Sau cùng thì tàu cũng rời cảng Tiên Sa. Gió bắt đầu phần phật từ sông lớn lộng lên từ phía mũi tàu, nơi cả chục phóng viên đang ngồi nhìn đất liền dần xa khuất. Tàu CSB 2013 chòng chành bắt đầu cuộc hải trình dài ngày ra với Hoàng Sa.
Nhà báo kỳ cựu Nguyễn Như Phong, Tổng biên tập Báo Năng lượng mới bảo với cánh phóng viên: Đây là chuyến đi để đời của người cầm bút và điểm chúng tôi đang tới là “tọa độ nóng” nhất trên biển Đông mênh mông.
Những cuộc chia tay không trọn vẹn
Chiều thứ ba trên biển. Giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) hiện rõ rệt hơn bao giờ hết dưới nắng chiều đang lấp lóa chân sóng. Tàu hải cảnh Trung Quốc vẫn quần đảo không thôi với các tàu Cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam. CSB 8003 cũng vừa mới thoát ra khỏi sự truy đuổi quyết liệt của một tàu Trung Quốc.
Nhà báo Hoàng Sang (Vietnamnet), đã đen nhẻm sau mấy ngày đội nắng, ngồi nhìn ra xa xăm. Sau một ngày làm việc căng mình, anh kể lại câu chuyện về ngày trước khi anh ra khơi. Anh bảo, anh nhận tin mình được ra biển chỉ cách lúc xuất phát 3 ngày.
“Ban đầu, vợ anh rất bình tĩnh, chỉ lẳng lặng động viên và chuẩn bị hết đồ đạc cho chồng. Nhưng tới sáng cuối cùng, khi ra sân bay, vợ anh lại khóc nức nở, bảo hay chồng đừng đi nữa,” một nụ cười lành lẽ nở trên môi gã đàn ông hơn 30 tuổi đã xạm đi vì nắng gió.
Cuộc chia tay ở sân bay cứ dùng dằng trong nước mắt như thế, mãi tới khi anh phải bảo vợ: Anh đi vì công việc, cũng là vì trách nhiệm của người cầm bút chị mới thôi.
Có những người, thậm chí, tới tận lúc sóng điện thoại chập chờn rồi mất hẳn ngoài khơi xa cũng vẫn rắn rỏi không gọi về thông báo về chuyến đi có một không hai trong đời cầm bút với người thân.
Đăng Khoa, tay máy ảnh cự phách của báo Nhân dân trầm tư khi nhớ về những ngày trước khi lên tàu CSB.
“Ngay khi nhận được tin báo từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, tôi chỉ lẳng lặng thu dọn máy móc và đồ nghề rồi dặn vợ: Anh sẽ đi công tác với quân đội vào vùng không phủ sóng điện thoại,” anh Khoa tâm sự.
Và cứ thế là đi. Biền biệt cách cả trăm cây số, cách cả tiếng người qua điện thoại. Anh bảo, anh không muốn người ở nhà phải lo lắng khi anh đang ở vùng biển nóng nhất. Bởi, có đôi khi, như anh bảo, ở nhà còn cồn cào hơn cả người đầu sóng.
Vững vàng ở tiền tiêu
Đối với những nhà báo, phóng viên, được ra biển trong những ngày này là một niềm hạnh phúc khó tả.
Nhà báo Nguyễn Như Phong, năm nay đã 60 tuổi mặc dù đã quá quen với những chuyến hải trình dài ngày. Nhưng với cây bút kỳ cựu từng lăn lộn khắp nơi ấy, chuyến ra biển lần này vẫn vô cùng đặc biệt. Ông bảo, đời làm báo hạnh phúc nhất là được có mặt ở tiền tiêu thế này, được ghi nhận và truyền tải về cho hàng nghìn người ở hậu phương những tư liệu quý ở thực địa.
Thế nên, dù cao tuổi nhất đoàn, nhà báo Như Phong vẫn chẳng chịu thua kém những người trẻ tuổi. Sáng nào cũng thế, từ 5 giờ sáng, ông đã dậy. Rồi máy ảnh, điện thoại vệ tinh, ông leo lên mũi tàu, nhìn đăm đắm về phía khoảng chục tàu Trung Quốc đang chạy. Cứ thế, hết cabin rồi xuống đuôi sau, nhìn ông, chẳng ai nghĩ đấy là Tổng biên tập đã lớn tuổi của làng báo.
Trong số hàng chục cây bút và tay máy tôi đã gặp qua trên chuyến đi đặc biệt của mình, có không ít người không quen biển, bị sóng nhồi lắc cho lả người đi nhưng vẫn không chịu rời trận địa.
Nhà báo Hồng Chuyên (Báo điện tử Infonet) có lẽ là người xác lập kỷ lục với làng báo về sức chịu đựng bền bỉ và ghê gớm nhất của mình. Tính tới lúc kết thúc chuyến đi, anh đã có gần đủ 10 ngày không ăn một hột cơm nào vào bụng. Sóng lớn, tàu nhỏ, gió thổi xoay bốn bề cùng những cuộc rượt đuổi không thôi đã khiến anh lử đử sóng. Đi còn không vững, thế nên cứ ăn là anh nôn ra. Thực phẩm duy nhất khiến anh trụ qua từng ấy ngày “ở với” Hoàng Sa chỉ là một chiếc xúc xích mỗi bữa cùng vài phong lương khô mang sẵn từ nhà.
Ấy thế mà, mỗi lần phát hiện tàu Trung Quốc truy đuổi tàu ta hay có máy bay tuần thám chao lượn trên đầu, gã đàn ông nhỏ thó lại thoăn thoắt leo từ phòng lên boong, chụp, quay, ghi chép, gọi điện về cơ quan và rồi lại… quay lơ với sóng. Nhịp điệu hàng ngày cứ thế, đều đặn cho tận tới ngày tàu về lại cảng Tiên Sa.
Anh bảo: Những lúc phát hiện tàu Trung Quốc đâm va, truy đuổi tàu kiểm ngư và cảnh sát biển, anh lại quên hết cơn say của mình. Trong đầu chỉ còn là công việc, là nỗi bất bình không sao nguôi nổi với hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế của phía Trung Quốc.
Căng mình với sóng gần 1 tháng có lẽ là một kỷ lục nữa được xác lập bởi ê kíp của Đài truyền hình Việt Nam.
Nhà báo Mạnh Cường là một trong những nhà báo có mặt ở Hoàng Sa trong những ngày đầu tiên. Tính tới thời điểm cuối tháng 5, anh cùng các đồng nghiệp đã có gần 20 ngày gắn chặt với hơi biển. Anh có mặt trên tàu kiểm ngư khi tàu Trung Quốc đâm va và phun vòi rồng thẳng vào cửa kính. Anh lại lênh đênh cùng tàu CSB 2016 khi tàu Trung Quốc hung hãn húc thủng 4 lỗ ở phía mạn phải tàu. Nhưng những lúc ngồi cùng chúng tôi, anh vẫn cứ cười nhẹ tênh như chừng ấy thứ chỉ là chuyện… vặt vãnh. Đến tận lúc đoàn chúng tôi về, anh vẫn tiếp tục bám trụ điểm nóng Hoàng Sa.
Với người cầm bút, mỗi chuyến đi, mỗi một con người đã từng chạm mặt đều để lại những dấu ấn không thể vơi trong cả cuộc đời. Nhưng chuyến ra với biển tiền tiêu, với tọa độ nóng những ngày tháng 5 ấy còn dạy cho những người cầm bút một bài học xương máu và thiết thực nhất về tình yêu Tổ quốc và niềm tin từ chính ngòi bút của mình.
Vẫn sẽ có những Hoàng Sa vững vàng khác nữa trên trang viết của người làm báo Việt Nam./.