Chụp ảnh phản cảm ở hồ sen: Giáo dục giới trẻ theo hướng nào?

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu cho rằng, đối với việc giáo dục nhận thức cho giới trẻ, không nên đặt vấn đề chung chung như trong các báo cáo, nghị quyết, chương trình công tác…
Chụp ảnh phản cảm ở hồ sen: Giáo dục giới trẻ theo hướng nào? ảnh 1Cộng đồng mạng đặt ra nghi vấn về việc diễn viên hài Lê Dương Bảo Lâm dàn dựng clip bị đánh để thu hút sự chú ý. (Ảnh cắt từ clip)

Thời gian gần đây, cộng đồng mạng “dậy sóng” trước nghi vấn diễn viên hài Lê Dương Bảo Lâm dàn dựng clip bị đánh khi phát cơm từ thiện trước cổng bệnh viện, nữ diễn viên Thu Hương tung bộ ảnh khỏa thân phản cảm chụp tại đầm sen… nhằm “đánh bóng” tên tuổi, thu hút sự chú ý của khán giả.

Sáng 11/6, bên lề Kỳ họp thứ bảy (Quốc hội khóa XIV), ông Nguyễn Huy Thái (Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu) đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

- Thưa đại biểu, quan điểm của ông thế nào về những hiện tượng gây xôn xao dư luận những ngày gần đây như chuyện một diễn viên nữ chụp ảnh phản cảm hay chuyện một nam diễn viên hài vướng nghi vấn dùng chiêu trò (dàn cảnh bị đánh) để 'đánh bóng' bản thân?

Đại biểu Nguyễn Huy Thái: Những hiện tượng như trên xảy ra khá nhiều trong xã hội thời gian gần đây. Không ít khán giả đặt ra nghi vấn nghệ sỹ dàn dựng chiêu trò để nổi tiếng, còn người trong cuộc thì luôn nói, họ là nạn nhân.

Ở một góc độ nào đó, nhu cầu được nổi tiếng (đặc biệt là với những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, giải trí) là điều có thể hiểu và thông cảm. Đã là diễn viên thì lẽ thường tình, ai cũng muốn được khán giả nhớ tới. Tuy nhiên, việc được nhớ tới theo cách thức, với hình ảnh như thế nào lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

[‘Hành động của người mẫu Ngọc Trinh là sự lệch chuẩn văn hóa’]

Cá nhân tôi cho rằng, với bất cứ nghề nghiệp lương thiện nào, nếu muốn đi đường dài thì cũng cần “ăn chắc mặc bền.” Theo quan niệm của Phật giáo, khi có duyên thì mọi sự sẽ tới. Còn trong trường hợp cố tình dùng mọi cách thức, chiêu trò để nổi tiếng thì có thể sẽ gây phản tác dụng. Hoặc nhân vật trong câu chuyện sẽ được nhắc tới, nổi lên trong một giai đoạn, thời điểm nhất định nhưng tâm thế, sự tương tác của khán giả với nhân vật đó có phải là sự trân trọng, quý mến thực tâm không? Sự nổi tiếng không được xây dựng bằng chính tài năng, bản lĩnh thực sự thì khó có thể bền chặt theo thời gian.

Khi mới bước chân vào “làng” giải trí mà nghệ sỹ trẻ có tâm thế tiến thân bằng mọi giá, sử dụng chiêu trò theo kiểu “khổ nhục kế” để được nổi tiếng thì kết cục sẽ khó có hậu. Khi sự nổi tiếng ập tới quá nhanh, quá sớm mà bản thân nghệ sỹ chưa đủ bản lĩnh, chuẩn bị tâm thế tiếp nhận, hòa nhịp thì sẽ rất dễ dẫn tới những biểu hiện, hành vi, cách ứng xử “lệch chuẩn” văn hóa.

- Vậy cần đặt ra trách nhiệm của các cơ quan quản lý văn hóa như thế nào khi liên tục xảy ra những hiện tượng “lệch chuẩn” trong giới nghệ sỹ như vậy, thưa ông?

Đại biểu Nguyễn Huy Thái: Trong những trường hợp này, việc đặt vấn đề về trách nhiệm của ngành văn hóa là không sai. Các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa có phần trách nhiệm khi để xảy ra những hiện tượng như vậy. Tuy nhiên, việc dồn tất cả trách nhiệm sang ngành văn hóa là chưa thỏa đáng. Những sự việc gây xôn xao dư luận (như diễn viên chụp ảnh phản cảm rồi đưa lên mạng xã hội) thuộc về phông văn hóa của cá nhân. Nhận thức, phông văn hóa quyết định đến hành động, lối ứng xử của con người.

Mỗi cá nhân là một sản phẩm của xã hội. Tôi cho rằng, thay vì việc dồn tất cả trách nhiệm sang ngành văn hóa thì cần nhìn rộng ra về sự tương tác của các thành tố trong tổng thể chung của toàn xã hội. Hiện nay, mặt bằng chung chưa có sự đồng bộ. Nếu chỉ có lĩnh vực văn hóa siết chặt quản lý, trong khi đó các ngành khác (như giáo dục) không cùng vào cuộc thì hiệu quả sẽ không cao. Bởi vậy, cần tạo ra sự đồng bộ trong xã hội.

Chụp ảnh phản cảm ở hồ sen: Giáo dục giới trẻ theo hướng nào? ảnh 2Đại biểu Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) trao đổi với báo chí sáng 11/6, bên lề Kỳ họp thứ bảy (Quốc hôi khóa XIV). (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Tại nhiều quốc gia khác trên thế giới (như Hàn Quốc), khi nghệ sỹ dính líu tới bê bối, cộng đồng lên án rất mạnh mẽ, thậm chí “tẩy chay.” Trước áp lực, sự chỉ trích của dư luận, không ít nghệ sỹ đã phải chủ động dừng sự nghiệp. Theo ông, tại Việt Nam, có nên hình thành những “làn sóng” như vậy không?

Đại biểu Nguyễn Huy Thái: Như tôi đã nói, chúng ta cần tạo ra sự đồng bộ trong xã hội. Khi điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, đạt đến điểm nhất định thì tự khắc sẽ có sự điều chỉnh những hiện tượng, hành vi lệch lạc, nằm ngoài quỹ đạo chung. Hiện nay, nếu chúng ta dùng ý chí chủ quan để áp đặt thì cũng không được.

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, dư luận cũng tác động rất lớn đối với việc những vấn đề nổi cộm trong xã hội. Việc hình thành những luồng ý kiến phản biện tích cực, hướng đến lành mạnh hóa môi trường sống, vì sự phát triển chung của cộng đồng, xã hội là điều tốt. Điều này rất khác với việc “ném đá tập thể,” “tát nước theo mưa,” chỉ trích mà không hiểu rõ bản chất vấn đề.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, ở Việt Nam, những “làn sóng” phê phán những điều tiêu cực chưa đạt được “độ sôi” như nhiều nước khác, để đưa lại những kết quả rõ rệt hơn. Với những hiện tượng tiêu cực, dư luận xã hội có sức tác động, điều chỉnh rất lớn; chứ đôi khi, những văn bản, quy định hành chính lại chưa thực sự phù hợp.

- Nếu như vậy, không lẽ, các cơ quan chức năng cứ buông lỏng quản lý, để mặc cho những hiện tượng như Khá Bảnh tồn tại, đợi sự điều chỉnh từ cộng đồng, dư luận?

Đại biểu Nguyễn Huy Thái: Theo tôi, bên cạnh việc siết chặt việc thực thi những quy phạm pháp luật, chúng ta hãy đặt vấn đề “khuyến khích” có một định hướng giáo dục về nhận thức cho giới trẻ. Việc giáo dục này cần được thực hiện qua các phương tiện truyền thông, giáo dục trong nhà trường, tại gia đình một cách nhuần nhuyễn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Nói khác đi, cách thức phải rất “ngọt,” linh hoạt. Nếu tuyên truyền khô cứng, máy móc, khiên cưỡng thì vấn đề sẽ rất khó được tiếp thu, chấp nhận.

[Vụ Khá Bảnh: ‘Giang hồ 4.0’ và nỗi lo con trẻ xem gì trên Internet?]

Hiện nay, có một bộ phận giới trẻ (chiếm số lượng không hề nhỏ) có biểu hiện lệch chuẩn, tìm cách thể hiện bản thân, khẳng định cái “tôi” bằng những hình vi sai lệch, sử dụng thế mạnh của bản thân vào những mục đích xấu như trường hợp Khá Bảnh. Nhiều bạn trẻ cho rằng những hiện tượng nổi tiếng, thu hút sự chú ý của cộng đồng như Khá Bảnh là hình mẫu để noi theo. Điều này thực sự nguy hiểm.

Bởi vậy, nhà trường, xã hội, truyền thông cần định hướng cho giới trẻ. Cá nhân tôi cho rằng, việc giáo dục nhận thức cho thanh, thiếu niên nên đi từ những khía cạnh nhỏ, “chẻ” nhỏ vấn đề ra để phân tích, giảng giải, đừng đặt vấn đề chung chung như trong các báo cáo, nghị quyết, chương trình công tác…

- Trân trọng cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục