Chụp chiếu võng mạc có thể dự đoán nguy cơ nhồi máu cơ tim

Một nhóm nghiên cứu quốc tế đã phát triển một hệ thống dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), có thể phân tích các hình ảnh quét võng mạc và xác định ai có nguy cơ bị đau tim trong năm.
Chụp chiếu võng mạc có thể dự đoán nguy cơ nhồi máu cơ tim ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: newsnationnow.com)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học công giáo Louvain (KU Louvain) của Bỉ, Đại học Leeds và Viện Alan Turing của Anh đã thành công trong việc dự đoán nguy cơ đau tim dựa trên chụp chiếu võng mạc.

Trí tuệ nhân tạo làm nền tảng cho khám phá này.

Các bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm trên toàn thế giới. Ở Bỉ, đây là nguyên nhân của 26% số ca tử vong, cao hơn một ít so với tỷ lệ tử vong do ung thư.

Từ lâu, người ta đã biết rằng những thay đổi trong các mạch máu nhỏ của võng mạc có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch.

Đó là lý do tại sao nhóm nghiên cứu quốc tế đã phát triển một hệ thống dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), có thể phân tích các hình ảnh quét võng mạc và xác định ai có nguy cơ bị đau tim trong năm.

Nghiên cứu của họ vừa được công bố trên tạp chí Nature Machine Intelligence.

[Nghiên cứu khả năng dùng nọc độc nhện cứu người nhồi máu cơ tim]

Giáo sư Alex Frangi thuộc KU Louvain, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: "Đó là điều mà chưa ai làm được trước chúng tôi. Kỹ thuật của chúng tôi có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong việc phát hiện các vấn đề về tim. Máy quét võng mạc tương đối rẻ và đã được các bác sĩ nhãn khoa sử dụng rộng rãi. Nhờ sàng lọc tự động với AI của chúng tôi, những bệnh nhân có nguy cơ cao có thể được xác định và can thiệp nhanh hơn."

Để huấn luyện AI cho nghiên cứu, hệ thống đã được trang bị hơn 5.000 bản quét võng mạc và tim do cơ sở dữ liệu Biobank của Anh cung cấp.

Nhờ cuộc "sàng lọc" khổng lồ này, hệ thống đã có thể xác định được sự hiện diện của những thay đổi nhỏ trong mạch máu của võng mạc có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành.

Giáo sư Alex Frangi giải thích: "Hệ thống có thể xác định những rủi ro liên quan đến các đặc điểm cụ thể của những mạch máu, tùy thuộc vào việc chúng mỏng hơn, dày hơn hay xoắn. Nó cũng có thể dự đoán nguy cơ nhồi máu cơ tim trong vòng một năm, dựa trên tuổi và giới tính của bệnh nhân, với độ tin cậy từ 70 đến 80%."

Trí tuệ nhân tạo có thể đo kích thước của tâm thất trái (một trong bốn ngăn của tim) chỉ dựa trên quét võng mạc. Trong trường hợp cơ tim bị giãn hoặc phì đại tâm thất trái (LVH), tim sẽ mất tính đàn hồi và không thể bơm lượng máu cần thiết.

Ngày nay, sự phì đại này chỉ có thể được đo bằng siêu âm tim hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Do đó, nó có thể được thực hiện trong tương lai bởi bác sỹ nhãn khoa, trong các cuộc kiểm tra định kỳ khi sử dụng máy quét để chẩn đoán các bệnh về mắt nguyên phát, thoái hóa điểm vàng do tuổi tác hoặc bệnh võng mạc tiểu đường.

Khám phá này mở ra triển vọng chẩn đoán sớm các vấn đề về tim.

Theo Giáo sư Alex Frangi, nhờ sàng lọc tự động, những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh cao có thể được chuyển đến các cơ sở tim mạch chuyên biệt. Hệ thống cũng có thể được sử dụng để theo dõi các dấu hiệu đầu tiên của bệnh tim.

Giáo sư Alex Frangi nhấn mạnh: "Những gì chúng tôi cần phát triển bây giờ là một nguyên mẫu thương mại mà chúng tôi có thể thử nghiệm trên thực địa, với các bác sỹ và bệnh nhân khác nhau"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục