Chương trình Khuyến công: Khơi thông nguồn lực, giữ vững thương hiệu làng nghề

Theo đại diện Bộ Công Thương, nguồn lực của Chương trình Khuyến công tuy đã được quan tâm bố trí nhưng chưa đủ sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp trong đầu tư, phát triển sản xuất tại địa phương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định 45 về Khuyến công. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong 10 năm thực hiện Nghị định 45/CP, Chương trình Khuyến công Quốc gia đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển đời sống văn hóa-xã hội, đặc biệt ở những vùng kinh tế khó khăn, cũng như thúc đẩy sự phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, định hướng đầu tư chế biến sâu, liên kết thành chuỗi cung ứng nâng cao giá trị gia tăng của nông sản.

Tuy vậy, nhiều tồn tại, hạn chế cũng nảy sinh khi sự phát triển giữa các ngành còn chưa đồng đều, nhiều doanh nghiệp chậm đổi mới công nghệ cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề vẫn chưa được giải quyết dứt diểm, ảnh hưởng tới chất lượng cũng như thương hiệu của các sản phẩm công nghiệp nông thôn.

Đây cũng là nội dung chính được thảo luận tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến công do Bộ Công Thương tổ chức chiều 14/12, tại Hà Nội.

Chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp

Theo ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, sau 10 năm thực hiện Nghị định 45, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai được 85 đề án, từ đó góp sức đáng kể cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, mở rộng thị trường.

Tuy vậy, trong quá trình triển khai Nghị định trên, địa phương còn vướng một số vấn đề; trong đó nội dung quy mô hoạt động khuyến công chưa phong phú, chưa có đề án lớn, trọng điểm; đa phần cơ sở công nghiệp nông thôn tiềm lực tài chính hạn chế khó ứng dụng máy móc thiết bị mới…

Nguyên nhân do nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác còn hạn chế, sự phối hợp của các cấp các ngành trong triển khai công tác khuyến công chưa chặt chẽ. Từ tồn tại trên, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn; quan tâm hạ tầng kỹ thuật trong cụm công nghiệp.

“Thúc đẩy phát triển khuyến công là quá trình lâu dài, ngoài nỗ lực của địa phương công tác khuyến công quốc gia rất quan trọng, địa phương mong muốn có nhiều chính sách mạnh mẽ hơn nữa giúp địa phương thuận lợi hơn trong công tác khuyến công,” ông Trần Phước Hiền bày tỏ.

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đánh giá Nghị định số 45 về Khuyến công ban hành từ năm 2012 nên một số quy định đã bất cập so với thực tiễn triển khai.

Đơn cử, cơ chế chính sách chế độ cho chương trình còn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và các cơ sở công nghiệp nông thôn. Một số cơ sở sản xuất năng lực còn hạn chế, năng lực tiếp cận khoa học công nghệ, năng suất chất lượng, Chuyển đổi Số, kết nối giao thương, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm của các cơ sở công nghiệp nông thôn chưa cao, vòng đời sản phẩm chậm thay đổi, thông tin về nhu cầu thị trường đặc biệt là thị trường xuất khẩu còn hạn chế nên việc hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn.

“Một số cơ sở năng lực tài chính yếu, kinh phí hỗ trợ chưa cao, nhiều cơ sở chưa mạnh dạn tham gia các nội dung hoạt động Khuyến công,” bà Lan nêu thực tế.

Các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Còn theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang, hoạt động của lĩnh vực thủ công nghiệp và phát triển các làng nghề còn hạn chế. Toàn tỉnh mới có 8 làng nghề chè được công nhận, các cơ sở công nghiệp nông thôn trong làng nghề còn nhỏ lẻ, chưa mạnh dạn đầu tư ứng dụng thiết bị tiên tiến, dây chuyền công nghệ hiện đại trong sản xuất nên chưa đáp ứng yêu cầu để được hưởng chính sách khuyến công.

Vì vậy, địa phương kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn nghiên cứu, phát triển, áp dụng các giải pháp thực hiện Chuyển đổi Số trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm góp phần thực hiện chương trình Chuyển đổi Số quốc gia, khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn Chuyển đổi Số đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững.

Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn

Tháng 5/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công (Nghị định số 45/2012/NĐ-CP) thay thế Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 9/6/ 2004 về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng kinh phí từ ngân sách bố trí cho hoạt động Khuyến công Quốc gia và Khuyến công địa phương của 63 tỉnh, thành phố trong 10 năm (2013-2022) là hơn 2.535 tỷ đồng, trung bình đạt 40,23 tỷ đồng/tỉnh/10 năm và hơn 4 tỷ đồng/tỉnh/năm; trong đó kinh phí khuyến công quốc gia là 1.042 tỷ đồng, chiếm hơn 41% và kinh phí khuyến công địa phương là 1.493 tỷ đồng, chiếm gần 59%. Ngoài ra, số vốn đối ứng của các tổ chức cá nhân tham gia thực hiện và thụ hưởng chương trình trong giai đoạn 2013-2022 là hơn 10.500 tỷ đồng.

Tuy vậy, ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) thừa nhận nguồn lực của chương trình tuy đã được quan tâm bố trí nhưng chưa đủ sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trong đầu tư, phát triển sản xuất tại địa phương.

Hơn nữa, khoản kinh phí khuyến công mà cơ sở công nghiệp nông thôn được hỗ trợ để chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, xây dựng mô hình trình diễn phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới phải tính thuế thu nhập doanh nghiệp, làm giảm sức hấp dẫn của chương trình.

Cho rằng nhiều nội dung hoạt động khuyến công không được quy định nội dung chi và định mức chi do vậy có nhiều nội dung không được triển khai, ông Ngô Quang Trung khẳng định đơn vị sẽ rà soát cơ chế, chính sách hiện hành để đề xuất điều chỉnh, hoàn thiện khung pháp lý về công tác Khuyến công bảo đảm phù hợp với các chủ trương, định hướng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW.

"Cục Công Thương tiếp tục huy động mọi nguồn lực xã hội cùng tham gia đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quá trình đô thị hóa, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, khu vực biên giới, hải đảo," ông nói.

Trong khi đó, đại diện Trung tâm phát triển Thương mại điện tử (EcomViet) cho hay từ năm 2022, EcomViet đã xây dựng và vận hành Sàn thương mại điện tử hợp nhất Sanviet.vn để kết nối với các sàn Thương mại điện tử địa phương nhằm hỗ trợ các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu - tinh hoa của ngành Công Thương đến người tiêu dùng khắp mọi miền tổ quốc.

"Để tiếp tục đồng hành cùng Cục Công Thương địa phương trong thời gian tới, EcomViet sẽ tiếp tục cung cấp, giới thiệu các giải pháp phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp Khuyến công ngày càng phát triển, tự tin hòa mình vào dòng chảy của nền Kinh tế Số hiện nay," đại diện Trung tâm phát triển Thương mại điện tử thông tin thêm.

Tính đến hết năm 2022, Bộ Công Thương đã bình chọn được 1.630 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và 512 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm bố trí tăng nguồn vốn ngân sách, chú trọng lồng ghép với các chương trình mục tiêu khác để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn cho hoạt động Khuyến công đồng thời chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách của địa phương bảo đảm đồng bộ, khả thi, phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Ông Diên đề nghị các địa phương tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng công tác Khuyến công theo chuỗi ngành hàng và Chuyển đổi Số; tiếp tục đẩy mạnh công tác bình chọn, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhằm phát hiện, tôn vinh và hỗ trợ phát triển những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, góp phần phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

“Nghiên cứu kiện toàn, sắp xếp tổ chức hệ thống khuyến công theo hướng thống nhất giữ tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiệm vụ về Khuyến công ở Sở Công Thương các địa phương để thuận lợi trong triển khai các hoạt động khuyến công có tính kỹ thuật đặc thù của ngành Công Thương, cũng như quan tâm đầu tư, nâng cấp trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc của các đơn vị thực hiện nhiệm vụ khuyến công,” Bộ trưởng nhấn mạnh thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục