Tổ chức Đánh giá độc lập (IEG) nhận định chương trình hỗ trợ các nước có xung đột của Ngân hàng Thế giới (WB) chưa phát huy hiệu quả tối đa.
Báo cáo nghiên cứu của tổ chức này nhấn mạnh các chương trình xóa đói giảm nghèo của Ngân hàng Thế giới (WB) tại các nước có xung đột chưa thực sự phù hợp, chưa phát huy tối đa hiệu quả trong giúp đỡ phụ nữ tại những quốc gia này.
IEG cho rằng, trong khi đặt ưu tiên giúp đỡ 370 triệu người sống tại 33 quốc gia có thu nhập thấp và kém phát triển do phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực của xung đột vũ trang, WB cần có nhiều hơn nữa những chương trình được hoạch định phù hợp với thực tế tại mỗi nước.
Nhà phân tích Anis Dnim, trưởng nhóm nghiên cứu của IEG, cho biết đối với các mục tiêu liên quan đến phát triển cộng đồng và tăng cường năng lực công dân như cải thiện giáo dục và chăm sóc sức khỏe, các chương trình hỗ trợ của WB tại khu vực có xung đột đã ghi nhận những tiến bộ tích cực.
Tuy nhiên, đối với các mục tiêu liên quan đến việc hỗ trợ phụ nữ tại những nước trong khu vực này, các chương trình của WB không thu được nhiều kết quả.
Theo IEG, hiện WB không có những phương án dự phòng để đối phó với những rủi ro kinh tế chính trị và bất ổn do xung đột.
Bên cạnh đó, WB vẫn chưa chú trọng đúng mức đến thực trạng bạo hành phụ nữ và quyền lợi kinh tế của phụ nữ tại những nước bị ảnh hưởng bởi xung đột.
Báo cáo của IEG cũng cho rằng các chương trình của WB quá chú trọng đến việc hỗ trợ các cựu binh, chủ yếu là nam giới, trong giai đoạn hậu xung đột, mà ít chú ý tới những nạn nhân là phụ nữ.
IEG nhận định các nước trải qua xung đột vũ trang đến nay vẫn trong tình trạng nghèo đói, chậm phát triển và có tốc độ tăng dân số còn cao hơn cả những nước khác trong nhóm các nước nghèo nhất thế giới.
Điều này cho thấy việc thực thi các chương trình hỗ trợ của WB tại các quốc gia xung đột vẫn còn rất nhiều thách thức, và tổ chức toàn cầu này cần điều chỉnh các chiến lược hỗ trợ phù hợp hơn với thực tế./.