Chuyển biến địa chính trị trên bàn cờ Trung Đông

Động thái của UAE là một nước đi mới trên bàn cờ Trung Đông hiện nay, trong đó có 2 khối riêng biệt được hình thành, đối địch lẫn nhau và tiềm tàng nguy cơ bùng nổ xung đột vũ trang bất kỳ lúc nào.
Chuyển biến địa chính trị trên bàn cờ Trung Đông ảnh 1Israel và UAE đã đạt một thỏa thuận bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao, do Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian. (Nguồn: Getty Images)

Theo trang mạng asiatimes.com, sau tuyên bố đầy kịch tính của Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) về việc bình thường hóa quan hệ với Israel, một sự kiện được phần lớn báo chí phương Tây hoan nghênh, trong một động thái cũng kịch tính không kém, UAE đã huy động không quân tham gia tập trận huấn luyện chung với Hy Lạp.

Lẽ tự nhiên là động thái này ít thu hút sự quan tâm của truyền thông và giới bình luận. Tuy nhiên, không nên phóng đại ý nghĩa của sự kiện này khi xét đến tuyên bố của một quan chức quân sự hàng đầu của Israel rằng Thổ Nhĩ Kỳ là mối đe dọa nguy hiểm đối với Israel và khu vực, thậm chí còn hơn cả Iran.

Từ đánh giá này có thể suy ra động thái của UAE là một nước đi mới trên bàn cờ Trung Đông hiện nay, trong đó có 2 khối riêng biệt đang được hình thành, đối địch lẫn nhau và tiềm tàng nguy cơ bùng nổ xung đột vũ trang bất kỳ lúc nào.

Một liên minh không chính thức đang trong quá trình hình thành, có thể bao gồm Ai Cập, Hy Lạp, Israel, UAE, Bahrain, Oman và sớm muộn sẽ có thêm Saudi Arabia, đối đầu với một liên minh cũng không chính thức, nhưng hiện hữu rõ, gồm Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và các lực lượng ủy nhiệm của Tehran ở Iraq, Syria, Liban, Gaza và Yemen, cùng với Jordan và Kuwait hiện vẫn đang cố gắng duy trì vị trí trung lập một cách khó khăn. Có mọi lý do để tin rằng hai khối này sẽ được củng cố, khiến các cuộc đối đầu tiếp diễn và ngày càng nghiêm trọng hơn.

[Israel và UAE thúc đẩy việc mở Đại sứ quán tại mỗi nước]

Trong toàn bộ vấn đề này, người ta cho rằng cái cớ thảm hại mà Israel viện ra để thành lập một chính phủ ở Jerusalem sẽ không làm chệch hướng quá trình bình thường hóa quan hệ với UAE - bằng cách tránh những sai lầm nghiêm trọng trong tương lai như tuyên bố công khai, trong đó nhấn mạnh thỏa thuận non trẻ (về việc Mỹ bán máy bay tiêm kích tàng hình cho UAE bất chấp lo ngại từ đồng minh Israel) không cho phép Mỹ bán F-35 cho UAE, mà Washington đã ngay lập tức bác bỏ.

Điều này khiến người ta phải đặt câu hỏi về vai trò của những quốc gia ngoài khu vực, cụ thể là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pakistan và một số nước châu Âu.

Dưới thời chính quyền Donald Trump, quan điểm của Mỹ hết sức rõ ràng: Washington ủng hộ mạnh mẽ liên minh chống Thổ Nhĩ Kỳ/Iran. Không nên quá nhấn mạnh thực tế là ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Địa Trung Hải và Trung Đông đã suy giảm: Washington vẫn rất tích cực về mặt ngoại giao và có lực lượng không quân và hải quân đáng kể trong khu vực, những lực lượng mà họ sẽ không ngần ngại sử dụng.

Mỹ có thể là người khổng lồ đang bị thương nhưng dù sao họ vẫn là một gã khổng lồ, và phần còn lại của thế giới nên ghi nhớ điều đó.

Vấn đề quan trọng hơn, thực tế là kể từ ngày 20/1/2021, chính quyền Trump có thể bị thay bằng chính quyền của Joe Biden, và nếu điều đó xảy ra, gần như chắc chắn chính quyền mới ở Washington sẽ giảm đáng kể mong muốn và sự sẵn sàng tham gia cùng liên minh Saudi Arabia/Israel/UAE để chống lại liên minh Iran/Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như khôi phục chính sách hợp tác với Iran của chính quyền Barack Obama.

Pakistan ủng hộ mạnh mẽ liên minh Iran-Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng bản thân Pakistan đang quá yếu nên chắc chắn chỉ có vai trò không đáng kể.

Tầm quan trọng của các vị thế mà Trung Quốc và Nga đảm nhận còn bí ẩn hơn. Trung Quốc rõ ràng quan tâm đến việc tăng cường hiện diện ở Trung Đông/Đông Địa Trung Hải, thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường và các căn cứ hải quân ở Gwadar, thành phố cảng của Pakistan, và Djibouti nằm ở cửa ngõ ra vào Biển Đỏ. Trung Quốc có quan hệ thân thiết với Israel, khiến Mỹ và các quốc gia vùng Vịnh Arab khó chịu.

Tuy nhiên, họ cũng quan hệ tốt với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, do đó chiến lược tổng thể của Bắc Kinh có khả năng là cố gắng duy trì quan hệ tốt đẹp với cả hai liên minh mới nổi, một nỗ lực chưa rõ có khả thi hay không về trung hạn. 

Vai trò tương lai của Nga quan trọng hơn. Nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã giành được ưu thế chiến lược ở Biển Đen và thành công trong việc tăng cường sự hiện diện đáng kể ở Đông Địa Trung Hải, qua việc can thiệp quân sự vào cuộc nội chiến ở Syria và thiết lập căn cứ hải quân và không quân ở bờ biển quốc gia Trung Đông này.

Nga cùng với Pháp ủng hộ lập trường của Hy Lạp/Cyprus liên quan đến nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tạo ra một khu vực thống trị “kinh tế” ở Đông Địa Trung Hải, trải dài từ eo biển Bosporus đến Libya, không những đe dọa Hy Lạp, Cyprus mà còn cả Ai Cập.

Nga duy trì quan hệ tốt với Israel và các quốc gia Vùng Vịnh, nhưng cũng có quan hệ vừa phải với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Nói cách khác, khả năng của Putin trong việc tung hứng liên tục với các lực lượng khác nhau trong khu vực sẽ được thử thách nghiêm ngặt trong tương lai. 

Xem xét tất cả các yếu tố này, rõ ràng là các liên minh đối lập sẽ tiếp tục được củng cố (ngoại trừ sự thay đổi chế độ của những “người chơi”). Ảnh hưởng từ bên ngoài sẽ tiếp tục đến từ nhiều phía, nhất là nếu Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 tới.

Khả năng xảy ra xung đột vũ trang giữa các liên minh sẽ buộc các “người chơi” bên ngoài phải chọn phe hoặc từ bỏ mọi ảnh hưởng đến kết cục của ván cờ.

Không ai trong chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai. Và trong trường hợp này, tương lai là một ẩn số vừa sáng lạn vừa mờ mịt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục