Chương trình kích thích của BoJ chưa thúc đẩy mạnh tiêu dùng

Số liệu thống kê sắp công bố, các hộ gia đình Nhật Bản tiếp tục cắt giảm chi tiêu và doanh số bán lẻ của nước này trong tháng Một vừa qua giảm.
Một cửa hàng ở chợ Ameyoko tại Tokyo. (Nguồn: themalaymailonline)

Số liệu thống kê sắp được công bố vào ngày 27/2 có thể cho thấy, các hộ gia đình Nhật Bản tiếp tục cắt giảm chi tiêu và doanh số bán lẻ của nước này trong tháng Một vừa qua lần đầu tiên sụt giảm trong 7 tháng qua, một tín hiệu cho thấy chương trình kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) chưa đủ sức thuyết phục người tiêu dùng về thực trạng lạm phát.

Sau khi thoát khỏi suy thoái trong quý cuối cùng của năm 2014, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang cho thấy những dấu hiệu khởi sắc, khi xuất khẩu và sản lượng kinh tế phục hồi nhờ nhu cầu từ Mỹ và châu Á vững mạnh.

Tuy nhiên, tâm lý tiêu dùng yếu đã kìm hãm chi tiêu do mức lương tăng chưa đủ để bù đắp cho việc nâng thuế tiêu dùng hồi tháng 4/2014 và làm dấy lên những nghi vấn về khả năng phục hồi thực sự của nền kinh tế.

Chi tiêu tiêu dùng yếu là “cơn đau đầu” của BoJ, dù ngân hàng này hy vọng rằng việc bơm tiền ồ ạt sẽ giúp đẩy giá cả lên và các hộ gia đình sẽ chi tiêu nhiều hơn.

Nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life Yoshiki Shinke, nhận định: “Chi tiêu của các hộ gia đình đang phục hồi, song vẫn khiêm tốn do thu nhập tăng chưa đủ cao. Nền kinh tế Nhật Bản sẽ phục hồi nhờ giá dầu thấp thúc đẩy tăng trưởng. Nếu trong tháng Ba tới mức lương cơ bản cho người lao động tăng, đó là tín hiệu tốt. Vấn đề là thời gian để các nhân tố này tạo đà cho tiêu dùng.”

Theo khảo sát của hãng tin Reuters, sản lượng công nghiệp Nhật Bản có thể tăng 2,7% trong tháng Một vừa qua so với tháng 12/2014 trong báo cáo sắp công bố. Tuy nhiên, chi tiêu của các hộ gia đình có thể giảm với tốc độ 4,1% (tính theo năm) trong tháng Một, đánh dấu tháng giảm thứ 10 liên tiếp, và doanh số bán lẻ dự báo cũng giảm 1,3%.

Các số liệu nói trên sẽ khiến BoJ chịu thêm sức ép duy trì chương trình kích thích kinh tế, cho dù Thống đốc Haruhiko Kuroda nhấn mạnh rằng ông chưa thấy cần thiết phải nới lỏng tiếp chính sách tiền tệ.

BoJ cho rằng, giá dầu thấp sẽ kéo tỷ lệ lạm phát lên trong dài hạn, khi các hộ gia đình và công ty Nhật Bản chi tiêu nhiều hơn cho các hàng hóa khác, nhờ đó thúc đẩy nền kinh tế.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nghi ngờ liệu BoJ có thể thực hiện được mục tiêu lạm phát 2% trong tài khóa bắt đầu vào tháng Tư tới hay không, khi sẽ mất ít nhất 6 tháng để những lợi thế từ giá dầu thấp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục