Cho dịp năm mới 2014, hưởng ứng lời kêu gọi của tổ dân phố, tôi lên dãy phố Hàng Bông, Hàng Gai (Hà Nội) để mua cờ Tổ Quốc cho cả gia đình bên nội, ngoại và vài người bạn.
Hồ hởi rẽ vào một cửa hàng bán cờ, tôi hỏi mua 20 lá cờ. Tuy nhiên, khi cờ được đưa ra, tôi chợt nhận thấy ngôi sao in trên lá cờ có vẻ như có gì đó không chuẩn. Lật từng lá cờ, tôi thấy điều mình ngờ ngợ là đúng. Hình ngôi sao trên những lá cờ đều bị lệch sang một bên (đỉnh ngôi sao quay ngang).
Nhìn lại lá cờ rất to được treo ngay mặt tiền cửa hàng để quảng cáo, ngôi sao cũng nằm nghiêng như vậy. Đem thắc mắc này hỏi chủ cửa hàng, người bán hàng nhìn tôi như người... từ hành tinh khác đến.
“Ơ, cái cô này lạ nhỉ! Tôi bán hàng ở đây gần hết cả đời chẳng có ai thắc mắc lá cờ in, thêu thế nào, quay dọc hay quay ngang, cứ đủ năm cánh vàng, nền đỏ tươi là được.
Mà theo cô thì thế nào là đúng chuẩn, ai đưa ra cái quy định chuẩn đó?” người chủ cửa hàng thao thao nói.
Khi tôi bỏ đi tìm sang hàng khác, còn được nghe với một câu từ người bán hàng ấy: “Ôi dào lắm chuyện, hàng nào chả thế...”
Lững thững đi gần hết các cửa hàng bán cờ dọc Hàng Bông, Hàng Gai… tôi nhận thấy nhiều cửa hàng bán cờ có sản phẩm bị sai, dù không hoàn toàn.
Nhưng điều đáng nói là họ đều không biết, không để ý xem thế nào là sai, thế nào là chuẩn.
Tôi chợt nhớ đến câu chuyện “lá cờ cầm ngược” đã xôn xao dư luận tại cuộc thi Hoa hậu quý bà Thế giới 2013 được tổ chức vào tháng 11/2013 vừa qua. Đại diện của Việt Nam-Trần Thị Quỳnh bị “lên án” là cầm cờ Tổ Quốc treo ngược để trình diễn trên sân khấu…và chợt tự hỏi, có khi nào, cô Quỳnh cũng như ban tổ chức cũng chỉ ra đây, mua đại một cái cờ, mang đi…
Chứng kiến việc đi tìm cờ của tôi, bác Phùng Quý (70 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) đang cho cháu đi chơi trên phố, tham gia câu chuyện và nói: “Các bạn thanh niên, dù là những người được học hành, đào tạo qua nhiều trường lớp nhưng không phải ai cũng biết những chuyện tưởng như là đương nhiên của một công dân như vậy.
Bác bảo, đừng vội trách các em hời hợt hay không yêu nước, không có lòng tự hào dân tộc vì các em đã luôn có ý thức mang cờ tổ quốc trong những chuyến đi phượt, đi chinh phục đỉnh núi cao, hay đi cổ vũ thể thao…
“Vấn đề là, hình như, trên ghế nhà trường, sự dạy dỗ về vấn đề này có lẽ chưa được cặn kẽ và thường xuyên.
Việc quản lý sản xuất cờ theo quy chuẩn đã được ban hành từ Hiến pháp năm 1992 chưa được coi trọng, dẫn đến nhiều sai sót như vậy. Mà căn bản hơn là, những người bán, người may quốc kỳ không được hướng dẫn, quy định về quy chuẩn của một lá quốc kỳ,” người đàn ông ấy băn khoăn.
Theo lời chỉ dẫn của chủ cửa hàng bán cờ, tôi tìm về một gia đình có truyền thống may cờ tổ quốc ở xã Lê Lợi (Thường Tín, Hà Nội), chị Đào T. D. chia sẻ: “Gia đình tôi có truyền thống may Quốc kỳ từ nhiều đời nay.
Mọi thành viên trong gia đình đều có ý thức rất sâu sắc rằng, đây là một công việc thiêng liêng và rất tự hào. Bởi vậy, mọi khâu trong quá trình làm cờ đều phải hết sức cẩn trọng.
Chị kể, mọi khâu từ chọn vải, thêu, in... đều phải rất kỳ công; để mỗi chiếc cờ sau khi may xong không chỉ đảm bảo chuẩn về kích thước, tỷ lệ mà còn phải sắc nét.
Chị cho biết, vải may cờ phải là vải sa mua từ làng La Khê (Hà Đông); còn chỉ là chỉ mua từ làng Triều Khúc (Thanh Xuân). "Nếu ngôi sao bị lệch một chút thôi là sản phẩm bị hỏng hoàn toàn và sẽ phải bỏ đi," chị nói.
Tuy nhiên, vào những thời điểm sức mua lớn (như dịp Quốc khánh,năm mới, các kỳ thể thao diễn ra ở Hà Nội...), gia đình chị phải thuê thêm thợ về may.
"Chúng tôi vẫn hướng dẫn tỷ mỷ cho thợ từng khâu của quá trình may cờ. Tuy nhiên, vì là làm thủ công, thợ mùa vụ không có tay nghề chuyên nghiệp nên đôi khi chắc cũng khó tránh sơ sót," chị D cho biết.
Chỉ tay vào những lá cờ mới may xong, chị chia sẻ: “Thú thực, vì là gia đình có nghề truyền thống nên tôi mới hiểu rõ về Quốc kỳ chứ suốt thời gian đi học, tôi không được học về ngôi sao vàng đặt trên nền đỏ như thế nào là đúng, như thế nào là sai, tỷ lệ ra sao...?”
Từ thực tế đó, có thể thấy, ngoài gia đình có truyền thống nhiều đời chuyên may cờ Tổ quốc này, thì dường như, việc hướng dẫn sản xuất, bán mặt hàng mang ý nghĩa quốc gia và đầy giá trị tự hào này đang bị lơi lỏng và thiếu công tác thanh kiểm tra.
Bởi thế, mặc dù, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 3420/HD-BVHTTDL (ngày 2/10/2012) hướng dẫn sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca và Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh)...nhưng vẫn có những lá cờ may sai được bán ra, treo trên phố.
Và vẫn có rất nhiều người không biết, thế nào là một là Quốc kỳ, chứ không phải đơn giản chỉ là cờ quạt...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 3420/HD-BVHTTDL (ngày 2/10/2012) hướng dẫn sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca và Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Văn bản ghi rõ:
Điều 141 chương XI Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992; Thông tư số 68/VHTT-TT ngày 24 tháng 8 năm 1993 của Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). “…Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh…”
- “…Điểm giữa ngôi sao vàng đặt đúng điểm giữa (điểm giao nhau của hai đường chéo) Quốc kỳ.
- Khoảng cách từ điểm giữa ngôi sao đến đầu cánh sao bằng một phần năm chiều dài của Quốc kỳ.
- Một cánh sao có trục vuông góc với cạnh dài Quốc kỳ và hướng thẳng lên phía trên theo đầu cột treo Quốc kỳ.
- Tạo hình ngôi sao: từ đầu cánh sao này đến đầu cánh sao đối diện là đường thẳng, không phình ở giữa, cánh sao không bầu.
- Hai mặt của Quốc kỳ đều có ngôi sao vàng trùng khít nhau.
- Nền Quốc kỳ màu đỏ tươi, ngôi sao màu vàng tươi...”