Như Vietnam+ đã đưa tin, đầu tháng 12/2011, anh Phạm Văn Tùng, sinh năm 1971 tại Hà Nội có phản ánh việc văn phòng luật sư Tràng Thi đã “bỏ rơi” thân chủ là cháu anh tại phiên tòa sơ thẩm. Theo anh Tùng, anh đã ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với văn phòng luật sư này để văn phòng cử luật sư tham gia bào chữa để bảo vệ cho cháu anh ở các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, đến đầu tháng 10/2011, khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, anh Tùng lại không thấy bất cứ ai từ văn phòng luật sư Tràng Thi xuất hiện tại tòa. Để làm rõ hơn vấn đề này, Vietnam+ đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Đình Khỏe - Trưởng Văn phòng luật sư Tràng Thi. Ông Khỏe khẳng định không hề có chuyện văn phòng của ông bỏ rơi thân chủ tại tòa. Nguyên nhân chính là do bản thân thân chủ đã nêu rõ quan điểm không yêu cầu luật sư bào chữa ngay từ giai đoạn đầu tiên là giai đoạn điều tra. “Đúng là vào ngày 12/8/2011, anh Tùng có mời Văn phòng chúng tôi tham gia bào chữa cho bị can Phạm Công Chúc. Sau khi ký hợp đồng, bản thân tôi đã mang hồ sơ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Hai Bà Trưng để làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận người bào chữa cho anh Chúc vào ngày 15/8,” luật sư Khỏe cho hay. Bản thân Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Hai Bà Trưng cũng đã có Biên bản tiếp nhận hồ sơ của văn phòng luật sư Tràng Thi. Tuy nhiên, đến ngày 26/8, bị can Phạm Công Chúc lại có Bản kiểm điểm trong đó nói rõ, bị can này “không yêu cầu luật sư bào chữa.” Do vậy, đến ngày 5/9, cơ quan điều tra đã mời luật sư Khỏe đến trụ sở Công an quận Hai Bà Trưng để thông báo về việc từ chối cấp giấy chứng nhận người bào chữa theo thông báo số 620 Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Hai Bà Trưng. “Bị can từ chối luật sư bào chữa ngay từ giai đoạn này dẫn đến việc tôi không được cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Chiếu theo điều 58 Bộ Luật Tố tụng Hình sự, tôi không thể tiếp tục bào chữa cho anh Chúc tại Tòa hình sự sơ thẩm nữa,” vị trưởng văn phòng luật sư Tràng Thi nhấn mạnh.
Bản kiểm điểm ghi rõ không cần luật sư bào chữa
Ông Khỏe cũng cho biết thêm, ngay sau khi nhận được thông báo của cơ quan cảnh sát điều tra về việc bị can từ chối luật sư, ông đã trực tiếp gọi điện thoại cho anh Tùng để thông báo về sự việc và mời anh Tùng đến văn phòng để thanh lý hợp đồng. “Mặc dù vậy, anh Tùng không hề có ý kiến gì đến lúc phiên tòa xét xử anh Chúc tiến hành xong,” luật sư Khỏe khẳng định. Sau đó, ông Khỏe cũng đã nhiều lần liên hệ với anh Tùng qua điện thoại nhưng không được. Đến ngày 22/11, văn phòng quyết định gửi giấy mời trực tiếp đến anh Tùng, đề nghị anh đến văn phòng thanh lý hợp đồng. “Thậm chí, khi anh Tùng bận và nhờ người báo dời hẹn sang một ngày khác, chúng tôi cũng đã gửi giấy mời lần thứ 2 vào ngày 24/11 với thiện chí giải quyết dứt điểm sự việc. Vậy mà, đến cuối tháng 11, anh Tùng lại đến văn phòng tỏ thái độ bất hợp tác,” vị trưởng văn phòng luật sư này cho hay. Bản thân anh Tùng cũng xác nhận đã được thông báo về việc cháu anh là Phạm Công Chúc đã có bản kiểm điểm từ chối luật sư bào chữa cũng như việc ông Khỏe không được cấp chứng nhận quyền bào chữa. Khi nhận được giấy mời giải quyết sự việc từ văn phòng Tràng Thi, anh Tùng cũng xác nhận sự việc thông qua việc gửi văn bản ghi rõ anh bận công việc và yêu cầu được chuyển ngày giải quyết sang một dịp khác.
Văn bản xác nhận việc anh Tùng đã nhận được thông báo của văn phòng Tràng Thi
Luật sư Khỏe cho rằng hợp đồng đã ký giữa văn phòng mình và anh Tùng là hợp đồng dân sự và đã có sự thỏa thuận, nhất trí của hai bên. Việc ông Khỏe không thể tiếp tục tham gia bào chữa cho bị can là việc bất khả kháng. Bản thân ông cũng đã thông báo với anh Tùng và yêu cầu thanh lý hợp đồng nhưng không được chấp nhận. “Vì vậy, không thể nói tôi bỏ rơi thân chủ tại tòa được. Chúng tôi đã hoàn thành đầy đủ trách nhiệm của mình trong sự việc này và cũng cố gắng giải quyết sự việc sau đó một cách thiện chí, nhằm đảm bảo quyền lợi của cả đôi bên,” luật sư Nguyễn Đình Khỏe khẳng định./.
Sơn Bách (Vietnam+)