Chụp cắt lớp não để nhận dạng và đo mức độ cơn đau

Các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công dùng phương pháp quét não để đo độ đau đớn của bệnh nhân và xác định  phương pháp điều trị.
Các nhà khoa học có thể lạc quan tin rằng rồi đến lúc họ sẽ đo được những cảm xúc như lo lắng, buồn bực hay tức giận, sau khi một nhóm nhà nghiên cứu Mỹ dùng phương pháp quét não để nhận dạng và đo mức độ đau đớn của bệnh nhân, cũng như xác định mức độ hiệu quả của phương pháp điều trị.

Kết quả nghiên cứu của họ đã được đăng tải trên Nhật báo Y khoa New England số ra ngày 10/4.

Chuyên gia thần kinh học của trường Đại học Colorado đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, ông Tor Wager cho biết trong công tác điều trị bệnh hiện nay vẫn chưa có phương pháp chính thức nào đo được mức độ cơn đau hay cảm xúc của bệnh nhân, ngoài cách làm truyền thống là hỏi trực tiếp người bệnh. Song biện pháp này không thực sự đáng tin cậy do lời nói của người bệnh thường mang yếu tố chủ quan.

Nhóm các nhà khoa học đã tiến hành bốn bước thí nghiệm đối với 144 tình nguyện viên khỏe mạnh. Các tình nguyện viên này được yêu cầu chịu đựng nhiều mức độ nhiệt khác nhau, từ ấm cho đến rất nóng ở phần cánh tay, trong khi các nhà khoa học theo dõi não họ bằng máy cộng hưởng từ.

Trong quá trình thí nghiệm, các nhà khoa học phát hiện não người phát ra một tín hiệu thần kinh riêng biệt mỗi khi đau đớn. Dựa vào tín hiệu này, các nhà khoa học có thể xác định mức độ đau đớn của người bệnh với độ chính xác 90-100%.

Ở một số thí nghiệm khác liên quan, nhóm tác giả còn phát hiện tín hiệu não bộ này chỉ phát ra khi người bệnh đau đớn về thể chất và thể hiện được tác dụng của thuốc giảm đau. Khi các tình nguyện viên được tiêm thuốc giảm đau, quan sát cho thấy tín hiệu thần kinh biểu hiện đau đớn phát ra từ não bộ giảm xuống.

Phương pháp đo mức độ cơn đau bằng chụp cắt lớp não vẫn cần phải được nghiên cứu sâu hơn trước khi được đưa ra ứng dụng rộng rãi, tuy nhiên các nhà khoa học hy vọng trong tương lai, phát hiện mới này trong tương lai sẽ giúp giảm nhẹ các nỗi đau bệnh tật ở con người cũng như thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục