Chuyện chưa kể về chuyến công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nhắc lại câu chuyện gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Bạch Thị Khôi, cán bộ tiền khởi nghĩa ở phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn xúc động nói, Tổng Bí thư thật hiền hòa, chu toàn và sâu sắc.
Bà Lã Thị Thảo, vợ cán bộ lão thành cách mạng Nguyễn Xuân Khoát ở phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn cùng cháu xem lại ảnh chụp cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm, tặng quà cho gia đình vào ngày 25/8/2023. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Đã gần một năm kể từ ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm và làm việc với Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh (ngày 25/8/2023), song nhiều người dân xứ Lạng vẫn cảm thấy như mới hôm qua về một người lãnh đạo bình dị, gần dân, luôn lạc quan, vui vẻ với nụ cười thường trực trên môi.

Những ký ức khó quên

Chị Nguyễn Bích Thủy ở phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn nhớ lại, hôm ấy nghe được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đến thăm, tặng quà cho gia đình chính sách ở địa phương vào đầu giờ chiều 25/8/2023, từ sáng người dân dọc tuyến đường Ngô Gia Tự đã bảo nhau ngừng bán hàng, đến trưa tập trung ra hai bên đường tay cầm cờ, hoa chào đón Tổng Bí thư.

Khi Tổng Bí thư đến nơi, vẫn phong thái bình dị quen thuộc, bác dừng lại bên đường vẫy tay chào toàn thể nhân dân khiến ai ai cũng thấy ấm áp, xúc động, tự hào. “Nay nghe tin Tổng Bí thư đã ra đi về cõi vĩnh hằng theo các vị lão thành cách mạng tiền bối của Đảng, nhân dân vô cùng xót thương. Nhà nhà treo cờ rủ để tưởng niệm Tổng Bí thư,” chị Thủy nghẹn ngào.

Bà Lã Thị Thảo (vợ của ông Nguyễn Xuân Khoát, cán bộ lão thành cách mạng ở phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) - người vinh dự được gặp Tổng Bí thư kể, hôm ấy Tổng Bí thư đến hỏi thăm, tặng quà, gia đình vô cùng hạnh phúc. Tổng Bí thư ân cần, thăm hỏi từng thành viên trong gia đình, căn dặn những người cao tuổi cần phát huy vai trò “Tuổi cao gương sáng” để con cháu noi theo. Thế hệ trẻ phải chăm sóc tốt cho những người có công với cách mạng, nhất là thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng, xã hội bằng việc làm thiết thực, cụ thể trong công việc, ở vị trí công tác, việc làm của mình đóng góp hết khả năng để xây dựng quê hương, đất nước...

Nhắc lại câu chuyện gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Bạch Thị Khôi, cán bộ tiền khởi nghĩa ở phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn xúc động nói, Tổng Bí thư thật hiền hòa, chu toàn và sâu sắc. Ngay khi xuống xe ôtô, Tổng Bí thư đã quay ra chào bà con nhân dân đang đứng khá đông bên đường. Khi bước vào nhà, Tổng Bí thư động viên bà Khôi hãy giữ gìn sức khỏe.

Bà Bạch Thị Khôi, cán bộ tiền khởi nghĩa ở phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn cùng con gái treo cờ rủ để tưởng nhớ, tri ân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Tổng Bí thư hỏi thăm về những gian khó trong buổi đầu tham gia hoạt động cách mạng của bà khi mới 14 tuổi ở thị trấn Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng và bảo rằng, chính những đóng góp âm thầm của mỗi người dân như bà đã làm nên chiến thắng của dân tộc ta trong các cuộc kháng chiến, đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Đây là những lời căn dặn ý nghĩa với cá nhân bà Khôi cũng như toàn dân nói chung để mỗi người tùy vào sức mình tích cực tham gia, góp sức xây dựng quê hương, đất nước...

Lời dạy sâu sắc

Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Lạng Sơn ngày 25/8/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất vui vẻ, cởi mở và tinh tế. Qua những câu chuyện, bài phát biểu, Tổng Bí thư nhắn nhủ Đảng bộ, quân và dân xứ Lạng về những nhiệm vụ trọng tâm, cốt yếu, có tính chất sống còn đối với vùng đất phên giậu của Tổ quốc.

Tặng Đảng bộ, quân và dân tỉnh Lạng Sơn bức ảnh Bác Hồ đang ngồi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Tôi tặng ảnh Bác Hồ là mong các đồng chí luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác."

Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, Tổng Bí thư chăm chú lắng nghe báo cáo tổng quát về kết quả phát triển kinh tế-xã hội cũng như kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư đã đánh giá toàn diện, đưa ra 5 vấn đề lớn để Lạng Sơn nghiên cứu, thực hiện đó là: Tỉnh cần tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, tăng cường mối quan hệ láng giềng hữu nghị, tin cậy với Quảng Tây, Trung Quốc; kết hợp chặt chẽ, hài hòa hơn nữa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, làm tốt công tác cán bộ; coi trọng chăm lo xây dựng, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; chăm lo đầy đủ và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị...

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh rất đau buồn trước sự ra đi của Tổng Bí thư và sẽ đoàn kết tiếp tục phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo, những lưu ý, gợi mở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với tỉnh; đồng thời nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, tỉnh Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2030 có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 8-9%/năm.

Năm 2030, GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt khoảng 150 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 340 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2-3%/năm (theo chuẩn nghèo của các giai đoạn). Đến năm 2030, cơ bản tỉnh không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục