc đang gặp nhiều thách thức trong việc củng cố ảnh hưởng của mình tại châu Phi bởi quốc gia này thiếu kinh nghiệm, thiếu sự kết nối với người dân và hiểu biết về văn hóa của châu Phi.

Ông nói: “Có rất nhiều khó khăn trong việc xúc tiến đối thoại chính trị ở cấp cao với các nước châu Phi."

Chuyến công du châu Phi "lấp đầy khoảng trống" của ông Tập Cận Bình ảnh 2Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Rwanda Paul Kagame tại cuộc họp báo sau hội đàm ở Kigali ngày 23/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhật báo Business Daily nhận định châu Phi là một trong những thị trường đang phát triển nhanh nhất thế giới vì vậy nguy cơ thiệt hại do sự hiện diện của các khoản thuế mới mà Mỹ và Trung Quốc áp đặt trong cuộc chiến thương mại cùng những rào cản phi thuế quan khác chắc chắn sẽ là nguyên nhân khiến cả hai nền kinh tế này tìm cách thâm nhập sâu hơn vào các thị trường tại châu Phi. Chuyến công du châu Phi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được nhiều chuyên gia xem là nhằm phục vụ phần nào mục tiêu ấy.

Nam Phi là quốc gia đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ 10 của khối BRICS, vì vậy dư luận đang rất chú ý tới những kết quả có thể đạt được của sự kiện này, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại trỗi dậy mạnh mẽ và cuộc chiến thương mại mà Mỹ phát động với nhiều đồng minh cũng như các đối tác.

Ông Santoro cho rằng các ngoại trưởng của BRICS đã nhấn mạnh vấn đề quan trọng nhất mà họ phải xử lý tại thượng đỉnh lần này chính là tìm cách ứng phó với làn sóng bảo hộ trên toàn cầu. Điều mà họ muốn là tìm cách xử lý hiệu quả cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cuộc chiến sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều quốc gia và đem lại thiệt hại cho tất cả các bên.

Nhiều người kỳ vọng tại hội nghị thượng đỉnh của BRICS sắp tới, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ công bố một số đề xuất nhằm củng cố sự hợp tác trong BRICS. Phó Giáo sư Santoro cho rằng trụ cột chính của BRICS là hợp tác kinh tế, và đó cũng là khía cạnh mà các nước trong khối đang đạt những thành tựu quan trọng.

Ông bình luận: “Một trong những nội dung sẽ được đưa ra thảo luận tại Nam Phi là kế hoạch cải cách Quỹ Tiền tệ Quốc tế theo hướng khích lệ sự tham gia của các nước đang phát triển."

Ngoài ra, ông cũng cho rằng BRICS sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn trong các lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, khoa học và công nghệ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục